Trông giữ xe chuyển từ phí sang giá: Có ngăn được thất thu?
Từ ngày 1/1/2017, Hà Nội áp dụng khung giá dịch vụ trông giữ phương tiện (xe đạp, xe đạp điện, xe máy, xe máy điện và ô tô) trên địa bàn với mức giá mới theo cơ chế chuyển từ việc thu phí sang giá dịch vụ. Tuy nhiên, điều mà dư luận quan tâm, liệu Hà Nội có chấn chỉnh hiện tượng “loạn” giá trông giữ, cũng như hiện tượng gây thất thu lâu nay.
Mức thu cao nhất 4,5 triệu đồng/ ô tô
Theo Quyết định số 58, về giá dịch vụ trông giữ phương tiện do Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản vừa ký ban hành thì mọi loại xe gồm: (xe đạp, xe đạp điện, xe máy, xe máy điện, ô tô…), đều thực hiện theo khung giá mới. Mức giá trông giữ xe được quy định chi tiết tuỳ theo từng địa điểm, thời gian gửi xe. Đơn cử, giá vé gửi xe đạp (kể cả xe đạp điện, xe máy điện) tại các quận gồm 4 mức: 2.000 đồng/xe/lượt, 3.000 đồng/xe/lượt ban ngày; 4.000 đồng/xe/lượt ban đêm và 40.000 đồng/xe/tháng. Phí trông giữ xe máy là 3.000 đồng/lượt ban ngày, 5.000 đồng/lượt ban đêm, 7.000 đồng/lượt cả ngày và đêm và 70.000 đồng/xe theo tháng.
Một điểm trông giữ xe tự phát tại Hà Nội. Ảnh: Ngọc Châu.
Tại các tòa nhà chung cư, trung tâm thương mại có hệ thống giám sát, ra vào quẹt thẻ, tính tiền, in tiền hóa đơn tự động, vé giữ xe đạp (kể cả xe đạp điện, xe máy điện) có mức giá lượt là 2.000 đồng, 3.000 đồng, 4.000 đồng/xe và 40.000 đồng/xe/tháng. Phí trông giữ xe máy 5.000 đồng/lượt ban ngày, 6.000 đồng/lượt ban đêm, 10.000 đồng/lượt cả ngày và đêm và 100.000 đồng/xe theo tháng.
Đối với ô tô, quy định một lượt không quá 120 phút, quá 120 phút thu thêm các lượt tiếp theo. Trường hợp gửi xe qua đêm tính bằng ba lượt. Đặc biệt, đối với các tuyến phố cần hạn chế việc dừng đỗ xe ở địa bàn các quận trung tâm như: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Ba Đình, mức thu tại các điểm không có mái che đối với ô tô đến 9 chỗ ngồi là 3.500.000 đồng/tháng; ô tô từ 10 chỗ ngồi trở lên là 4.500.000 đồng/tháng. Ngoài ra, Quyết định số 58 cũng quy định các cấp, các sở, ngành trên địa bàn Hà Nội có trách nhiệm bố trí khu vực để phương tiện giao thông của cán bộ, công chức, viên chức và của người đến giao dịch, làm việc và không được thu tiền.
“Nếu chúng ta vẫn giữ phí trông giữ xe do HĐND TP thông qua thì sẽ không khuyến khích được các doanh nghiệp đầu tư vào các điểm, bến, bãi đỗ xe tĩnh”. Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách (HĐND TP Hà Nội) Phạm Thị Thanh Mai |
Theo đánh giá, với quyết định này, Hà Nội mong muốn quy định mức giá trông giữ xe chi tiết cho từng loại hình, khu vực nhằm chấn chỉnh hiện tượng “loạn” phí trông giữ xe lâu nay. Theo tìm hiểu của chúng tôi, tình trạng “loạn” phí trông giữ xe tại Hà Nội diễn ra khá phổ biến, thể hiện dưới 2 hành vi chính là thu cao hơn mức quy định và thu nhưng không lập hóa đơn, không vé và không đưa vào sổ sách theo dõi, báo cáo. Đáng nói nhất là số tiền chênh lệch do thu cao hơn quy định và số tiền thu không có hóa đơn sẽ được bỏ ngoài sổ sách và thu lợi bất chính, dẫn đến ngân sách hằng năm thất thu một khoản khá lớn. “Đây là sự điều chỉnh từ cơ chế thu phí sang giá dịch vụ do UBND TP ban hành. Đồng thời bổ sung mức thu các loại xe mới xuất hiện như xe đạp, xe máy điện. Việc làm này vừa tạo sự linh hoạt trong việc ban hành khung giá vừa khuyến khích, kêu gọi được các nhà đầu tư tham gia đầu tư các điểm, bến, bãi đỗ xe theo hình thức xã hội hoá”, một cán bộ Sở Tài chính cho biết.
Cần tăng công cụ kiểm tra, xử lý
Trao đổi với PV Tiền Phong, Trưởng Ban Kinh tế- Ngân sách (HĐND TP Hà Nội) Phạm Thị Thanh Mai cho biết, trước đây Pháp lệnh về phí và lệ phí có rất nhiều ý kiến phản ánh từ các địa phương chưa phù hợp. “Nếu chúng ta vẫn giữ phí trông giữ xe do HĐND TP thông qua thì sẽ không khuyến khích được các doanh nghiệp đầu tư vào các điểm, bến, bãi đỗ xe tĩnh. Nếu chuyển sang việc ban hành giá dịch vụ thì sẽ linh hoạt hơn trên cơ sở ban hành khung giá do nhà nước quản lý”, bà Mai nói.
Bà Mai cho biết, đối với quy định mới này của Hà Nội, ngay trong những ngày đầu năm mới của Tết Nguyên đán sắp tới, Ban Kinh tế-Ngân sách (HĐND TP Hà Nội) sẽ tiến hành các buổi khảo sát thực tế trên địa bàn. “Chúng tôi sẽ tiến hành khảo sát, kiểm tra việc chuyển từ cơ chế thu phí trông giữ phương tiện sang cơ chế giá dịch vụ tại các điểm trông giữ trên địa bàn. Đặc biệt tại các điểm trông giữ ở khu di tích, đền chùa, khu lễ hội hay tại các điểm trông giữ bến bãi lớn của thành phố. Việc ban hành này của UBND TP Hà Nội là tốt nhưng điều quan trọng nhất là thành phố phải có các biện pháp để kiểm soát việc thu tiền trông giữ phương tiện như thế nào cho hiệu quả”, bà Mai cho biết.
Theo bà Mai, giải pháp cốt lõi của tình trạng “loạn” giá trông giữ phương tiện là cần phải rà soát, bố trí và có quy hoạch các điểm trông giữ, các bãi đỗ xe tĩnh nhưng đây là lĩnh vực Hà Nội đang yếu. Chính vì có sự vênh nhau giữa cung và cầu nên xảy ra tình trạng thu tiền mỗi nơi một kiểu. Thứ hai, hiện nay dù có sự phân cấp cấp phép và quản lý nhưng thực tế chưa hiệu quả. Chẳng hạn, lòng đường thì do Sở GTVT cấp phép tạm, còn vỉa hè thì phân cấp cho các quận, huyện cấp phép. Nhưng thực tế lâu nay cho thấy, chỉ tập trung ở khâu cấp phép mà việc quản lý sau cấp phép còn nhiều bất cập. “Sở GTVT cấp phép sử dụng lòng đường để trông giữ phương tiện nhưng không thể với tới tận các phường, các ngõ ngách đã cấp phép. Thậm chí một số nơi có sự bật đèn xanh cho việc trông giữ, thu tiền không đúng quy định. Điều này sắp tới chúng tôi sẽ giám sát, tái kiến nghị để xem chỉ đạo của thành phố đã được thực hiện tới đâu, hiệu quả ra sao”, bà Mai nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng trên 1.000 điểm trông giữ xe với khoảng hơn 200 đơn vị, doanh nghiệp tham gia. Ngoài ra, nhiều nơi có hiện tượng các bãi xe tự phát, tự tổ chức trông giữ xe cũng “mọc” lên rất nhiều. Chỉ riêng Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội, Phó Giám đốc Công ty Phạm Văn Đức cho biết, hiện đơn vị có gần 150 điểm trông giữ xe thu tiền. “Theo quy định của công ty, không có chuyện khoán trong việc thu tiền giữ xe, khi nhân viên thu phí gửi xe của khách thì phải phát vé. Trường hợp nhân viên vi phạm thì tùy theo mức độ để xử lý”, ông Đức cho biết.