Thương lái Trung Quốc thao túng lúa, dừa khô

Hàng loạt các mặt hàng nông sản ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bị thương lái Trung Quốc thao túng giá cả… Sau vụ khoai lang rớt giá giờ đến lượt lúa gạo và dừa khô…

“Xúi” doanh nghiệp làm bậy

Cuối vụ đông xuân 2012, thương lái Trung Quốc đổ xô đến ĐBSCL tìm mua lúa với giá cao đem về nước tiêu thụ. Những người này còn “xúi” doanh nghiệp trộn gạo thường và gạo thơm để bán cho họ với giá gạo thơm…

Tiếp xúc với PV, nhiều doanh nghiệp trong nước cho rằng đây là việc làm gian dối, nhằm hạ uy tín hạt gạo Việt trên thị trường thế giới nên nhiều doanh nghiệp phản đối.

Trước tình hình này, ông Trương Thanh Phong – Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã chỉ đạo các doanh nghiệp thành viên nên cẩn trọng khi làm ăn với thương lái Trung Quốc.

Đồng thời cảnh báo tuyệt đối không trộn gạo thơm với gạo thường khi ký hợp đồng xuất khẩu với các đối tác từ Trung Quốc nhằm tránh ảnh hưởng đến uy tín của gạo Việt Nam. Sự việc đã được ngăn chặn nhưng là lời cảnh báo cho các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo khi làm ăn với người Trung Quốc.

Ông H - thương lái thu mua lúa gạo ở các tỉnh Hậu Giang, TP. Cần Thơ, Kiên Giang cho biết: “Ban đầu họ vào vùng nguyên liệu thông qua hệ thống thương lái địa phương và các nhà máy xay xát, chế biến lúa gạo để mua với gía khá cao. Tuy nhiên, việc kinh doanh của họ rất bất thường, lúc thì họ mua lúa thường, lúc lại mua lúa thơm làm thị trường bị biến động rất lớn”.

Theo ông H khi cuối vụ đông xuân, bất ngờ giá lúa thường (IR 50404) tăng giá ngang bằng với lúa hạt dài nên nông dân ùn ùn trồng trong vụ hè thu. Đây có thể cách để do thương lái Trung Quốc thôn tính thị trường. Họ có tiền nên có thể ồ ạt thu mua một loại lúa nào đó là ngay lập tức giá lên cao. Và khi giá lên cao thì họ bỏ không thèm mua khiến thị trường rối loạn…

Thương lái Trung Quốc thao túng lúa, dừa khô - 1

Chế biến cơm dừa nạo sấy ở tỉnh Bến Tre

Thôn tính dừa khô

Mấy năm trước, giá dừa khô tăng đột biến do thương lái Trung Quốc ồ ạt thu mua dừa trái tại vùng nguyên liệu ở tỉnh Bến Tre. Trên sông Hàm Luông (tỉnh Bến Tre) mỗi ngày có khoảng 10 tàu sắt neo đậu thu mua dừa chở đi Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan… tiêu thụ. Thế nhưng, năm nay khi sản lượng dừa trái của tỉnh Bến Tre tăng từ 20 - 40% so với năm rồi thì họ lại thu mua nhỏ giọt.

Hiện tại, chỉ còn khoảng 1 - 2 tàu thu mua khoảng vài trăm ngàn trái mỗi ngày. Giá dừa khô vì vậy cũng rớt đến tận đáy, khoảng 8.000 - 10.000 đồng/chục (1 chục 12 trái) chỉ bằng 1/10 so với năm rồi.

“Các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu khi ký hợp đồng với đối tác Trung Quốc cần phải tỉnh táo. Việc họ “xúi” doanh nghiệp trộn gạo thơm với gạo thường là cách làm ăn gian dối nhằm hạ uy tín của lúa gạo Việt Nam”.

Thạc sĩ Phạm Văn Quỳnh - Giám đốc Sở NNPTNT TP. Cần Thơ

Người trồng dừa ở tỉnh Bến Tre và các tỉnh thành khác ở khu vực ĐBSCL lâm vào cảnh lao đao. Thậm chí vườn dừa ở vùng sâu, vùng xa khó khăn trong vận chuyển thương lái địa phương không thu mua. Vì vậy, nhiều nông dân đã bắt đầu đốn dừa để chuyển qua trồng các loại cây khác.

Nếu như nông dân trồng dừa lao đao vì giá rớt thì nhiều cơ sở chế biến thạch dừa, cơm dừa nạo sấy và các đại lý kinh doanh dừa… phá sản hàng loạt vì thua lỗ. Tại xã Mỹ Thạnh An, TP. Bến Tre, có trên 60 cơ sở chế biến thạch dừa, thì những ngày qua có khoảng 2/3 cơ sở đóng cửa. Nguyên nhân là do thạch dừa thô giá từ 4.000 đồng/kg, sụt liên tục xuống còn mức 1.200- 1.400 đồng/kg nhưng không bán được.

Ông Nguyễn Văn Đắc – Phó Chủ tịch Hiệp hội Dừa Bến Tre cho biết: “Bây giờ thương lái Trung Quốc thôn tính cả vùng nguyên liệu dừa khô ở tỉnh Bến Tre. Họ quyết định về giá thu mua dừa trái và thạch dừa nên giá dừa rớt đến tận đáy trong thời gian qua, kéo theo người trồng dừa và cả ngành chế biến dừa lâm vào cảnh khốn khó”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Mai ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN