Sinh vật lạ trong rau thân rỗng?

Trên một số trang mạng đang loan truyền thông tin và hình ảnh cảnh báo sự xuất hiện của một loại ký sinh trùng sống bên trong các loại rau thân rỗng như rau muống, cải xoong, rau cần nước… Nhiều bà nội trợ đang lo lắng không yên sau khi xem hình ảnh những búi ký sinh lúc nhúc trong thân rau!

Hoang mang vì trùng lạ

Cảnh báo trên cho biết bên trong thân rau cải xoong loại lớn, xuất hiện một loại giun sán hay ký sinh trùng không rõ, có thân màu đỏ quấn thành búi. Nguyên nhân xuất hiện loại sinh vật lạ này được đoán do các loại rau có thân rỗng, hình ống mọc trong môi trường nước như mương, rãnh, ao tù nước đọng… kém vệ sinh nên bị ký sinh trùng xâm nhập.

Cách gây bệnh cũng khiến người đọc không khỏi rùng mình như các loại sán, ký sinh trùng và trứng sán sẽ vào máu, di chuyển khắp nơi trong cơ thể và lên tới não, trứng nở ra thành sán, sán lớn lên tạo thành búi, bám vào thành mạch máu não…

Chị Nguyễn Thị Thu Trang ở quận Phú Nhuận (TP.HCM) sau khi đọc xong thông tin lo lắng cho biết: “Tôi có hai người quen đang mạnh khoẻ, bỗng dưng ngã ra chết chưa rõ nguyên nhân. Không biết có phải do ăn trúng loại giun này, lên tới não mà không hay biết?”

Sinh vật lạ trong rau thân rỗng? - 1

Hình ảnh ký sinh trùng trong rau cải xoong được các trang mạng sử dụng để cảnh báo

Qua trao đổi, một số kỹ sư trong ngành nông nghiệp cho biết, thực tế trong quá trình canh tác có hiện tượng côn trùng ký sinh gây hại cho cây, làm giảm năng suất cây trồng. Tuy nhiên, muốn biết trùng ký sinh có ảnh hưởng đến người hay không thì phải có kiểm định của ngành y tế cũng như ngành chế biến thực phẩm.

Các loại ký sinh trùng này vào được bên trong thân rau có thể do chúng đục khoét chui vào, hay do người trồng sử dụng các loại phân hữu cơ ủ không kỹ, không xử lý đúng quy trình, do nguồn nước tưới… khiến trứng sán, ký sinh trùng còn sống xâm nhập qua các lỗ hổng, các vết thương trên thân cây đó mà gây hại.

Khả năng cây bị xâm nhập là hiếm

Trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, PSG.TS Võ Công Thành, bộ môn di truyền giống nông nghiệp, khoa Nông nghiệp và sinh học ứng dụng đại học Cần Thơ cho biết, rất khó có trường hợp các loại ký sinh trùng đi từ rễ chui vào bên trong rau thân rỗng bởi nguồn dinh dưỡng từ các loại cây này chủ yếu lấy từ rễ. “Nếu có thì chỉ có thể các loại ký sinh này xâm nhập từ vết thương có sẵn trên thân rau”, PGS Thành nói.

Sau khi xem các ảnh chụp cảnh báo từ các trang mạng, PGS.TS Nguyễn Hữu Hưng, giảng viên khoa Nông nghiệp và sinh học ứng dụng đại học Cần Thơ, nhận định: “Qua hình ảnh này, về mặt phân loại rất khó xác định là loài ký sinh gì, do đó không thể trả lời chúng có khả năng gây bệnh cho người hay không. Nếu có mẫu thì việc xác định loài ký sinh trùng sẽ dễ dàng hơn”.

TS.BS Nguyễn Thanh Danh, khoa dinh dưỡng lâm sàng, trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM cũng cho biết, đây là một loại trùn, trùn chỉ hoặc ký sinh trùng chưa rõ. Loại ký sinh trùng này thâm nhập vào trong thân cây do quá trình bón diêm, phân khiến thân cây bị tổn thương hoặc bị bể. “Các loài ký sinh trùng trên có thể là mầm bệnh nguy hiểm.

Vì vậy, nên cẩn thận khi ăn các loại rau sống, tốt nhất là luộc rau chín. Khi mua rau nên kiểm tra kỹ, lựa cọng nguyên, không bị giập bể”, TS Danh đưa ra lời khuyên.

“Rau Thạch Sanh” không đủ chất dinh dưỡng

Ngoài thông tin cảnh báo rau thân rỗng, trên mạng còn xuất hiện sự lo ngại về vấn đề vệ sinh của các loại rau gần đây được các bà nội trợ truyền nhau bí quyết trồng tại nhà gọi là “rau Thạch Sanh”. Theo cách trồng này, chỉ cần mua rau một lần và có thể ăn được nhiều lần nữa bằng cách cắt gốc đem ngâm vào chậu nước hay đem trồng dưới đất.

TS.BS Nguyễn Thanh Danh, khoa dinh dưỡng lâm sàng, trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM cho biết, cây trồng có hai nguồn dinh dưỡng: từ bản thân hạt và từ chất dinh dưỡng bên ngoài chuyển hoá thành. Theo cách trồng này thì lứa cây sau chắc chắn sẽ èo uột do thiếu dinh dưỡng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Cúc- Bích Ngọc (Sài Gòn tiếp thị)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN