Chọn rau sạch kiểu may rủi

Không có tiêu chí để lựa chọn, nhiều người tiêu dùng vẫn băn khoăn mỗi khi đi chợ vì không biết lấy gì để tin rằng rau họ mua là rau sạch, an toàn.

Nhiều bà nội trợ cho biết họ đi chợ mua rau bằng kinh nghiệm nhưng có an toàn hay không thì... hên xui. Trong khi đó, Sở NN&PTNT TP.HCM cho rằng rau bán trên địa bàn TP là rau an toàn.

Rau sạch lẫn lộn

Sẽ có logo phân biệt

Theo ông Lê Minh Dũng, rau an toàn là rau mà người tiêu dùng ăn vào sẽ không bị ngộ độc do có các mức dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật, kim loại nặng, nitrat, vi sinh vật gây bệnh... dưới ngưỡng cho phép.

Cũng theo ông Dũng, để hỗ trợ người trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP, Sở NN&PTNT TP.HCM đã giao Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp hỗ trợ thiết kế logo, nhãn hiệu, bao bì cho những cơ sở sản xuất đạt chứng nhận VietGAP đưa sản phẩm ra thị trường để người tiêu dùng phân biệt sản phẩm rau VietGAP với các sản phẩm rau khác.

Mỗi sáng, bà Nguyễn Thị Thành (quận 8 TP.HCM) thường đến chợ Phạm Thế Hiển ở gần nhà để mua thực phẩm cho gia đình, trong đó rau xanh là mặt hàng không thể thiếu. Rau bán tại chợ chỉ có tên gọi chứ không có nhãn mác của nhà sản xuất, nhà cung cấp nên bà Thành lựa chọn rau theo kinh nghiệm.

Theo bà Thành, rau có ngọn và lá nhỏ là rau an toàn hơn rau cùng loại nhưng cuống và lá to hơn hẳn vì đó là loại rau trồng công nghiệp, sử dụng nhiều loại phân bón và hóa chất. Thế nhưng khi được hỏi liệu những loại rau cuống nhỏ, lá nhỏ kia có chắc là không chứa dư lượng hóa chất vượt mức cho phép thì bà Thành đành chịu. “Ở chợ làm gì có chỗ nào bán rau công bố các chỉ tiêu như thế” - bà nói.

Câu chuyện mua rau của bà Thành không phải là trường hợp cá biệt mà là nỗi băn khoăn chung của các bà nội trợ. Ai cũng lựa những bó rau tươi, khỏe, sạch và hi vọng đó là rau an toàn.

Người mua không biết, người bán cũng chẳng khá gì hơn về việc phân biệt đâu là rau sạch với rau không sạch. “Nếu người bán trung thực và người mua tinh mắt thì mới có rau sạch vì rau sạch và rau bẩn xếp như nhau nhưng rau sạch thường xấu hơn” - chị Lưu Thị Kim Cảnh, chủ sạp rau tại chợ Tân Phú Trung (Củ Chi), cho biết. Trong khi đó, bà Trần Kim Anh, chủ sạp rau tại chợ Bà Chiểu (Bình Thạnh), nói tại chợ người ta phân biệt rau sạch là rau được đóng gói có nhãn mác với rau thường là rau bán xô. “Rau sạch có gốc không bị thâm đen, không mượt bằng rau bán xô nhưng có an toàn thì không chắc” - bà Anh cho biết.

Chọn rau sạch kiểu may rủi - 1

Nhiều loại rau được bày bán ở chợ không hề có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ nên người tiêu dùng khó phân biệt rau sạch với các loại rau khác.

Tại chợ đầu mối nông sản Tam Bình (Thủ Đức), chúng tôi chứng kiến hàng đoàn xe chở các loại rau quả tấp nập vào chợ từ 20g hôm trước đến gần sáng hôm sau. Anh Tới, chủ vựa rau quả tại đây, cho hay có trên 70% rau nhập về chợ đầu mối Tam Bình là từ Lâm Đồng, còn lại từ miền Tây và các tỉnh quanh TP.HCM. Các chủ vựa tại đây chủ yếu buôn bán rau xô, chỉ một vài vựa bán “rau sạch” (rau được đóng gói ghi nhãn) nhưng rất ế ẩm.

Theo anh Trần Thành Huy - một chủ vựa rau tại chợ Tam Bình, ở đây rau rửa sạch đóng gói là thành hàng sạch. Mỗi khi vào chợ tài xế chỉ phải nộp phí tại cổng, bỏ rau cho các vựa rồi về chứ ít khi nào bị cơ quan quản lý lấy mẫu kiểm tra.

Rau bán tại TP.HCM là rau sạch?

Do hoài nghi về chất lượng rau bán tại chợ lẻ, nhiều bà nội trợ vào siêu thị mua với hi vọng rau sẽ an toàn hơn. Tuy nhiên, ngay cả tại siêu thị, người mua rau cũng chưa chắc đã yên tâm bởi chỉ một phần rau tại các siêu thị có dán nhãn của các nhà sản xuất, một phần có nhãn của nhà bán lẻ (ví dụ rau của Saigon Co.op Mart, rau của Big C...), phần còn lại là rau xô.

Tại siêu thị Big C Hoàng Văn Thụ (Phú Nhuận) có trên 30 loại rau, quả được bày bán nhưng chỉ khoảng 1/4 trong số này được bọc bao bì có nhãn với nội dung chủ yếu liên quan đến xuất xứ, khối lượng tịnh, còn lại bán xô cho người mua tự lựa chọn. “Tôi không biết những loại rau này có an toàn hay không nhưng có thể rau trong siêu thị sạch hơn rau ngoài chợ” - chị Trần Thị Tuyến (quận Tân Bình) suy đoán.

Bà Dương Thị Quỳnh Trang, giám đốc đối ngoại hệ thống Big C, cho biết dù có nhãn mác hay không thì các loại rau bán tại siêu thị đều trải qua các bước kiểm tra chất lượng trước khi đến tay người tiêu dùng. “Nguồn hàng được chúng tôi lấy từ các nhà sản xuất có uy tín và quy trình sản xuất rõ ràng. Tại các địa phương đều có nhân viên của Big C kiểm tra các tiêu chí sản xuất của họ” - bà Trang nói.

Theo ông Lê Minh Dũng - phó giám đốc Sở NN&PTNT TP.HCM, mỗi ngày TP tiêu thụ trên 3.700 tấn rau các loại và gần như toàn bộ rau lưu thông trên địa bàn là rau an toàn được kiểm tra từ chợ đầu mối. Trong đó, nguồn rau trồng tại TP.HCM chiếm khoảng 30%, còn lại từ các địa phương khác vận chuyển vào. Để đảm bảo nguồn cung cấp rau an toàn cho TP, Sở NN&PTNT đã ký hợp tác với các tỉnh Lâm Đồng, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang trong việc liên kết tiêu thụ rau an toàn. Theo thỏa thuận này, các địa phương trên sẽ cung ứng cho TP.HCM các loại rau đạt chất lượng và chịu trách nhiệm kiểm tra đầu sản xuất, thông báo cho TP.HCM để kiểm tra trong quá trình vận chuyển và tiêu thụ.

Rau VietGAP khó tiêu thụ

Tại TP.HCM, diện tích trồng rau VietGAP (theo tiêu chí thực hành nông nghiệp tốt của VN) chiếm chưa đến 10% diện tích rau toàn TP nhưng đầu ra của loại rau này cũng khó khăn. Hơn sáu năm thuê đất làm rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP tại liên tổ sản xuất rau Tân Trung (xã Tân Phú Trung, Củ Chi), anh Trần Văn Thiệu cho biết mỗi ngày gia đình anh thu khoảng 1 tạ rau, nhưng liên tổ chỉ mua khoảng 50% sản lượng, còn lại tự bán hoặc bỏ mối cho các chợ. “Không chỉ gia đình tôi mà ở đây ai cũng phải ra chợ bán, nhiều lúc bán không được phải đổ bỏ. Rau mình làm theo quy trình dùng ít thuốc bảo vệ thực vật nên nhiều lúc không đẹp bằng rau ngoài chợ, nhưng có giới thiệu rau sạch cũng chẳng mấy ai tin” - anh Thiệu nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trần Mạnh - Nguyễn Trí (báo Tuổi trẻ)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN