Nóng tuần qua: Các hãng ô tô lại đồng loạt giảm giá sâu, lên tới hàng trăm triệu đồng/chiếc

Nhiều mẫu xe được hãng, đại lý giảm sâu trong bối cảnh doanh số bán hàng trong 2 tháng đầu năm giảm mạnh.

Loạt mẫu xe ô tô giảm giá mạnh, có mẫu giảm vài trăm triệu đồng

Để kích cầu mua xe mới của người dân, nhiều hãng xe tiếp tục đưa ra mức ưu đãi khuyến mại lớn cho nhiều mẫu xe từ vài chục triệu đồng đến vài trăm triệu đồng.

Theo khảo sát, các hãng xe như Honda, Hyundai, Mitsubishi hay Subaru đang có nhiều ưu đãi, khuyến mại cho nhiều mẫu xe để kích cầu mua sắm của người dân. Trong đó, mẫu xe Subaru Forester Forester đang được khuyến mãi lớn nhất thị trường trong tháng 4 với mức ưu đãi tiền mặt từ 120–250 triệu đồng tuỳ phiên bản lắp ráp trong nước sản xuất năm 2023 (VIN 2023).

Subaru vẫn là hãng mạnh tay giảm giá cho nhiều mẫu xe nhất thị trường

Subaru vẫn là hãng mạnh tay giảm giá cho nhiều mẫu xe nhất thị trường

Nhiều mẫu xe được hãng, đại lý giảm sâu trong bối cảnh doanh số bán hàng trong 2 tháng đầu năm giảm mạnh. Báo cáo mới nhất của Hiệp hội các nhà sản xuất  ô tô Việt Nam cho thấy, doanh số bán hàng của toàn thị trường tháng 2 đạt 11.633 xe, bao gồm xe 8.099 du lịch; 3.478 xe thương mại và 56 xe chuyên dụng.

Tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường tính đến hết tháng 2/2024 đạt 30.876 chiếc giảm 23% so với 2023, trong đó xe ô tô du lịch giảm 26%; xe thương mại giảm 12% và xe chuyên dụng giảm 59%. Ước tính tồn kho  ô tô đến cuối tháng 2/2024 khoảng trên 70.000 xe các loại, trong đó chủ yếu là xe sản xuất năm 2023. Vì vậy, thời điểm hiện tại các doanh nghiệp đang tập trung đẩy hàng tồn.

Thủy hải sản nuôi chết hàng loạt, nông dân lo đổ nợ

Chỉ trong một tuần, hàng trăm hộ dân ở Hải Dương và Hà Tĩnh bất ngờ rơi vào tình trạng trắng tay vì thủy hải sản chăn nuôi bất ngờ chết hàng loạt.

Một tuần sau khi xuất hiện tình trạng cá nuôi lồng chết hàng loạt tại Hải Dương, hiện tượng này vẫn chưa giảm. Người dân tại xã Tiền Tiến, phường Nam Đồng (thành phố Hải Dương), các xã Thái Tân, Nam Tân (huyện Nam Sách) vẫn đang chật vật vớt cá chết và tìm phương án khắc phục, hạn chế thiệt hại.

Theo thống kê của UBND xã Tiền Tiến (thành phố Hải Dương) địa phương có 24 hộ nuôi cá lồng chết ồ ạt, đa số thiệt hại hàng tấn cá chết/hộ. Trong đó, có 6 hộ thiệt hại từ 9-60 tấn cá, ước tính có giá trị hàng chục tỷ đồng. Còn thông tin từ UBND phường Nam Đồng, địa phương có 86 hộ nuôi cá lồng, với tổng khối lượng cá chết khoảng 360 tấn. Trong đó, hộ gia đình ông Đỗ Văn Nhạ có sản lượng lớn nhất và cũng là hộ thiệt hại nặng nề nhất.

Trong khi đó, tại Hà Tĩnh, ốc hương nuôi chết hàng loạt. Ông Nguyễn Văn Hà - Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Lĩnh (huyện Cẩm Xuyên) cho biết, khu vực Cồn Vạn có diện tích nuôi ốc hương khoảng 21ha, hiện còn 13 hộ nuôi. Có 8 hộ nuôi ốc hương bị chết với khoảng 34 triệu con giống, thiệt hại lên đến hàng tỷ đồng.

Cà phê tăng giá, doanh nghiệp "bấm bụng" chịu lỗ

Ông Huỳnh Ngọc Dương - Phó Giám đốc Sở Công Thương Đắk Lắk (địa phương đang là “thủ phủ” cà phê của cả nước) cho biết, mặc dù hiện tại, nhiều đối tác đang đặt mua cà phê của Việt Nam tới tấp với số lượng lớn và sẵn sàng trả giá cao. Tuy nhiên, các doanh nghiệp lại e dè, chưa nhận đơn hàng vì sợ rủi ro.

Lý do, giá cà phê đang cao, thậm chí cao hơn giá xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp đang nợ đơn hàng cũ nên chưa nhận đơn hàng mới.

Nhân công phân loại cà phê.

Nhân công phân loại cà phê.

Ông Dương tiết lộ, nhiều doanh nghiệp rót vốn cho nông dân (để đầu tư sản xuất) và cho các đại lý cấp dưới (gom hàng), nhưng nay chưa thu được cà phê. Có tình trạng đại lý thu mua cà phê ở Đắk Lắk bị vỡ nợ, bỏ trốn vì thua lỗ. Để có hàng giao cho đối tác, nhiều doanh nghiệp “bấm bụng” chịu lỗ, đẩy giá lên cao hơn giá xuất khẩu để gom được hàng. Để tránh rủi ro, thời điểm này, doanh nghiệp theo chính sách “ăn chắc mặc bền”, tức mua được hàng rồi mới nhận đơn chứ không bán trước giao hàng sau.

Vẫn chưa công bố nguyên nhân 30 lô sầu riêng nhiễm Cadimi

Thời hạn mà Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn yêu cầu các địa phương và doanh nghiệp báo cáo, xác định nguyên nhân việc sầu riêng nhiễm Cadimi là trước ngày 1/4. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Cục Bảo vệ thực vật cho biết vẫn chưa có kết luận.

Trước đó, tại cuộc họp báo thường kỳ quý I của Bộ NN&PTNT, nói về nguyên nhân sầu riêng nhiễm Cadimi, đại diện Cục Bảo vệ thực vật cho biết, có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như do nguồn đất bị nhiễm cadimi hoặc do nguồn nước, khí thải từ nhà máy. Cũng có thể do sau thu hoạch, nguồn nước rửa sản phẩm nhiễm Cadimi. Tuy nhiên, giới chuyên gia đánh giá câu trả lời của đại diện Cục Bảo vệ thực vật có vấn đề và chưa đúng bản chất.

Theo các chuyên gia, việc sầu riêng Việt nhiễm Cadimi vừa qua (lúc còn phát triển) cũng rất trùng hợp với thời gian nhập khẩu phân bón.

Được biết, liên quan đến vụ sầu riêng nhiễm Cadimi, Thủ tướng đã chỉ đạo lãnh đạo Bộ NN&PTNT yêu cầu cơ quan chức năng sớm điều tra, làm rõ nguyên nhân.

Nguồn: [Link nguồn]

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo XUYẾN CHI ([Tên nguồn])
Tiêu điểm kinh tế tuần Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN