Vì sao đột ngột khan hiếm xăng dầu?

Cả nước có khoảng 500 DN phân phối và 36 doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu (đầu mối), nhưng thị trường vẫn có tình trạng khan hiếm xăng dầu.

Vì sao lại có câu chuyện này và để bình ổn nguồn cung, ổn định giá, cần những giải pháp gì?

Đồng Nai, TP.HCM, Bình Dương: Nhiều nơi hết hàng

Chiều tối 10/10, Cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết, đã có 5 cửa hàng bán lẻ xăng dầu tạm ngưng hoạt động, 121 cửa hàng tạm hết hàng.

Hầu hết các điểm bán lẻ trong số này rơi vào tình trạng “chờ đơn vị cung cấp giao hàng”.

Theo Cục này, TP có 15 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu, 60 thương nhân phân phối, 1 thương nhân làm tổng đại lý, 29 đại lý bán lẻ, 550 cửa hàng bán lẻ.

Người dân kiên nhẫn xếp hàng chờ mua xăng trên đường Lê Đại Hành, phường 11, quận 11, TP.HCM (Ảnh chụp ngày 10/10). Ảnh: Phan Tư

Người dân kiên nhẫn xếp hàng chờ mua xăng trên đường Lê Đại Hành, phường 11, quận 11, TP.HCM (Ảnh chụp ngày 10/10). Ảnh: Phan Tư

Tình hình thiếu nguồn cung ứng xăng dẫn đến phát sinh nhiều cửa hàng không còn xăng để bán. Qua kiểm tra thực tế tại các điểm bán lẻ, không có tình trạng găm hàng.

Đáng lưu ý, trong số 5 cửa hàng thông báo tạm ngưng hoạt động, có 2 cửa hàng đang làm các thủ tục giải thể, gồm DNTN Thanh Nguyệt (số 290 đường Lê Văn Khương phường Thới An, quận 12) và Công ty TNHH TM Tân Hiệp - Trạm xăng dầu số K23 (287 Kinh Dương Vương, phường An Lạc, quận Bình Tân).

Tính đến chiều 10/10, TP Thủ Đức xảy ra tình trạng hết xăng nghiêm trọng nhất khi có đến 21 cây xăng ngừng phục vụ hoặc hết xăng, chỉ bán dầu. Xếp kế tiếp danh sách hết xăng là địa bàn quận 12 với 17 cửa hàng, quận Bình Tân 15 cửa hàng, huyện Củ Chi 14 cửa hàng…

Ghi nhận của PV Báo Giao thông, tình trạng hết hàng lan rộng và tăng cao so với ngày trước đó. Trong số các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, Petrolimex có sự chuyển biến tích cực nhưng nhiều thời điểm trong ngày cũng phải ngừng bán vì đợi xe bồn cấp thêm xăng.

Tại Đồng Nai, theo ghi nhận của PV Báo Giao thông chiều 10/10, tại TP Biên Hòa, hàng chục cây xăng rào chắn treo bảng “tạm ngưng chờ nhập hàng” hoặc chỉ bán dầu, khiến người dân bức xúc.

Một số cây xăng lớn nằm ở vị trí trung tâm TP Biên Hòa trên đường Nguyễn Ái Quốc, Hà Huy Giáp... nhân viên bán nhỏ giọt. Xe máy chỉ được đổ tối đa 30.000 đồng, trong khi xe ô tô là 300.000 đồng.

Theo người dân phản ánh, tình trạng nhiều cây xăng tạm ngưng bán hoặc bán nhỏ giọt diễn ra hai ngày qua ở hàng loạt cây xăng ở TP Biên Hòa, huyện Trảng Bom, huyện Thống Nhất.

Tương tự tại Bình Dương, tình trạng nhiều cây xăng tại TP Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An ngưng bán hoặc bán cầm chừng cũng diễn ra.

Nhu cầu tăng, hàng nhập trễ

Trao đổi với PV Báo Giao thông chiều 10/10, lãnh đạo Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) cho biết, những ngày qua, giá xăng dầu thế giới đã tăng cao trở lại, nhu cầu mua hàng của khách hàng cũng vì vậy mà tăng mạnh.

Trong khi đó, các chuyến tàu nhận hàng tại cả 2 nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn trong giai đoạn cuối tháng 9, đầu tháng 10/2022 đều bị trễ so với kế hoạch do ảnh hưởng của cơn bão Noru…

Theo số liệu thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, quý III/2022 (đến ngày 20/9/2022), sản lượng nhập khẩu giảm khoảng 40% đối với xăng, giảm khoảng 35% đối với dầu DO, so với quý II/2022. Trong đó, chỉ có 19/33 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu nhập khẩu. Đặc biệt, có thương nhân đầu mối thường nhập khẩu với số lượng lớn nhưng không thực hiện nhập khẩu vào quý III/2022 như: Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil, Công ty Cổ phần Thương mại Đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu xăng dầu Tín Nghĩa… Do đó, Bộ Tài chính đã yêu cầu Bộ Công thương đánh giá, làm rõ nguyên nhân khó khăn về nguồn hàng; đồng thời rà soát, đánh giá hệ thống phân phối kinh doanh xăng dầu, hệ thống trung gian để có giải pháp phù hợp và tiết kiệm chi phí; chỉ đạo các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước trong mọi tình huống.

“Cùng lúc đó, nguồn hàng nhập khẩu về rất hạn chế, không dồi dào như trước đây do phụ phí mua cao hơn nhiều so với công thức giá cơ sở nên ảnh hưởng tới hiệu quả kinh doanh”, vị này nói và cho biết, trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường như vậy, PVOIL vẫn đảm bảo tối đa nguồn hàng cho toàn hệ thống.

Cụ thể, trong 9 ngày đầu tháng 10/2022, sản lượng xăng dầu PVOIL cung cấp cho các đơn vị trong hệ thống vượt 7% so với kế hoạch, riêng mặt hàng xăng vượt 16%.

Tại thị trường TP.HCM, sản lượng xăng dầu do PVOIL cung cấp cho các đầu mối phân phối cũng vượt tới 28% so với kế hoạch, riêng mặt hàng xăng vượt 35%.

Trước thực tế hiện nay, lãnh đạo PVOIL cho biết, đơn vị đã chỉ đạo các đơn vị thành viên bán lẻ xăng dầu trên địa bàn TP.HCM của mình là PVOIL Sài Gòn và Công ty Cổ Phần Thương mại Xuất nhập khẩu Thủ Đức (TIMEXCO) tăng cường tối đa bán hàng thông qua hệ thống 21 cây xăng để phục vụ nhu cầu gia tăng đột biến của khách hàng trong giai đoạn nhất thời hiện nay.

Theo đó, trong 9 ngày đầu tháng 10/2022, sản lượng bán lẻ của PVOIL Sài Gòn và TIMEXCO đều tăng so với bình thường, xăng tăng 30% và dầu DO tăng 10%. Đặc biệt, trong 2 ngày 8, 9/10/2022, nhiều cây xăng trên địa bàn TP.HCM đóng cửa, khách hàng ồ ạt chuyển qua các cây xăng PVOIL quá đông, tăng gấp 3 lần so với bình thường, gây áp lực lớn cho công tác điều độ hàng hóa. Trong 2 ngày này, sản lượng bán lẻ của PVOIL Sài Gòn và TIMEXCO tăng rất cao so với bình quân các ngày trước đó. Xăng tăng 60%, dầu DO tăng 25%.

Tương tự, lãnh đạo Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng cho biết, đã có khoảng 2 triệu lít xăng được tiếp thêm cho các cây xăng của Petrolimex tại TP.HCM. “Trong đêm 9/10, 80 lượt xe bồn tiếp thêm xăng của đơn vị này đã được chuyển từ kho hàng tới các điểm bán”, lãnh đạo Petrolimex nói và cho biết, bình thường xe bồn chỉ cấp xăng vào ban đêm, nhưng nay phải thực hiện cả ban ngày mới đủ xăng cho điểm bán.

“Tuyệt đối không đóng cửa”

10h30' ngày 10/10, cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại giao lộ Lý Thường Kiệt - Lạc Long Quân (quận Tân Bình) để biển thông báo “Xin lỗi đang nhập hàng”. Ảnh: Quang Phương

10h30' ngày 10/10, cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại giao lộ Lý Thường Kiệt - Lạc Long Quân (quận Tân Bình) để biển thông báo “Xin lỗi đang nhập hàng”. Ảnh: Quang Phương

Theo lãnh đạo PVOIL, dù liên tục đưa hàng về các cây xăng, nhưng đôi lúc cũng không kịp đáp ứng nhu cầu tăng đột biến nên xảy ra hiện tượng một số cây xăng hết xăng trong khoảng thời gian ngắn khi chờ xe bồn đến nhập hàng.

“Tuy nhiên, tuyệt đối không có việc cây xăng PVOIL đóng cửa”, lãnh đạo PVOIL khẳng định và cho rằng, việc thiếu xăng ở một vài cây xăng nói trên chỉ là sự việc mang tính nhất thời và cục bộ. Sau khi được cấp hàng, các cây xăng này đã ngay lập tức tiếp tục bán hàng bình thường.

Dù khẳng định những ngày tiếp theo đơn vị vẫn sẽ tiếp tục khắc phục các khó khăn chung của thị trường nhằm đảm bảo nguồn hàng và duy trì hoạt động ổn định của các cửa hàng bán lẻ trên địa bàn TP.HCM cũng như toàn hệ thống, tuy nhiên, PVOIL cũng vướng những khó khăn chung: “Nếu tình hình thị trường như hiện nay tiếp tục kéo dài sẽ gây khó khăn rất lớn đối với PVOIL cũng như các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu khác. Vì vậy, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu rất mong các cơ quan chức năng sớm có giải pháp để hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng nhằm ổn định thị trường trong bối cảnh giá dầu thế giới biến động lớn”.

Phải giảm được trung gian

Trong bối cảnh trên thị trường có tình trạng khan hiếm xăng dầu, trả lời báo chí, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, công tác quản lý doanh nghiệp đầu mối, doanh nghiệp phân phối và doanh nghiệp bán lẻ thuộc về trách nhiệm của Bộ Công thương.

Do đó việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu, các chi phí trung gian, tiết giảm chi phí quản trị doanh nghiệp xăng dầu thuộc trách nhiệm của Bộ Công thương và các doanh nghiệp.

Liên quan trách nhiệm của Bộ Tài chính, ông Phớc cho rằng, về thuế, Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu 3.000 đồng/lít, về mức sàn tối thiểu.

“Chúng tôi đã tham mưu Chính phủ giảm thuế nhập khẩu từ 20% xuống còn 10%, trình Chính phủ, trình Quốc hội trong điều kiện giá xăng dầu tăng cao thì tiếp tục giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt và giảm 50% thuế giá trị gia tăng”, ông Phớc nói.

Còn về chi phí định mức đối với kinh doanh xăng dầu, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, hiện nay quy định đối với 1 lít xăng chẳng hạn như E5 RON 92 là 975 đồng, sau khi có đề nghị của Bộ Công thương, Bộ Tài chính đã thống nhất tăng thêm 350 đồng.

Như vậy, 1 lít xăng E5 RON 92 có chi phí định mức là 1.320 đồng.

Nói về việc điều hành xăng dầu, lãnh đạo Bộ Tài chính nhận định, hiện nay, làm thế nào để đảm bảo nguồn cung xăng dầu, làm thế nào để quản lý tốt các doanh nghiệp đầu mối là rất quan trọng.

Dẫn chứng nước ta hiện nay có đến 36 doanh nghiệp đầu mối, trong khi các quốc gia lớn như Nhật Bản cũng chỉ có 5 doanh nghiệp đầu mối; hay như đối với doanh nghiệp phân phối chúng ta cũng có đến 500 doanh nghiệp, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đặt vấn đề: “Vậy làm thế nào để xây dựng bộ máy một cách linh hoạt, hiệu quả và giảm được các chi phí trung gian, cung cấp nguồn xăng dầu từ doanh nghiệp đầu mối xuống đến các cửa hàng bán lẻ một cách thuận lợi nhất? Chúng tôi cũng đã trao đổi, phối hợp với Bộ Công thương để Bộ Công thương tăng cường công tác quản lý”, ông Phớc nhấn mạnh.

Bộ Công thương khẳng định đáp ứng đủ nhu cầu

Trong thông tin vừa phát đi chiều tối 10/10, Bộ Công thương khẳng định, hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đóng cửa tại TP.HCM, An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk… là không phổ biến, do có hơn 100 cửa hàng đóng cửa trong tổng số 17.000 cửa hàng đang hoạt động.

Bộ tiếp tục lý giải nguyên nhân khiến doanh nghiệp đóng cửa là do chi phí kinh doanh tăng mạnh, thương nhân đầu mối không đủ nguồn hàng, nên chỉ duy trì trong hệ thống và tồn kho theo quy định.

Nhiều doanh nghiệp giảm mạnh chiết khấu để hạn chế đại lý bán lẻ lấy nhiều hàng, nên doanh nghiệp bán lẻ kinh doanh thua lỗ. Bên cạnh đó là tình hình bão lũ cũng khiến việc vận chuyển hàng gặp khó khăn, gián đoạn và thiếu hụt nguồn cục bộ.

Trước tình hình trên, Bộ Công thương cho hay, đã kiến nghị Bộ Tài chính giảm các loại thuế liên quan đến xăng dầu, cũng như sớm rà soát và gửi thông báo áp dụng mức chi phí đưa xăng dầu trong nước về đến cảng và premium trong nước (chi phí để tính giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước trong công thức giá cơ sở) ở mức phù hợp với thực tế, giúp doanh nghiệp tạo nguồn.

Bộ Công thương tiếp tục khẳng định, dù có sự thiếu hụt xăng dầu cục bộ tại một số cửa hàng của thương nhân đầu mối, gây gián đoạn hoạt động kinh doanh, song tồn kho xăng dầu của các doanh nghiệp vẫn cơ bản đáp ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng xăng dầu trong nước.

Nguồn cung xăng dầu cũng vẫn liên tục được bổ sung từ nguồn nhập khẩu và mua trong nước.

Nguồn: [Link nguồn]

Cám cảnh: Người dân hút xăng trong xe, chia nhau từng giọt vượt 'cơn khát'

TPHCM đang rơi vào tình trạng "khát xăng" chưa từng có. Các cây xăng đồng loạt đóng cửa hoặc bán nhỏ giọt với nhiều lý do. Nhiều người không đổ được xăng xe nên phải...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhóm phóng viên ([Tên nguồn])
Thông tin thị trường Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN