Ô tô, xe máy "rủ nhau" tăng giá

Đây có lẽ là giai đoạn khó khăn nhất cho người tiêu dùng Việt Nam khi lựa chọn mua ô tô xe máy.

Năm 2022 được dự báo là năm bùng nổ của thị trường xe Việt Nam khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng toàn bộ, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao. Tuy nhiên, có một rào cản lớn cho các mục tiêu doanh số trong năm nay: giá xe tăng mạnh – gồm cả xe máy, ô tô.

Mới đây nhất, Toyota đã tiến hành tăng giá hàng loạt mẫu xe của hãng từ ngày 1/5 với mức tăng 5-40 triệu đồng, tuỳ model. Cụ thể, các mẫu xe được xem là "quốc dân" với người tiêu dùng Việt như Vios tăng giá 5 triệu, Innova tăng 5-6 triệu, Corolla Cross tăng giá 16 triệu còn mẫu xe gầm cao cỡ nhỏ mới bán ra là Raize tăng giá 20 triệu đồng. Cùng với đó, thương hiệu Lexus cũng tăng giá hàng loạt dòng xe, mức tăng 40-70 triệu đồng.

Trước đó, Ford công bố tăng giá 2 mẫu xe chủ lực gồm bán tải Ranger và SUV Everest với mức tăng 12-13 triệu đồng. Không chỉ tăng giá, khách mua Ford Ranger còn phải chịu tiền "lạc" 20-50 triệu đồng nếu muốn nhận xe sớm.

Trong khi đó, Kia cũng tăng giá 3 mẫu xe hot nhất gồm Seltos, Sonet và K3, mức tăng 5-10 triệu đồng còn Suzuki thông báo tăng giá 4 mẫu xe gồm Ciaz, Swift, Ertiga và XL7.

Chưa hết, dù nhà sản xuất không công bố tăng giá nhưng khách mua các mẫu xe của thương hiệu Hyundai như Santa Fe hay Tucson lại phải trả mức chênh từ 70 đến hơn 100 triệu đồng nếu muốn nhận xe sớm.

Ở nhóm xe 2 bánh, gần như toàn bộ dải sản phẩm của Honda – thương hiệu xe máy bán chạy nhất tại Việt Nam (chiếm 80% thị phần) đều có hiện tượng kênh giá. Cụ thể, dòng Wave đang được nhiều đại lý bán chênh ở mức khoảng 3 triệu đồng, các mẫu Lead, Air Blade, Vision cao hơn giá đề xuất 7-15 triệu đồng, SH chênh 17-25 triệu đồng, cao nhất là SH 350i với mức kênh 40 triệu đồng.

Các mẫu xe của Honda tăng giá mạnh. Ảnh: ICT News.

Các mẫu xe của Honda tăng giá mạnh. Ảnh: ICT News.

Người dùng chật vật mua xe

Lý do được hầu hết phía hãng, đại lý đưa ra cho tình trạng tăng giá xe là thiếu linh kiện, khan hàng dẫn đến cung không đủ cầu.

Theo tìm hiểu, hiện tại công suất của hầu hết nhà máy lắp ráp tại Việt Nam đều giảm sút so với giai đoạn trước. Nhiều mẫu xe đã được lắp ráp sẵn, xếp hàng để chờ một vài linh kiện còn thiếu để xuất xưởng nhưng không có linh kiện. Trong khi đó, một số mẫu xe nhập khẩu cũng gặp tình trạng hàng về nhỏ giọt, không đủ đáp ứng nhu cầu.

Tuy nhiên, điều khiến khách hàng tỏ ra bức xúc là việc nhiều đại lý tỏ ra mập mờ trong cách ứng xử với khách hàng. Nhiều người cho biết họ đặt mua xe từ đầu năm, sale khất rất nhiều lần vẫn không đưa ra được thời gian giao hàng cụ thể. Tuy nhiên, khi báo bỏ cọc, rất có thể chiếc xe mà họ đặt sẽ gần như ngay lập tức được giao cho một người khác – người sẵn sàng chi thêm tiền "lạc" để nhận xe sớm.

Bên cạnh đó, một số đại lý còn yêu cầu khách trả mức tiền chênh lớn, thay vì mua phụ kiện. Số tiền chênh này, tất nhiên, không có trong hợp đồng mua bán giữa 2 bên.

Trên các hội nhóm về ô tô tại Việt Nam, đã có rất nhiều bài đăng thể hiện sự bức xúc của người mua xe trong giai đoạn này.

Người mua đang gặp khó trong việc lựa chọn các mẫu xe ưng ý. Ảnh: Báo đầu tư.

Người mua đang gặp khó trong việc lựa chọn các mẫu xe ưng ý. Ảnh: Báo đầu tư.

Với ô tô đã vậy, người mua xe máy còn gặp nhiều khó khăn hơn. Nếu như những chiếc ô tô giá cả trăm triệu chịu mức chênh một vài triệu đồng đã khiến người dùng bức xúc thì khi mua xe máy, mức chênh cũng không kém cạnh. Như vậy, khi bỏ tiền ra mua xe, người dùng sẽ phải chi thêm đến 20-30% giá trị xe mới có xe để đi lại. Ở giai đoạn hiện tại, giá niêm yết của hãng thậm chí còn không thể mang tính chất tham khảo bởi nó khác rất xa so với giá bán thực tế tại đại lý.

Thực tế, việc các mẫu xe  - cả xe máy, ô tô bị bán kênh giá, "bia kèm lạc" đã tồn tại trong nhiều năm. Tuy nhiên, trước đây hiện tượng này thường chỉ diễn ra vào mùa cao điểm như trước Tết và cũng chỉ xuất hiện trên một số mẫu xe nhất định chứ không "biểu tình tập thể" như giai đoạn hiện nay.

Một số hãng sản xuất cũng đã lên tiếng về vấn đề này. Tuy nhiên, đa phần đều giải thích rằng giá niêm yết của hãng chỉ mang tính chất tham khảo, trong khi đại lý sẽ chủ động trong việc kinh doanh để đảm bảo lợi ích hài hoà giữa các bên. Giữa hãng và đại lý là các thực thể kinh doanh độc lập nên khó can thiệp sâu vào hoạt động kinh doanh của nhau.

Nguồn: [Link nguồn]

Giá lợn hơi đứng im, thức ăn chăn nuôi tăng vọt, nông dân ôm lỗ nặng

Sau kì nghỉ lễ, giá lợn hơi có xu hướng ổn định trên thị trường cả nước.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đức Nam ([Tên nguồn])
Thông tin thị trường Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN