TQ chìm sâu trong khủng hoảng thịt lợn vì giá tăng kỷ lục

Nhu cầu tăng cao đã đẩy giá thịt lợn tại Trung Quốc ở mức cao kỷ lục. Theo đó, tránh cơn sốt giá trong nước để có lãi, nhiều thương lái nước này hiện đang ồ ạt nhập khẩu thịt lợn từ thế giới.

TQ chìm sâu trong khủng hoảng thịt lợn vì giá tăng kỷ lục - 1

Nhu cầu tăng cao đã đẩy giá thịt lợn tại Trung Quốc ở mức cao kỷ lục. Ảnh: FT

Giá thịt lợn ở mức cao kỷ lục đẩy lạm phát tăng mạnh

Theo Financhial Times ngày 5.5, Trung Quốc hiện đang là quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu và nhập khẩu thịt lợn. Tuy nhiên, thực tế hiện nay chỉ ra rằng Trung Quốc hiện đang ở trong tình trạng thiếu mặt hàng thực phẩm này.

Trong tháng 3 vừa qua, giá thịt lợn tại Trung Quốc đã đột ngột tăng 28,4% so với cùng kỳ năm ngoài, đóng góp 0,64 điểm phần trăm và đẩy lạm phát tại nước này trong tháng đó lên tới 2,3%. Đối với Trung Quốc, việc giảm giá thịt lợn cũng là một trong những biện pháp giúp kiểm soát lạm phát. Loại thực phẩm này chiếm tỷ lệ lớn trong giỏ hàng tính CPI của nước này. Giá thịt lợn tăng đã đẩy lạm phát của Trung Quốc tăng cao trong vài tháng gần đây. 

Tính đến ngày 3.5, giá thịt lợn trên thị trường Trung Quốc ở mức 20.9 NDT/kg (tương đương với khoảng 70.000 đồng/kg), tăng hơn 4% so với tuần trước và tăng gần 25% so với hồi đầu năm. Mức giá hiện nay thậm chí còn đắt hơn so với giai đoạn cao điểm gần đây nhất năm 2011. 

Theo Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, mức giá bán buôn thịt lợn cũng đang tăng cao kỷ lục, trung bình 1 kg bán buôn hiện có giá 26,45 NDT (tương đương với 88.000 đồng/kg), tăng 0,8% so với thứ 6 tuần trước. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan nước này, tính đến cuối tháng 3 vừa qua, lượng nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc đã tăng 90% lên mức kỷ lục là 286.093 tấn.

Ngoài nhu cầu tăng cao, một số nguyên nhân khác được cho là khiến giá thịt lợn của Trung Quốc tăng chóng mặt, đó là trong vài năm gần đây, khi ngành chăn nuôi lợn của Trung Quốc bước vào chu kỳ điều chỉnh, kéo theo sự phục hồi và nhu cầu bù lỗ của các hộ chăn nuôi sau thời gian dài thua lỗ. Ngoài ra, hiện tượng thời tiết cực đoan do tác động của biến đổi khí hậu trong năm 2015 đã ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của lợn, khiến nguồn cung trong nước bị giảm sút.

Theo đó, Ủy ban Phát triển và cải cách quốc gia Trung Quốc dự báo, từ nay đến Tết Trung thu và Quốc khánh Trung Quốc (1.10), giá thịt lợn tại thị trường này vẫn tiếp tục tăng cao.

Thu mua ồ ạt từ các nước

Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), trong năm 2016 ước tính Trung Quốc sẽ nhập khẩu 1,3 triệu tấn thịt lợn, số lượng nhập khẩu chủ yếu đến từ khu vực Liên minh châu Âu (khu vực này chiếm 80% số lượng nhập khẩu của Trung Quốc).

Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ NN&PTNT) trước đó đã thông báo Việt Nam hiện cũng được xem là mục tiêu nhập khẩu thịt lợn chính của Trung Quốc, các thương lái Trung Quốc đang tích cực thu mua một khối lượng lớn thịt lợn hơi từ phía Việt Nam để hưởng mức giá rẻ, vì giá thịt lợn hơi của Việt Nam chuyển qua biên giới phía bắc để xuất sang Trung Quốc còn chưa tới 60.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá bán thịt lợn hơi tại thị trường Trung Quốc đã ở mức 65.000 - 70.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Văn Trọng Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết mặc dù việc Trung Quốc ồ ạt thu mua lợn của Việt Nam sẽ giúp cho người chăn nuôi trong nước dễ tiêu thụ sản phẩm và có lãi trong thời điểm hiện nay, nhưng Trung Quốc lại nhập khẩu rất thất thường, một khi họ dừng đột xuất thì sẽ làm mất ổn định cung - cầu thịt lợn, tạo nên cơn sốt giá trong nước và thậm chí, người chăn nuôi cũng thua lỗ nặng.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Một Thế Giới, TS Đoàn Xuân Trúc, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, cho biết, nguyên nhân khiến Trung Quốc nhắm Việt Nam là thị trường nhập khẩu chính là do khi Trung Quốc nhập lợn Việt Nam qua đường tiểu ngạch sẽ được hưởng lợi hơn rất nhiều so với nhập từ nước khác. Cụ thể là hưởng lợi về thuế, giá...Đặc biệt, người tiêu dùng Trung Quốc lại thích ăn lợn tươi, Việt Nam hoàn toàn đáp ứng được điều đó.

TS. Trúc cũng cảnh báo thêm, sẽ có lúc Trung Quốc ngừng thu mua lợn của Việt Nam và khi đó, người chăn nuôi thua lỗ nặng và đó là một mối nguy hại.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tuyết Nhung (Một thế giới)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN