Nỗ lực gỡ "thẻ vàng" cho thủy sản

Sự kiện: Thời sự

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang nỗ lực để Ủy ban châu Âu sớm thu hồi thẻ vàng cho thủy sản Việt Nam trong đợt kiểm tra sắp đến.

Nỗ lực gỡ "thẻ vàng" cho thủy sản - 1

Thương lái thu mua sản phẩm cá ngừ đại dương ở Nha Trang

Ngày 5-4, tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cùng đại diện 28 tỉnh, thành ven biển, các cơ quan liên quan, các doanh nghiệp (DN) tham gia hội nghị "Bàn giải pháp khai thác, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm hải sản khai thác".

Thấm thía thẻ vàng

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, năm 2017, xuất khẩu thủy sản đã cán đích với mức trên 8,3 tỉ USD, tăng 18% so với năm 2016. Trong đó, hải sản khai thác đạt gần 2,8 tỉ USD, tập trung ở các mặt hàng như: cá ngừ, nhuyễn thể, cua, ghẹ, các loại cá biển khác. Từ cuối tháng 10-2017, Ủy ban châu Âu (EC) rút "thẻ vàng" cảnh báo đối với hải sản Việt Nam với lý do không kiên quyết chống tình trạng vi phạm IUU (truy xuất nguồn gốc thủy sản).

Gần 6 tháng bị cảnh báo, ngành thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào Liên minh châu Âu (EU) rất khó khăn. Bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty CP Thủy sản Bình Định, cho biết hằng năm, DN của bà xuất khẩu khoảng 60 triệu USD. Trong đó có 70% sản phẩm là cá ngừ đại dương, thị trường EU chiếm đến 65%-70%. "DN đang chịu rất nhiều khó khăn và tổn thất. Quả thật rất thấm thía vì thẻ vàng. Ngành thủy sản làm sao cố gắng đừng để bị thẻ đỏ" - bà Lan lo lắng.

Theo bà Lan, DN rất khó lấy nhật ký khai thác tàu của ngư dân dẫn đến thời gian xác nhận trễ, khó làm hồ sơ xuất khẩu. "Đề nghị cơ quan nhà nước quy định ngư dân phải trình nhật ký khai thác cho cảng cá. DN thu mua tàu nào thì lấy nhật ký tàu đó" - bà Lan đề xuất.

Trong khi đó, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết trong quá trình truy xuất nguồn gốc thủy sản mới phát hiện nhiều máy móc trên tàu cá không bảo đảm như: thuyền trưởng phải bấm nút mới thể hiện được tọa độ, máy định vị rất tốn điện nên chủ tàu thường ngắt, tháo nguồn, tháo ăng-ten nên không theo dõi được… Do đó làm sai lệch nhật ký khai thác.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám thông báo sau khi bị thẻ vàng, đến nay chỉ có 1 trường hợp vi phạm đánh bắt bất hợp pháp. Phía EU đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam.

"Bộ đã yêu cầu các cảng cá phải nhận nhật ký khai thác, Chi cục Thủy sản phải cử đơn vị ngay tại cảng cá để xác nhận các thủ tục, tạo thuận lợi cho DN. Trong tháng 5, đoàn kiểm tra của EC sẽ đi từng địa phương để kiểm tra, xem xét gỡ bỏ thẻ vàng. Tôi đề nghị các chi cục, cảng cá phải khẩn trương thi hành điều này. Bộ đang nghiên cứu áp dụng phần mềm ghi nhật ký điện tử để thuận lợi hơn" - Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết.

Không khai thác vô tội vạ

Đại diện Công ty CP Xuất khẩu thủy sản Khánh Hòa nêu một vấn đề khác, khi rã đông, các tàu dùng nước sông mất an toàn vệ sinh nhưng các cảng cá cũng không quan tâm. Trong khi các thị trường EU, Mỹ, Nhật… rất chú trọng vấn đề này. Do vậy, các cơ quan nhà nước cần cải thiện môi trường, bảo đảm an toàn vệ sinh và bắt buộc các tàu không được sử dụng nước bẩn. Còn đại diện TP Đà Nẵng cho biết nhiều tàu sắt dài trên 33 m của các tỉnh về địa phương nhưng không có chỗ đậu gây khó khăn khi thu mua, sử dụng các dịch vụ hậu cần nghề cá.

Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết Luật Thủy sản năm 2018 sẽ có hiệu lực vào tháng 1-2019, bổ sung nhiều quy định để bảo đảm các điều kiện, tiêu chuẩn, phát triển bền vững thủy sản. Bộ đã quy hoạch 5 trung tâm nghề cá lớn trong cả nước để bảo đảm hậu cần nghề cá nhưng đang vướng vốn. Dự kiến sau năm 2020, sẽ bổ sung lại vốn vay ODA của Pháp.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, cho rằng thủy sản nước ta có tiềm năng với bờ biển dài, có 5 ngư trường lớn, thị trường đa dạng với 160 nước… nhưng thực tế đang tồn tại nhiều bất cập như: khai thác diện rộng, thiếu các phương tiện hiện đại, chuyên dùng. Công tác phân loại, bảo quản chưa tốt nên tỉ lệ hao hụt đến 20%-30%, dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp.

"Phát triển thị trường nhanh nhưng nhỏ hẹp, đối phó, gây quản lý khó, bất ổn. Luật Thủy sản có hiệu lực sẽ hướng nghề khai thác thủy sản bền vững, có trách nhiệm, hiệu quả hơn. Tôi cho rằng việc khai thác phải tổ chức chuỗi khép kín, có các sản phẩm chi phối thị trường thì mới bền vững. Khai thác chỉ đến giới hạn cho phép, không được vô tội vạ. Cứ năm này cao hơn năm trước là không được" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Theo bộ trưởng, nước ta chịu tác động mạnh mẽ từ biến đổi khí hậu, cần nhìn vào đó để hướng người dân sản xuất các loại thủy sản có giá trị cao, giảm rủi ro. Sản phẩm phải chú trọng chế biến để đạt giá trị tối ưu. Hội nhập với các nền kinh tế thì sản phẩm thủy sản phải minh bạch, có truy xuất nguồn gốc, ngư trường đánh bắt rõ ràng, đúng loài, đúng kích thước. Bên cạnh đó, phải tập trung nuôi trồng, tái tạo quần thể sinh vật phù hợp, có quy hoạch, ứng dụng khoa học công nghệ… Để làm được điều này, đòi hỏi phải có sự đồng bộ, tuy không thể giải quyết sớm nhưng các địa phương phải ý thức được.

Xử lý dứt điểm thủy sản xuất khẩu bị trả lại

Liên quan đến xuất khẩu thủy sản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có Chỉ thị 09 về các nhiệm vụ, giải pháp khắc phục tình trạng các lô hàng thủy sản bị nước ngoài cảnh báo, trả về.

Theo đó, thời gian qua, tình hình các lô hàng xuất khẩu bị cảnh báo vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm tại các thị trường nhập khẩu mặc dù đã giảm những vẫn ở mức cao, ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh, uy tín sản phẩm thủy sản Việt Nam trên thị trường thế giới, làm giảm hiệu quả kinh tế của các DN chế biến xuất khẩu thủy sản và tác động tiêu cực đến đời sống ngư dân, người nuôi trồng thủy sản.

Để xử lý dứt điểm vấn đề các lô hàng thủy sản bị cảnh báo các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, đặc biệt là tồn dư hóa chất, kháng sinh vượt mức quy định tại các thị trường nhập khẩu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp.

Cụ thể, Bộ NN-PTNT quản lý chặt chẽ việc cấp phép lưu hành thuốc thú y, chất xử lý, cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản; phối hợp với Bộ Y tế và Bộ Công Thương tổ chức kiểm soát chặt chẽ hóa chất, kháng sinh nhập khẩu để sử dụng trong y tế, công nghiệp nhưng bị lạm dụng trong sản xuất - kinh doanh thủy sản; tiếp tục phối hợp với Bộ Công an trong việc tổ chức điều tra, thu thập thông tin, triệt phá dứt điểm các đường dây nhập lậu, tàng trữ, lưu thông, mua bán chất cấm, chất xử lý, cải tạo môi trường, thuốc thú y ngoài danh mục được phép lưu hành và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thanh tra, kiểm tra đột xuất khi cơ sở có dấu hiệu vi phạm trong sản xuất, lưu thông, mua bán, sử dụng thuốc thú y, chất xử lý, cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản và việc lạm dụng kháng sinh trong quá trình bảo quản thủy sản…

B.Trân

Trung Quốc “điều khiển“ thị trường thủy sản Việt

Nếu đi theo “vết xe đổ” như nhiều nông sản khác, thủy sản VN xuất sang TQ sẽ mất nhiều hơn được.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Kỳ Nam ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN