Vé tàu cao tốc Cô tô liên tục tăng: Diễn biến bất ngờ
Trước những phản ánh của Tiền Phong về việc các hãng tàu vận tải tuyến Vân Đồn – Cô Tô liên tục tăng giá trước mùa du lịch cao điểm. Ngày 26/4, liên doanh các công ty vận tải này đã đồng loạt giảm giá vé cho người dân Cô Tô.
Phớt lờ chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ninh về việc bình ổn giá, không tăng giá vé trong kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5. Ngày 20/4, các Cty vận tải khách tuyến Vân Đồn – Cô Tô đồng loạt tăng giá. Động thái này đã khiến chính quyền, người dân và các hộ kinh doanh du lịch trên huyện đảo Cô Tô phản đối kịch liệt.
Với các lý do như bù lỗ cho các chi phí đầu tư, nâng cấp dịch vụ, giá xăng dầu tăng cao, năm 2018, cũng đúng vào mùa du lịch cao điểm, 7 Cty vận tải khách tuyến Vân Đồn – Cô Tô đồng loạt tăng giá vé. Đến năm 2019, cũng với lý do này, một lần nữa các hãng tàu tiếp tục “bắt tay” nhau tăng giá thêm lần nữa, nâng giá vé của người dân Cô Tô từ 150 nghìn đồng/lượt lên 250 nghìn đồng/lượt.
Với các lý do bù lỗ cho các chi phí đầu tư, giá xăng dầu tăng, liên tiếp 2 năm giá vé tàu cao tốc Cô Tô tăng đột biến.
Điều đáng nói, các đợt tăng giá đều do chính các hãng tàu tự “vẽ” ra thông qua sự đồng ý của Sở GTVT. Đặc biệt, cơ sở vật chất từ bến cảng Cái Rồng (huyện Vân Đồn) ra Cô Tô đều do UBND tỉnh Quảng Ninh đầu tư từ nguồn vốn ngân sách. Nhưng từ khi tỉnh này giao lại cho Cty TNHH Vận tải Ka Long quản lý, các loại phí, giá đều do công ty này liên tục “đẻ” ra.
Dấu hiệu trốn thuế?
Trong khi các hãng tàu đang hoạt động tại bến cảng Cái Rồng đều chịu sự chi phối của Cty TNHH Vận tải Ka Long. Hàng loạt các loại phí như vệ sinh, bến đỗ, rời bến, chạy bảng quảng cáo, phí đầu người đều do một mình Ka Long quyết định. Những đơn vị, doanh nghiệp nào không tuân theo sẽ bị gây khó dễ và bị cho là chống lại tập thể.
Cty TNHH Vận tải Ka Long luôn "vẽ" ra các khoản thu đối với các hãng tàu.
Điều đáng nói, từ năm 2018, các đơn vị vận tải này đã có phương án tăng giá vé lên 250 nghìn đồng/lượt, nhưng theo giải thích của ông Bùi Hồng Minh, Phó Giám đóc Sở GTVT Quảng Ninh là do các Cty này tri ân với người dân Cô Tô nên họ chưa tăng giá. Với chức năng, nhiệm vụ của sở cũng chỉ có thể kêu gọi, vận động doanh nghiệp chứ không có quyền áp đặt.
Theo nguyên tắc thu và nộp thuế trên các loại vé do sở tài chính và chi cục thuế ban hành, trên mỗi cuống vé sẽ có mã số thuế và mệnh giá vé được ban hành công khai. Từ các dầu hiệu này, cơ quan thuế sẽ tính số tiền thuế mà doanh nghiệp phải nộp thông qua việc bán vé theo quy định của nhà nước.
Nhưng đối với Cty CPDV Vận tải Ka Long (một trong 7 đơn vị vận tải tuyến Vân Đồn – Cô Tô) lại tự cho mình một luật định riêng. Họ vẫn sử dụng vé đã in sẵn giá, có ký hiệu, mã số thuế của vé có mệnh giá 230 nghìn đồng/người/lượt nhưng in đè lên thành 250 nghìn đồng/người/lượt. Phải để ý kỹ mới phát hiện ra điều bất thường này.
Giá vé mới được in đè lên giá cũ, trong khi mã số thuế, ký hiệu vé vẫn giữ nguyên.
Trao đổi vấn đề này với ông Lê Hồng Minh, Phó Giám đốc Sở GTVT Quảng Ninh, ông Minh cho biết chưa nắm được sự việc và sẽ cho người kiểm tra thông tin trên.
Sau những phản ánh của Tiền Phong, ngày 25/4, mạng xã hội facebook xuất hiện thông tin sẽ giảm giá vé cho người dân Cô Tô xuống còn 230 nghìn đồng/người/lượt. Những thông tin này đều do các nhân viên bán vé tàu tuyến Vân Đồn – Cô Tô phát tán. Trước thông tin này, nhiều người dân Cô Tô vẫn phản đối.
Văn bản của Sở GTVT khẳng định việc công khai giá vé của các hãng tàu là chưa đúng quy định nhưng hiện nay vẫn chưa có chế tài xử lý.
Ngày 26/4, liên doanh các đội tàu vận tải Vân Đồn – Cô Tô đã phát đi văn bản sẽ giảm giá cho người dân Cô Tô xuống còn 200 nghìn đồng/lượt tính từ ngày 27/4, với điều kiện khi mua vé cần xuất trình giấy tờ tùy thân. Riêng giá vé dành cho du khách vẫn giữ nguyên 250 nghìn đồng/lượt. Đặc biệt, các hãng tàu cho biết, sự ưu đãi này chỉ kéo dài trong một khoảng thời gian nhất định, khi các hãng tàu không đủ điều kiện hỗ trợ thì việc thu vé với giá ban đầu là việc đương nhiên.
Thông tin này nhanh chóng được công bố rộng rãi, đã số người dân Cô Tô cho rằng, đây chỉ là động thái xoa dịu dư luận của các hãng tàu. Đối với các hộ kinh doanh du lịch họ vẫn hoàn toàn không đồng ý với điều kiện mà văn bản này đưa ra.
Liên doanh các hãng tàu gửi văn bản đồng ý giảm giá vé cho người dân nhưng chỉ trong một thời gian nhất định.
“Chúng tôi cần là sự đáp ứng nhu cầu thực sự chứ không phải bán dịch vụ theo kiểu bắt ép. Sắp tới chúng tôi sẽ tìm hướng giải quyết bằng cách ký hợp đồng với các công ty vận tải khác để đối trọng với các hãng tàu này” – Anh N. H. N. Đại diện nhóm kinh doanh du lịch thị trấn Cô Tô cho biết.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Đào Văn Vũ, Phó Chủ tịch UBND huyện Cô Tô cho biết: “Việc các hãng tàu đồng loạt đưa ra 1 giá vé cố định là chưa hợp lý, cần có nhiều loại hình dịch vụ và các giá vé khác nhau để người dân, du khách lựa chọn. Ngay cả việc đi máy bay, người ta cũng có quyền chọn cho mình loại hình dịch vụ thích hợp với túi tiền”.
Giá xăng dầu tăng liên tục gần 3.000 đồng/lít chỉ trong 2 tuần đầu tháng 4 đã bắt đầu ảnh hưởng đến cước vận...