Nông sản Trung Quốc chiếm chợ đầu mối

Trong khi nông sản Việt Nam như dưa hấu, hành tím... ê hề, giá rẻ, nông sản Trung Quốc lại áp đảo, chiếm các chợ đầu mối. Tuy nhiên, thống kê của cơ quan chức năng lại cho thấy con số ngược lại.

Tràn ngập hàng Trung Quốc

Tại chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội), mỗi ngày có hàng chục xe tải chở các loại nông sản khô từ biên giới về tiêu thụ. Đây cũng là thủ phủ tập kết hàng Trung Quốc, tỏa đi các chợ dân sinh ở Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh... Các quầy hàng chất đống những bao tải chứa nông sản vẫn còn nguyên tem xuất xứ từ Trung Quốc.

“Không thể dựa vào lòng thương để cứu thị trường nông sản. Vì nếu chỉ bằng lòng thương, mua một vài cân nông sản giúp người dân dù đáng quý đấy, nhưng không phải giải pháp căn cơ”.

Ông Nguyễn Trí Ngọc

Chị Ngô Bình, chủ sạp hàng nông sản khô ở chợ Long Biên cho biết: “Hành, tỏi Trung Quốc to, đều, dễ bóc, còn hành, tỏi của mình bé, gừng xù xì, xấu mã, không ai hỏi”. Chỉ vào hơn chục bao gừng, tỏi và hành (20kg/bao), có chữ Trung Quốc, chị Bình nói, số hàng này chuẩn bị được chuyển đi Bắc Ninh tiêu thụ.

Trước đây, mỗi ngày sạp hàng chị Bình tiêu thụ hàng trăm bao hành, tỏi, gừng, nay số lượng giảm đi một nửa. “Bây giờ các chợ đầu mối đều buôn hàng Trung Quốc. Mặt hàng này tăng giá từng ngày. Hiện, tỏi Trung Quốc giá 30.000 đồng/kg, hành 35.000 đồng/kg, gừng 20.000 đồng/kg, gấp đôi năm ngoái”, chị Bình nói. Vậy mà hành ta đang vào mùa, giá chỉ có 15.000/kg. Còn tỏi, gừng của ta, giá cao hơn hàng Trung Quốc không đáng kể.

Cách sạp hàng của chị Bình không xa, sạp nông sản khô của anh Nguyễn Khoái buôn cả hàng Trung quốc, Việt Nam. Để dễ bán, anh Khoái bóc sẵn hành, tỏi rồi cho vào túi cước trông bắt mắt. Anh Khoái cho biết, hành của ta giá 15.000 đồng/kg, nhưng chỉ bán cho khách nhỏ lẻ, còn hành Trung Quốc giá đắt hơn gấp đôi tiêu thụ hàng chục kilôgam mỗi ngày.

Nông sản Trung Quốc chiếm chợ đầu mối - 1

Nông sản Trung Quốc vẫn được bày bán nhiều ở các chợ dân sinh. Ảnh: Phạm Anh

Khảo sát tại các chợ Phùng Khoang, Bách Khoa, Đồng Tâm, Mễ Trì…, giá hành, tỏi, gừng Trung Quốc về đến các chợ dân sinh trong nội thành giá bị nâng lên 20 đến 30%. Một tiểu thương tại chợ Bách Khoa (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, hành khô đang bán giá 45.000 đồng/kg, tỏi 40.000 đồng/kg, gừng 30.000 đồng/kg.

Không ai lo thị trường

Tuy nhiên, không như thực tế tại các chợ đầu mới ở Hà Nội, bà Nguyễn Thị Hà-Chi cục trưởng Kiểm dịch thực vật vùng VII (Cục Bảo vệ Thực vật) tại Lạng Sơn, cho biết: Nông sản nhập khẩu từ Trung Quốc qua Lạng Sơn giảm dần từng năm. Đồng thời, nông sản Việt Nam xuất khẩu qua thị trường này lại tăng mạnh. “Năm 2014, Việt Nam nhập khoảng 600 nghìn tấn rau củ quả từ Trung Quốc, nhưng xuất khẩu tới gần 2 triệu tấn. Vụ dưa hấu vừa rồi, giá trị nông sản xuất gấp 20 lần nhập khẩu, mặc dù lượng dưa năm nay thấp hơn năm ngoái”, bà Hà nói.

Theo cơ quan Kiểm dịch thực vật vùng VIII (Cục Bảo vệ Thực vật) tại Lào Cai, trước đây, rau quả nhập từ Trung Quốc qua Lào Cai khoảng 10-20 xe/ngày, nhưng gần đây trong cảnh đìu hiu.

Tới đây, thông tư 12 của Bộ NN&PTNT (có hiệu lực từ ngày 5/5 sẽ tăng cường “siết” chặt an toàn thực phẩm đối với mặt hàng rau củ quả nhập khẩu. Trước đây, doanh nghiệp vi phạm nhiều lần, chỉ áp dụng biện pháp kiểm tra chặt chẽ hơn. Nhưng nay, một mặt hàng nếu 3 lần vi phạm (không cần xác định Cty nào xuất, nhập) sẽ áp dụng biện pháp kiểm tra chặt toàn bộ mặt hàng đó của nước xuất khẩu. Nếu vi phạm, phải chờ kết quả kiểm nghiệm an toàn mới được thông quan. Thậm chí, khi vi phạm tới 5 lần, có thể sẽ bị cấm nhập khẩu.

Ông Nguyễn Trí Ngọc, Tổng thư ký Tổng Hội Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, dưa hấu, thanh long ùn tắc tại cửa khẩu, hành tím, hành tây, ớt, tỏi… của nông dân ê hề, phải đổ bỏ luôn là câu chuyện nóng bỏng.

Nhưng cuối cùng chẳng ai lo, chẳng ai chịu trách nhiệm mà để mặc cho nông dân gánh hậu quả. Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT giống như đang đứng ngoài cuộc. “Trong khi đó, chương trình xúc tiến thương mại hằng năm “ngốn” không ít tiền... Vậy tiền đó đi đâu”, ông Ngọc nêu vấn đề.

Theo ông Ngọc, việc chỉ đạo, điều hành của cơ quan quản lý nhà nước phải có địa chỉ, rõ trách nhiệm, từ sản xuất đến tiêu thụ. “Phải khuyến khích doanh nghiệp nhảy vào liên kết với nông dân, rồi công nghệ, giống chế biến, đóng gói... Các địa phương cũng cần định hướng, khuyến cáo nông dân chủ động, không thể cứ trồng được là trồng, đầu ra không biết ở đâu”, ông Ngọc cho hay.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Mai-Nam Khánh (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN