Sẽ tăng 50 đầu mối xuất khẩu gạo

Từ nay đến năm 2015 sẽ ổn định số lượng thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo lên tối đa 150 đầu mối, tăng 50 đầu mối so với hiện nay.

Ngày 10-9, tại TP HCM, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chủ trì cuộc họp điều hành xuất khẩu gạo và triển khai thực hiện quyết định quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo. Đây là biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường xuất khẩu gạo hiện nay cũng như định hướng hoạt động xuất khẩu thời gian tới.

Giảm cả số lượng và giá trị

Theo báo cáo từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), kết quả xuất khẩu tháng 8 đã không đạt kế hoạch đề ra, thấp hơn dự kiến gần 130.000 tấn. Giao hàng đi Trung Quốc cũng giảm mạnh. Tính đến cuối tháng 8, cả nước xuất khẩu được 4,678 triệu tấn gạo, trị giá FOB 2,005 tỉ USD, giá bình quân FOB 428,62 USD/tấn. So với cùng kỳ năm ngoái, số lượng giảm 7,86%, trị giá FOB giảm 10,98% và giá bình quân giảm 15,04 USD/tấn.

Sẽ tăng 50 đầu mối xuất khẩu gạo - 1

Thu mua lúa gạo của nông dân ở ĐBSCL. Ảnh: NGỌC TRINH

Việc xuất khẩu 8 tháng sụt giảm đang làm gia tăng sức ép thực hiện kế hoạch cuối năm. VFA dự báo từ nay đến cuối năm thị trường lúa gạo trong nước cũng như tình hình xuất khẩu của các doanh nghiệp (DN) sẽ còn nhiều khó khăn. Trước mắt, Thái Lan vừa quyết định hạ giá bán gạo tồn kho bằng mọi cách; Ấn Độ đang chuẩn bị thu hoạch vụ chính Kharif; chưa kể Trung Quốc là thị trường lớn nhất trong năm 2013 nhưng nay tiến độ nhập khẩu đang chậm lại do nước này đến vụ thu hoạch, hạn chế nhập khẩu.

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng để giảm khó khăn, trước mắt các DN nên tập trung khai thác thị trường mới, nhiều tiềm năng thông qua việc kết hợp với các bộ, ngành để tìm kiếm thị trường. “Phải định hướng nâng cao chất lượng hợp đồng tập trung và lưu ý thị trường có nhiều nguy cơ phá hủy hợp đồng như Trung Quốc. Cần đề nghị các biện pháp hỗ trợ từ cơ quan chức năng để tránh thua thiệt khi hợp đồng bị hủy. Đặc biệt phải sớm có biện pháp giải quyết hàng tồn kho thông qua các chương trình xúc tiến thị trường…” - ông Trần Tuấn Anh lưu ý.

Muốn tham gia xuất khẩu phải hội tụ 3 điều kiện

Theo Bộ Công Thương, quyết định phê duyệt quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo đã được Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng ký. Theo đó, mục tiêu cụ thể của quyết định này là từ nay đến năm 2015 sẽ kiện toàn, ổn định số lượng thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, bảo đảm tối đa 150 đầu mối. Như vậy sẽ tăng khoảng 50 đầu mối so với lâu nay. Sau năm 2015 sẽ điều chỉnh số lượng đầu mối và địa bàn hoạt động sao cho phù hợp với mục tiêu, nguyên tắc điều hành xuất khẩu gạo…

Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), ông Phan Văn Chinh, cho biết nội dung quy hoạch nêu rõ 3 tiêu chí để thương nhân được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo là: Đáp ứng đủ các điều kiện kinh doanh theo quy định của Nghị định 109 đã ban hành; có kho chứa, cơ sở xay xát thóc gạo để đáp ứng điều kiện kinh doanh theo quy định; đặc biệt điểm mới lần này là ưu tiên thương nhân có vùng nguyên liệu hoặc thực hiện hợp tác, đặt hàng, liên kết với các hộ nông dân trồng lúa. Điều kiện để được duy trì giấy chứng nhận là ngoài việc đáp ứng các điều kiện kinh doanh đã được quy định tại Nghị định 109 thì thương nhân phải đạt thành tích xuất khẩu tối thiểu 10.000 tấn gạo/năm…

Theo Thứ trưởng Trần Tuấn Anh, quy định này đặt ra nhằm hạn chế những DN không đủ năng lực hạ tầng tham gia xuất khẩu gạo. Thực tế lâu nay không ít DN làm ăn ngắn hạn, cạnh tranh không lành mạnh làm ảnh hưởng đến giá trị, thương hiệu của gạo Việt Nam.

Về nội dung ưu tiên DN có vùng nguyên liệu, một số ý kiến cho rằng việc giao trách nhiệm xây dựng vùng nguyên liệu cho DN là quá nặng nề, cần phải có sự chỉ đạo của bộ và địa phương. Ông Lâm Thanh Hùng, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang, cho rằng nên có sự liên kết giữa các nhà máy xay xát, DN cung cấp vật tư nông nghiệp, thương lái và nông dân để bảo đảm giá cả cũng như chất lượng gạo.

Tạo cơ chế kích thích DN tham gia

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định việc xây dựng mô hình quy hoạch này không phải trút gánh nặng cho DN mà tạo cơ chế vừa bảo đảm chính sách nhà nước vừa tạo thuận lợi cho các DN để họ tích cực tham gia. Về vấn đề ưu tiên cho DN có vùng nguyên liệu, dù là một tiêu chí để xem xét trong quá trình thực hiện nhưng đây là nội dung quan trọng mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định cần xây dựng và hoàn thiện về lâu dài, bởi nó phù hợp với nhu cầu thực tiễn và theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Sơn Nhung (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN