Quẹt một cái biết rõ ‘lý lịch’ gà, vịt

Sự kiện: Kinh Doanh

100% thịt heo ở kênh hiện đại đã truy xuất được nguồn gốc.

Từ ngày 31-7, thịt heo không truy xuất nguồn gốc sẽ không được bán ở hai chợ đầu mối lớn tại TP.HCM là chợ Hóc Môn và Bình Điền. Từ ngày 15-9, thịt heo không truy xuất nguồn gốc sẽ không được bán ở tất cả các kênh ở TP.HCM. Đặc biệt từ đầu tháng 9 tới, TP.HCM cũng chính thức kiểm soát nguồn thịt gà, vịt và trứng gia cầm.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về vấn đề trên, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM (ảnh), cho biết: Sau gần nửa năm triển khai thử nghiệm mô hình truy xuất nguồn gốc heo cho thấy các doanh nghiệp, tiểu thương đã quen với truy xuất nguồn gốc. Đặc biệt, đến nay ở kênh hiện đại, 100% thịt heo đã truy xuất được nguồn gốc. Do vậy, tới đây TP.HCM sẽ chính thức kiểm soát nguồn heo, gà, vịt và trứng.

100% heo phải có nguồn gốc

. Phóng viên: Thưa ông, vì sao việc truy xuất nguồn gốc chỉ dừng lại ở hai chợ đầu mối mà không triển khai đồng loạt tại các chợ lẻ, cửa hàng?

Quẹt một cái biết rõ ‘lý lịch’ gà, vịt - 1

+ Ông Nguyễn Ngọc Hòa: Hiện nay heo từ các chợ lẻ đều bắt nguồn từ hai chợ đầu mối Hóc Môn và Bình Điền. Do đó khi kiểm soát tốt từ gốc ở chợ đầu mối thì khâu truy xuất ở chợ lẻ sẽ dễ dàng.

Như vậy, cùng với lượng heo bán tại kênh bán lẻ hiện đại đã được kiểm soát, việc quản lý truy xuất nguồn gốc bắt buộc tại kênh bán lẻ truyền thống thông qua hai chợ đầu mối cũng sẽ được thực hiện. Điều này cũng có nghĩa từ thời điểm trên, 100% heo vào TP phải có nguồn gốc rõ ràng và minh bạch.

Xin nói thêm, trước đây các tỉnh cho rằng đề án truy xuất nguồn gốc là của TP, một khi TP không bắt buộc thì họ không có cơ sở nào để yêu cầu các trang trại, cơ sở giết mổ thực thi. Nay TP.HCM đã có chủ trương heo từ ngoại tỉnh bắt buộc phải có truy xuất nguồn gốc mới được nhập vào.

. Không chỉ heo mà tới đây sản phẩm thịt và trứng gia cầm cũng phải có “lai lịch” mới được bày bán tại địa bàn TP.HCM. Vậy việc truy xuất gà, vịt, trứng… khác gì so với truy xuất heo?

+ Điểm khác biệt của đề án này so với đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo là cho phép người tiêu dùng biết được thông tin về con gà từ một ngày tuổi cho đến khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng (NTD). Trứng gia cầm cũng được truy xuất từ khâu chăn nuôi đến NTD.

Điều này có nghĩa chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh kiểm tra tem dán trên sản phẩm thịt gia cầm và vỉ trứng, NTD sẽ có đầy đủ thông tin về nguồn gốc sản phẩm.

Quẹt một cái biết rõ ‘lý lịch’ gà, vịt - 2

Người dùng sử dụng điện thoại thông minh kiểm tra tem là sẽ có đầy đủ thông tin về nguồn gốc sản phẩm. Ảnh: TÚ UYÊN

Ngoài ra, tem truy xuất sản phẩm thịt và trứng gia cầm được dán từ công đoạn đóng gói thành phẩm. Nó khác với thịt heo là người bán lẻ cắt thịt theo yêu cầu người mua rồi mới có tem truy xuất.

So với heo, việc quản lý và truy xuất nguồn gốc thịt gia cầm và trứng gia cầm thuận lợi hơn nhờ nuôi và giết mổ tập trung. Không cần đeo vòng từng con như heo mà sẽ chỉ đeo số ít vòng niêm phong và dán tem cho từng lô thịt, trứng gia cầm. Do vậy chi phí thấp hơn rất nhiều so với truy xuất heo.

Hỗ trợ doanh nghiệp, người chăn nuôi

. Nhiều ý kiến thắc mắc tại sao chỉ truy “lai lịch” thịt trong nước mà lại không truy xuất nguồn gốc thịt nhập khẩu và như vậy là thiếu công bằng?

+ Ngoài truy xuất thịt heo, gà và trứng gà chăn nuôi trong nước, chúng tôi cũng đang tính toán để truy xuất nguồn gốc đối với thịt nhập khẩu nhằm tạo môi trường minh bạch và bình đẳng. Đơn giản là NTD cần biết khi mua con gà thì đó là gà tươi mới được giết mổ đêm qua, sáng ra tiêu thụ ở thị trường hay gà đông lạnh; nó được trữ đông ở nước xuất khẩu bao nhiêu ngày, sau khi về Việt Nam trữ bao nhiêu ngày trước khi đóng gói đưa ra thị trường. NTD cũng có quyền được biết con gà nhập là gà công nghiệp hay gà ta, gà đẻ lấy trứng rồi xẻ thịt ra bán.

.Việc truy xuất nguồn gốc nhằm góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm cho NTD, thay đổi thói quen chăn nuôi. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, thương nhân cho rằng việc thực hiện gặp nhiều khó khăn vì tốn nhiều chi phí...

+ Để phần nào giải quyết khó khăn cho các chủ thể tham gia, TP đã trích từ ngân sách hỗ trợ 50% kinh phí đeo vòng nhận diện cho các hộ chăn nuôi; hỗ trợ chi phí mua tem truy xuất cho người bán thịt heo tại các chợ lẻ; lắp đặt thiết bị chuyên dùng đọc mã cho cơ quan thú y truy xuất thông tin. Đối với các hộ chăn nuôi đăng ký tham gia tổ hợp tác, hiệp hội chăn nuôi heo VietGAP được hỗ trợ 100% chi phí mua vòng nhận diện…

Tôi cho rằng đã đến lúc TP phải quyết liệt để dự án về đích. Một khi trên thị trường còn lẫn lộn giữa hàng có truy xuất và không có truy xuất, không ai bị ràng buộc trách nhiệm gì thì NTD khó mua được sản phẩm an toàn.

Không còn phát hiện chất cấm trong thịt heo

Bộ NN&PTNT cho hay kết quả giám sát diện rộng do các cơ quan có liên quan thực hiện trong nửa đầu năm nay là không phát hiện bất kỳ mẫu thực phẩm nào có chất cấm salbutamol - chất dùng trong chăn nuôi heo để giúp tăng trọng, thịt heo cho nhiều nạc. Cụ thể, trong số gần 4.200 mẫu nước tiểu, thịt đã được lấy tại các cơ sở giết mổ không có mẫu nào có salbutamol. Trong khi đó, năm 2016 tỉ lệ phát hiện là 0,44%; còn năm 2015 tỉ lệ phát hiện là 1,07%.

Về đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo, đến nay đã có 1.280 cơ sở chăn nuôi và 25 cơ sở giết mổ tham gia. Tổng cơ sở kinh doanh thực hiện truy xuất nguồn gốc là 838 siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm tại TP.HCM và các tỉnh.

Về gia cầm, đến nay đã có gần 1.800 điểm bán thịt gia cầm, trứng gia cầm đã đăng ký tham gia truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tú Uyên (Pháp luật TPHCM)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN