Sử dụng chất tạo nạc: Quá nhiều “ông lớn” vi phạm!

Liên tiếp trong thời gian gần đây, các cơ quan chức năng đã phát hiện hàng loạt cơ sở sản xuất, kinh doanh và các trang trại chăn nuôi sử dụng chất tạo nạc (chất cấm) để tăng trọng lợn (heo), nhưng việc xử phạt mới chỉ dừng ở mức độ hành chính với cơ sở bị xử phạt cao nhất lên tới 442 triệu đồng.

Bùng phát sử dụng chất cấm

Kết quả của đợt thanh tra chuyên ngành giữa Thanh tra Bộ NNPTNT phối hợp với Cục Cảnh sát C46 Bộ Công an vừa công bố mới đây cho thấy tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi lại bùng phát trở lại. Cụ thể, qua làm việc với TP.Hồ Chí Minh, kiểm tra 227 mẫu nước tiểu của 55 hộ giết mổ, đoàn Thanh tra Bộ NNPTNT đã phát hiện 31 mẫu dương tính với hoạt chất cấm, sử dụng trong chăn nuôi là salbutamol từ l80 – 1.300ppb, cao gấp nhiều lần so với quy định.

Tại Đồng Nai, qua kiểm tra 44 trại chăn nuôi, các cơ quan chức năng cũng phát hiện 14 trang trại có lợn dương tính với salbutamol. Cùng thời gian này, các cơ quan chức năng  còn phát hiện thêm ở nhiều địa bàn khác nhau như Tiền Giang 25 mẫu, Bến Tre 4 mẫu, Tây Ninh 2 mẫu dương  tính với salbutamol.

Sử dụng chất tạo nạc: Quá nhiều “ông lớn” vi phạm! - 1

Việc sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi lợn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Ảnh: Một     trang trại chăn nuôi lợn ở Khoái Châu, Hưng Yên. Ảnh:  L.H.T

Đặc biệt, các cơ quan chức năng còn phát hiện cả một số “ông lớn” trong ngành chăn nuôi cũng liên quan tới chất cấm là Công ty Anco (Đồng Nai) và Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam (C.P). Trao đổi với NTNN, ông Nguyễn Duy Linh – Trưởng bộ phận Truyền thông, Công ty C.P cho biết: “Khi làm việc với đoàn thanh tra, chúng tôi đã nhận sai sót không quản lý chặt chẽ các trang trại gia công nên mới xảy ra trường hợp sử dụng chất cấm ở trang trại gia công thời gian qua”. Ông Linh cũng khẳng định, dù công ty đã có chủ trương không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, nhưng có nhiều trường hợp nuôi gia công vẫn sử dụng. Công ty  kiên quyết cắt hợp đồng với các trang trại gia công vi phạm và bổ sung vào quy trình mỗi khi xuất bán sẽ lấy mẫu kiểm tra chất cấm.

Theo một chuyên gia chăn nuôi, lý do khiến người ta sử dụng “chất tạo nạc” có rất nhiều, đối với người nuôi lợn giúp tăng trọng nhanh, mẫu mã đẹp, người mổ, người buôn khen; bán được giá lúc chạy hàng và dễ bán lúc ế hàng. Đối với người mổ lợn thì rất thích lợn dùng chất cấm vì có mẫu mã đẹp, tỉ lệ nạc cao dễ tiêu thụ. Do đó, người chăn nuôi luôn được sự “tiếp tay” của người mổ lợn và một số nhân viên kinh doanh thuốc thú y hoặc phụ gia chăn nuôi. “Còn với các đơn vị sản xuất cám, “chất tạo nạc” được xác định là con đường nhanh nhất để giành lại thị trường, cạnh tranh với các công ty khác. Chính vì thế, cả khâu chăn nuôi đến giết mổ đã “nhắm mắt làm liều”, đặt lợi nhuận lên trên hết, bất chấp đạo lý để sử dụng chất cấm tăng trọng lợn”.

Sao không xử lý hình sự?

"Hiện nay, người dân thường sử dụng 3 chất cấm chính, trong đó chủ yếu là chất salbutamol, mà các chất này ngành nông nghiệp đã cấm nhưng ngành y tế vẫn  sử dụng để điều trị bệnh hen suyễn nên rất khó cho công tác kiểm soát và quản lý. Do đó, rất cần Bộ Y tế có giải pháp tăng cường việc kiểm soát nhập khẩu, quản lý và   sử dụng chất này”.Ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) 

Bức xúc trước tình trạng sử dụng chất cấm tràn lan, ông Nguyễn Xuân Dương- Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) nói: "Nếu dùng ma túy,  thì ai dùng người ấy chịu, còn dùng chất cấm thì tất cả những người ăn phải thực phẩm ấy là bị ảnh hưởng.

Đây là hành động chúng ta phải lên án ở 2 khía cạnh: Một là pháp lý, hai là đạo lý. Ở đây chúng tôi muốn tuyên truyền để làm sao người chăn nuôi chân chính phải phát giác, tố giác những người chăn nuôi đã làm ăn không lương thiện, thu lời bất chính, để cho những người tiêu dùng có thể là những người trong cả dòng tộc của mình, trong quê hương của mình, trong đồng loại của mình phải ăn thứ đó. Thứ hai, những người bạn chăn nuôi của mình phải cạnh tranh không lành mạnh. Một con sâu bỏ rầu nồi canh như vậy, nên tôi cho là phải tuyên truyền".

Cũng theo ông Dương, lợi nhuận cao là lý do thôi thúc nhiều người sử dụng chất cấm để tăng trọng nhanh. Ngoài ra, áp lực của thương lái luôn muốn ép người chăn nuôi nhỏ lẻ sử dụng để có tỉ lệ nạc cao, mẫu mã hấp dẫn cho thực phẩm, dễ tiêu thụ; bên cạnh đó, một số địa phương cũng sao nhãng việc kiểm tra, kiểm soát tình trạng sử dụng chất cấm. “Hiện nay, người dân thường sử dụng 3 chất cấm chính, trong đó chủ yếu là chất salbutamol, mà các chất này ngành nông nghiệp đã cấm nhưng ngành y tế vẫn sử dụng để điều trị bệnh hen suyễn nên rất khó cho công tác kiểm soát và quản lý. Do đó, rất cần Bộ Y tế có giải pháp tăng cường việc kiểm soát nhập khẩu, quản lý và sử dụng chất này” - ông Dương nói.

Cũng theo ông Dương, để xử lý hình sự theo quy định rất khó, do không đánh giá được việc sử dụng đó “gây hậu quả nghiêm trọng” do chất cấm ăn vào không chết ngay, nên Cục Chăn nuôi cũng đang kiến nghị sửa đổi Luật Hình sự để xử lý nghiêm hành vi sử dụng chất cấm.

Liên quan tới vấn đề khó xử lý hình sự việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trao đổi với phóng viên NTNN, Luật sư Ngô Thế Thêm –Văn phòng Luật sư Doanh Gia (Long Biên, Hà Nội) cho rằng, việc xác định “gây hậu quả nghiêm trọng” không nhất thiết cứ phải chờ xảy ra hậu quả mới xử lý hình sự. Trường hợp sử dụng chất cấm, nếu chứng minh tồn dư trong thực phẩm nếu chưa đủ căn cứ để xử lý hình sự, cần phải thay đổi quy định hiện hành.

“Thực tế cho thấy, trong nền kinh tế thị trường luôn có nhiều diễn biến phát sinh mới vượt qua những quy định xử lý về hành chính thì cần thay đổi quy định của luật để xử lý nghiêm minh, đảm bảo công bằng và trật tự xã hội”- luật sư Thêm nói.

Theo thông tin của NTNN, Cục Chăn nuôi đang đề xuất sửa đổi để đơn giản hoá quá trình kiểm tra, qua đó có thể áp dụng dùng que thử phát hiện nhanh chất cấm trong nước tiểu lợn để phát hiện và sàng lọc thật nhanh trước khi gửi mẫu về các trung tâm kiểm nghiệm. 

Chất tạo nạc nguy hiểm như thế nào?

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), chất cấm tăng trọng lợn hay còn gọi là “chất tạo nạc” thực chất là những tên gọi nôm na dành cho những chất hoá học có đặc tính khiến vật nuôi tăng lượng nạc, giảm mỡ. Các chất này nằm trong nhóm chất có tên khoa học là beta2-agonist gồm khoảng 30 chất, chúng có tính năng cơ bản là làm giãn cơ trơn phổi, phế quản, điều trị co thắt phế quản, hen suyễn (với liều nhỏ hơn 60mcg mỗi ngày). 

Hiện có 3 chất có tính tạo nạc đang được sử dụng trên thị trường là salbutamol, ractopamine, clenbuterol, trong đó chất salbutamol là chất được sử dụng phổ biến nhất tại Việt Nam. Trên động vật, khi được cho ăn với một lượng lớn (1.000 – 6.000mg) mỗi ngày, nhóm chất này kích thích tuyến thượng thận sản sinh corticoid (làm béo) và làm chuyển hoá nhanh các mô mỡ để tăng khối lượng nạc, các sợi cơ phình ra làm tăng tỷ lệ thịt mông, đùi, làm cho da bóng mượt. Thực chất, các chất tạo nạc không làm tăng trọng lượng thật, chỉ tạo vẻ ngoài cho lợn trông “ngon” hơn.

Trong cơ thể vật nuôi, tồn dư salbutamol được bài tiết dần qua nước tiểu nhưng chúng vẫn tích luỹ lâu trong gan, thận, mỡ, vòng mạc và không bị phân huỷ khi nấu chín ở nhiệt độ cao. Cũng chính vì thế mà các trường hợp ngộ độc được báo cáo thường do ăn nội tạng động vật và là một trong những tác nhân gây ung thư.                                       

Phi Long

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Xuân (danviet.vn)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN