Thuốc diệt cỏ bị kiện gây ung thư tại Mỹ vẫn bán chạy tại Việt Nam

Sự kiện: Kinh Doanh

Nhiều quốc gia trên thế giới đã cấm và phản đối mạnh mẽ việc sử dụng thuốc diệt cỏ có chứa hoạt chất glyphosate vì có khả năng gây ung thư. Tuy nhiên, tại Việt Nam, thuốc diệt cỏ này lại bán chạy, người dân vẫn sử dụng thường xuyên.

Mới đây, bồi thẩm đoàn tại Tòa cấp cao San Francisco (Mỹ) kết luận Monsanto, công ty hóa chất sản xuất chất độc da cam trong chiến tranh Việt Nam, đã không cảnh báo khách hàng về rủi ro ung thư khi sử dụng những loại thuốc diệt cỏ có chứa glyphosate của hãng này.

Đồng thời, Tòa yêu cầu Monsanto bồi thường cho một chuyên viên vệ sinh ở một ngôi trường tại California, tổng số tiền 289 triệu USD. Người này từng sử dụng 2 loại thuốc diệt cỏ của Monsanto chứa glyphosate trung bình 30 lần/năm trước khi phát hiện bị ung thư hạch bạch huyết vào năm 2014.

Ở Việt Nam, theo ghi nhận của phóng viên, nhiều cửa hàng vẫn bày bán loại thuốc diệt cỏ có chứa glyphosate. Tại huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc), một số cửa hàng bày bán công khai, cũng có cửa hàng cất trong kho, khi khách hỏi mua mới mang ra.

Một chủ cửa hàng cho biết loại thuốc diệt cỏ này rất độc, có thể gây ung thư, vô sinh… Vì thế, người bán hay người mua đều phải đeo khẩu trang, dùng găng tay khi cầm loại thuốc diệt cỏ này. Tuy nhiên, người dân khu vực này rất ưa chuộng vì khả năng diệt cỏ tận gốc.

“Dù biết thuốc này rất độc, tôi vẫn phải nhập về bán. Người dân khu vực này chủ yếu hỏi mua loai thuốc này, tôi nhập loại khác về lại không bán được”, một chủ cửa hàng cho hay.

Thuốc diệt cỏ bị kiện gây ung thư tại Mỹ vẫn bán chạy tại Việt Nam - 1

Dù biết độc hại, thuốc diệt cỏ chứa hóa chất glyphosate vẫn được người dân sử dụng thường xuyên.

Tại một cửa hàng khác, chủ cửa hàng cũng giới thiệu 2 loại thuốc diệt cỏ: cháy nhanh và cháy chậm. Người này giải thích loại cháy nhanh chỉ mất 1-2 ngày là cháy cỏ nhưng cỏ nhanh mọc lại, còn loại thuốc diệt cỏ cháy chậm (có chứa glyphosate) mất 3-4 ngày để diệt cỏ, độc hơn nhưng 3-4 tháng sau cỏ mới mọc lại được.

Chủ cửa hàng này cũng cho biết thuốc diệt cỏ cháy chậm (có chứa glyphosate) được người dân trồng hoa sử dụng nhiều. Vì loại thuốc này có thể diệt tận gốc các loại cỏ sống dai, dễ sinh trưởng, dễ thích nghi và khó diệt tận gốc nhất.

Sự độc hại của loại thuốc diệt cỏ có chứa hóa chất glyphosate này người dân quanh khu vực huyện Mê Linh ai cũng biết nhưng họ vẫn sử dụng thường xuyên.

Cô Vũ Xuân – một người trồng hoa ở Mê Linh, Hà Nội cũng khẳng định bản thân biết loại thuốc diệt cỏ này rất độc, ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, cô vẫn phải sử dụng vì không có người làm cỏ và chưa tìm được loại thuốc ít độc, diệt cỏ hiệu quả để thay thế.

“Ở đây, nhà nào trồng hoa cũng dùng thuốc diệt cỏ này. Vì chỉ cần phun 1 lần, vài tháng sau cỏ cũng không mọc được. Điều này cũng tiết kiệm chi phí cho người làm nông nghiệp”, cô Xuân cho hay.

Thuốc diệt cỏ bị kiện gây ung thư tại Mỹ vẫn bán chạy tại Việt Nam - 2

Thuốc diệt cỏ bị kiện gây ung thư tại Mỹ vẫn bán chạy tại Việt Nam - 3

Sau 3-4 ngày phun thuốc diệt cỏ loại này, cỏ bị diệt tận gốc.

Bàn về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia hàng đầu về Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, cho biết tất cả các loại thuốc diệt cỏ đều không khuyến khích sử dụng. Đặc biệt, loại hóa chất glyphosate có trong thuốc diệt cỏ còn liệt vào danh sách hoạt chất trong thuốc bảo vệ thực vật bị hạn chế sử dụng, có khả năng gây ung thư.

“Bản chất thuốc diệt cỏ là chất kích thích sinh trưởng cực mạnh, nó làm cho cây cối phát triển vươt quá ngưỡng và tự hủy diệt. Loại thuốc này khi xuống đất sẽ ảnh hưởng đến cây cỏ, động vật và có thể hủy hoại môi trường. Nhưng hiện nay, người dân vẫn lạm dụng loại thuốc này trong nông nghiệp”, ông nhận định.

Theo một chuyên gia về sinh học khác, thuốc diệt cỏ có chứa hóa chất glyphosate hiện chưa bị cấm ở Việt Nam. Còn việc thuốc diệt cỏ loại này gây ung thư thì vẫn còn nhiều tranh cãi, chưa có bằng chứng nào khẳng định điều này. Tuy nhiên, thuốc diệt cỏ loại này vẫn có tác dụng trong sản xuất, bỏ đi thì không biết sử dụng thuốc nào để hiệu quả và không độc hại.

Chính thức cấm sử dụng chất tạo nạc Cysteamine gây ung thư, suy yếu miễn dịch

Bộ NN-PTNT chính thức bổ sung chất Cysteamine vào Danh mục hóa chất, kháng sinh cấm nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh và sử...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Anh Thư - Thủy Trần ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN