Thứ trưởng Công thương bức xúc vì "bánh mì không giảm giá"
Đại diện lãnh đạo Bộ Công thương khẳng định đã làm hết sức có thể để giá các mặt hàng như điện, xăng dầu...cùng nhịp với giá thế giới và theo sát giá thị trường.
Xăng 8 lần giảm giá, vì sao giá thực phẩm vẫn "đứng im"?
“Có bạn hỏi vì sao giá xăng trong nước đã giảm 8 lần nhưng giá bán các mặt hàng thực phẩm, hàng thiết yếu trong nước vẫn chót vót. Nói thật, là người dân tôi cũng rất bức xúc về việc này”.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải chia sẻ quan điểm trước chất vấn của báo giới về chuyện, vì sao giá xăng dầu bán lẻ trong nước đã giảm 8 lần liên tiếp từ đầu năm nhưng diễn biến giá cả hàng hóa thiết yếu, nhất là mặt hàng thực phẩm phục vụ đời sống dân sinh vẫn “té nước theo mưa”.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Tôi cũng rất bức xúc chuyện giá thực phẩm mãi không giảm
Trước câu hỏi liên tiếp của báo giới xoay quanh chuyện giảm giá xăng dầu, chuyện liệu Nghị định 83 mới có đảm bảo được tính minh bạch như công bố? rồi chuyện vì sao giá xăng trong nước đã giảm tới 8 lần nhưng giá hàng hóa thực phẩm vẫn “phớt lờ” giữ giá cao?.... Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thẳng thắn, “mỗi lần giá xăng dầu tăng, cá nhân tôi đi mua bánh mì thì đều thấy giá tăng lên, người bán hàng giải thích là do tăng giá xăng dầu. Nhưng nay giá xăng giảm 8 lần rồi mà giá chiếc bánh mì đó vẫn không hề giảm. Là người dân bản thân tôi cũng rất bức xúc chuyện này”.
Bày tỏ “bức xúc” cá nhân, nhưng ông cũng không quên khẳng định, những gì ngành công thương làm được, như phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu theo sát giá thị trường… thì cơ quan này đã cố gắng hết sức.
Năm 2015, Việt Nam sẽ quay lại nhập siêu
Nhập siêu tháng 10 ước 400 triệu USD, bằng 2,9% kim ngạch nhập khẩu. Tính chung 10 tháng 2014, xuất siêu xấp xỉ 1,9 tỷ USD, trong đó, khối các doanh nghiệp trong nước nhập siêu gần 12 tỷ USD, khối các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu gần 13,8 tỷ USD.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải đánh giá, việc tăng nhập khẩu trong thời điểm này là biểu hiện của phục hồi sản xuất kinh doanh của DN. Tuy nhiên, ông cũng đưa ra dự báo của ngành công thương, là sau 3 năm xuất siêu, có thể năm 2015 Việt Nam sẽ quay trở lại tình trạng nhập siêu khoảng 5% so với kim ngạch xuất khẩu.
“Dự báo này vừa được Bộ Công thương báo cáo tại cuộc họp giải trình ở Ủy ban Kinh tế vào sáng 3/11. Khi xây dựng báo cáo chúng tôi không tô hồng thành tích, cũng không đưa ra chỉ tiêu thấp để cuối năm đạt vượt chỉ tiêu thì hồ hởi. Mà báo cáo của Bộ căn cứ vào diễn biến thực tế…” – Thứ trưởng Hải nói và dẫn ra 6 lý do giải thích.
Sau 3 năm xuất siêu, Việt Nam sẽ quay trở lại nhập siêu vào năm 2015
Trước tiên, là thặng dư cán cân thương mại của nước ta những năm qua chủ yếu là xuất siêu của DN FDI, còn thực tế DN Việt Nam vẫn đang nhập siêu. Tuy nhiên, chính các DN FDI cũng đang giảm dần sản lượng nhập khẩu của mình do đã đạt gần tới công suất thiết kế ban đầu. Đơn cử, năm 2012 DN FDI tăng xuất khẩu 31%, nhưng 2013 chỉ tăng 22% và năm 2014 mức tăng xuất khẩu giảm xuống còn 12%.
Ngoài ra, năm 2015 khả năng tăng trưởng xuất khẩu của DN FDI sẽ không tăng nhiều so với trước, do mặt hàng tăng xuất khẩu chủ yếu của khu vực này là điện thoại di động và tới nay thì đã giảm đáng kể qua các năm.
Thứ 2, năm 2015 cũng được đánh giá có nhiều thuận lợi về phát triển xuất nhập khẩu, nhưng giai đoạn đầu của Việt Nam chưa tăng cao về lượng do nguồn hàng trong nước chưa đáp ứng được cả về số lượng, chất lượng để thâm nhập vào các thị trường đang xuất khẩu. Thậm chí, chúng ta đang rơi vào tình trạng, đầu năm thì mải mê đi lễ chùa chiền, tới tháng 6, tháng 7 mới bắt nhịp vào sản xuất thực thụ.
Thứ 3, dự báo kinh tế thế giới tăng trưởng tốt hơn. Các DN nước ngoài nhìn thấy triển vọng thu hút từ thương mại thế giới nên sẽ tăng đầu tư và nhập khẩu máy móc thiết bị để phát triển.
Thứ 4, là trước bất ổn chính trị với Trung Quốc buộc chúng ta phải mở rộng, da dạng hóa thị trường nhập khẩu để không quá phụ thuộc vào thị trường này. Nhập từ thị trường khác, ngoài Trung Quốc, đương nhiên giá sẽ cao hơn, tổng kim ngạch nhập khẩu cao dễ dẫn tới nhập siêu.
Thứ 5, nhiều DN nước ngoài cũng đang có xu hướng chuyển dịch kinh doanh sản xuất vào Việt Nam, do đó họ sẽ nhập nhiều máy móc thiết bị.
Cuối cùng, năm 2015 Việt Nam sẽ phải nhập khẩu một lượng than khá lớn để phục vụ cho sản xuất trong nước khi nguồn cung trong nước không đủ cho một loạt nhà máy nhiệt điện sẽ đi vào hoạt động vào năm tới.