Rau an toàn hẹp cửa ra
Dù đã có nhiều chính sách ưu tiên, hỗ trợ nhưng sản xuất và tiêu thụ rau an toàn (RAT) trên địa bàn TP Hà Nội đến nay vẫn bế tắc. Các điểm kinh doanh RAT giảm mạnh, trong khi nông dân cũng không mặn mà.
Tiêu thụ trăm tấn rau củ Trung Quốc mỗi ngày
Huyện Mê Linh có trên 1.400ha trồng rau, củ, quả, trong đó diện tích RAT đạt trên 200ha, tập trung tại các xã vùng bãi như Tráng Việt, Văn Khê, Tiến Thắng... Theo UBND huyện Mê Linh, rau là cây trồng thế mạnh của địa phương nhưng hiện nay việc tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế. Người dân chủ yếu chở ra các chợ đầu mối Vân Nội (Đông Anh) và Long Biên tiêu thụ với giá cả bấp bênh. Tương tự, huyện Chương Mỹ có 1.000 - 1.200ha rau vào vụ Đông, trong đó có một số dự án RAT đã được thành phố phê duyệt. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Doanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ, số lượng các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ RAT với nông dân rất ít.
Theo Sở Công Thương Hà Nội, hiện nay phần lớn nguồn hàng rau, củ, quả được tập trung và lưu chuyển vào trung tâm thành phố thông qua chợ đầu mối phía Nam, chợ Long Biên và chợ Đồng Xa. Số còn lại được người sản xuất, bán buôn cung ứng trực tiếp cho các chợ dân sinh, cửa hàng bán lẻ. Tuy nhiên, số lượng các cửa hàng bán RAT đang giảm dần. Nếu như năm 2011 toàn thành phố có 260 cửa hàng được cấp chứng nhận đủ điều kiện bán RAT thì đến thời điểm này chỉ còn 112 điểm.
Trong khi, lượng tiêu thụ RAT tại một số chuỗi siêu thị trên địa bàn TP chỉ vào khoảng 200 - 300kg/ngày, thì số lượng rau quả Trung Quốc tràn ngập khắp các chợ. Sở Công Thương cho biết, tại chợ Long Biên mỗi ngày lưu chuyển, cung cấp 45 tấn rau củ cho Hà Nội, trong đó lượng rau Trung Quốc chiếm tới 30 tấn (67%); chợ Đồng Xa cung cấp 180 - 200 tấn/ngày nhưng rau Trung Quốc chiếm 65 - 75 tấn (36 - 37,5%)...
Mở rộng các điểm bán RAT lưu động
Từ sau khi TP phê duyệt đề án phát triển RAT giai đoạn 2010-2015 với kinh phí gần 1.000 tỷ đồng, diện tích RAT liên tục được mở rộng. Hiện nay toàn thành phố đã xác định được 93 xã trọng điểm trồng RAT với diện tích 3.800ha, sản lượng 700 tấn/ngày. Trong đó một số vùng như Văn Đức (Gia Lâm), Duyên Hà (Thanh Trì), Thanh Đa (Phúc Thọ)... đã được gắn tem nhận diện sản phẩm. Để kết nối được đầu ra cho RAT, theo ông Hoàng Thanh Vân, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, cần tìm cách đưa RAT có tem nhận diện sản phẩm đến các chợ đầu mối, ngõ ngách, khu dân cư. “Trước đây, chúng ta mới chỉ dừng lại ở việc tiêu thụ qua hệ thống siêu thị, song hầu hết đều thất bại” - ông Vân nhận định.
Ông Trương Minh Thanh, Phó Tổng giám đốc Hapro chia sẻ, thành phố cần quy hoạch các điểm bán RAT ngay tại các chợ dân sinh bởi đây là những điểm tiêu thụ rau ổn định. Ngoài ra, các khu đô thị, khu tập thể rất đông dân cư nhưng hiện nay lại không có điểm bán RAT. Do đó, cần chỉ đạo quy hoạch 1 - 2 điểm bán các mặt hàng thiết yếu như RAT, thực phẩm tại những điểm này. Để mở rộng mạng lưới tiêu thụ RAT đến các khu dân cư, chợ dân sinh, theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu, cần phải có nguồn cung ổn định. Bởi vậy, ông Sửu yêu cầu, 5 huyện Thường Tín, Phúc Thọ, Thanh Trì, Mê Linh, Chương Mỹ thống kê xây dựng các điểm sản xuất RAT. Trên cơ sở đó, Sở Công Thương xây dựng “Chương trình RAT vào thành phố Hà Nội” trình UBND TP xem xét trong tháng 10 này. Bên cạnh đó, 4 quận nội thành, gồm Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Ba Đình xây dựng mỗi quận 10 điểm tiêu thụ RAT, trong đó có điểm lưu động tại các khu chung cư, tập thể, trường học, bệnh viện, chợ dân sinh.... Dự kiến, các điểm này bắt đầu bán RAT từ ngày 1-11.
Việc mở rộng mạng lưới các điểm kinh doanh RAT sẽ giúp người dân tiếp cận được với rau củ an toàn trong bối cảnh thực phẩm bị đe dọa mất an toàn VSATTP như hiện nay. Song, để các chuỗi cửa hàng tiêu thụ RAT tồn tại và phát triển, không chỉ là biện pháp cơ học “mở- đóng”, cũng như tung tiền hỗ trợ là có thể thành công!