Ngồi nhà mua hàng Mỹ
Dịch vụ mua hộ và vận chuyển hàng từ nước ngoài về Việt Nam ngày càng nở rộ với giá cạnh tranh nên nhiều người chỉ cần ngồi nhà cũng có thể mua đủ thứ hàng hóa ở tận Mỹ, Úc…
Nhiều người khẳng định nếu biết chọn sản phẩm, biết canh thời điểm và chọn đơn vị vận chuyển (ship) có uy tín thì mua hàng từ nước ngoài vẫn là lựa chọn tốt thay vì mua hàng xách tay không rõ nguồn gốc.
Dễ và rẻ
Chị Nguyễn Thị Thu - nhà ở đường Cống Quỳnh, quận 3, TP HCM - cho biết 2 năm trở lại đây, từ lúc sinh đứa con đầu lòng, chị thường lên mạng tìm hiểu và đặt mua đồ dùng cho trẻ như đồ chơi, quần áo, tã, sữa… trên các website bán hàng uy tín ở Mỹ, như Macys, Amazon, Ideeli… với giá khá rẻ so với mua tại Việt Nam.
Do không có người thân ở Mỹ nên chị Thu nhờ dịch vụ đặt mua và ship về tận nhà. Cụ thể, sau khi chọn sản phẩm theo ý muốn, chị gửi thông tin, đường link đến các dịch vụ nhận ship hàng, khoảng 3-4 tuần, hàng được chuyển đến tận nhà. Chi phí cho dịch vụ này tùy theo mặt hàng, chủng loại, dao động từ 15%-20%. Đối với một số hàng hiệu có giá trị cao hoặc cân nặng lớn thì chi phí có thể tăng thêm từ 5%-10%.
Dịch vụ ship hàng nở rộ tạo cơ hội cho nhiều người được mua hàng nước ngoài với giá rẻẢnh: Tấn Thạnh
Chị Quỳnh (quận Bình Thạnh, TP HCM) là người chuyên “săn” các sản phẩm hàng hiệu từ quần áo, túi xách, đồng hồ, mắt kính trên các website nước ngoài như Michael Kor, Coach, Mango..., cho biết chị vừa đặt mua một chiếc đồng hồ hiệu Michael Kor ở Mỹ với giá 138 USD, sau khi cộng các loại thuế, phí chị phải thanh toán 180 USD, tương đương 4 triệu đồng. Trong khi đó, tại một trung tâm thương mại ở TP HCM, sản phẩm cùng mã, cùng hiệu dù đã giảm giá bán 20% nhưng người mua vẫn phải trả gần 9 triệu đồng. Còn một chiếc váy đầm hiệu Mango mua từ website của hãng này tại Tây Ban Nha, khi nhận hàng chị Quỳnh chỉ thanh toán khoảng 400.000 đồng, bằng 1/3 so với giá bán tại các cửa hàng chính hãng ở Việt Nam.
Chọn mặt đặt ship
Hiện dịch vụ nhận ship hàng tràn ngập trên mạng nên người tiêu dùng rất khó nhận biết đơn vị nào có uy tín. Thử liên lạc với một đại lý chuyên nhận ship hàng từ Mỹ về Việt Nam, chúng tôi được một nhân viên cho biết ngoài giá trị món hàng cần mua, khách còn phải đóng thêm 8%-10% tiền thuế tùy quy định của từng bang ở Mỹ, tiền công mua hàng 10%, tiền ship trung bình 10 USD/kg và tiền hải quan (nếu có). Cũng theo nhân viên này, các loại sản phẩm có phí ship cao thường là túi xách, đồng hồ, nước hoa vì hay bị đánh thuế thêm nhưng vẫn ở mức chấp nhận được. Nếu khách đặt mua các sản phẩm công nghệ như điện thoại, iPad, iPhone... phải đóng thêm phí hải quan 20-30 USD/sản phẩm.
Chị Huỳnh Thị Thùy (ngụ quận Bình Tân, TP HCM) cho biết trước Tết, chị nhờ người quen ở Úc đặt mua sữa nhãn hiệu S26 cho con nhưng do chưa có kinh nghiệm nên mua phải hàng giá cao và phí ship đắt hơn tới gần 40%, chưa kể đơn vị ship còn đổ thừa do cận Tết không chịu giao hàng tận nhà mà yêu cầu chị đến công ty ở đường Phan Văn Trị, quận Gò Vấp để nhận hàng.
Với kinh nghiệm của mình, chị Quỳnh cho biết “săn” hàng từ các website chính thức sẽ hạn chế gặp hàng giả, nhái. Đặc biệt, các website đều có thể ship hàng từ nhiều nước khác nhau nên chi phí có thể khác nhau, vì vậy nếu có người thân hoặc mối ship hàng giá rẻ, thuận lợi nhất thì các tín đồ “săn” hàng ngoại nên chọn lựa để không chịu phí cao hay giả mạo hàng.
Coi chừng dính hàng Trung Quốc Nhờ một người bạn tạo tài khoản để đặt hàng trực tiếp trên trang web ở Mỹ là zulily.com, người có nick Facebook là Thuy Linh Huynh (Linh) đã mua phải sản phẩm “Made in China”. Chị Linh cho biết cách đây vài tháng, thấy trang web zulily.com đăng thông báo giảm giá các sản phẩm thời trang từ 139-145 USD chỉ còn 22-29 USD/sản phẩm, chị quyết định đặt mua để chia lại cho người thân, bạn bè dùng. Chưa kể, website này còn có chính sách mua nhiều sẽ được miễn phí ship đến địa điểm mua ở Mỹ. Mua 10 túi xách, chị Linh chỉ thanh toán khoảng 600 USD nhưng tiền ship, công và thuế “ngốn” tới 245 USD. Điều làm chị bực mình hơn là hàng khi về đến Việt Nam bị hải quan “vịn” lại gần 2 tháng mà không có lý do. “Cứ nghĩ các website ở Mỹ đều bán hàng tốt, chất lượng nhưng nào ngờ mua nhầm hàng Trung Quốc, giá cũng không rẻ hơn ở Việt Nam là mấy” - chị Linh nói. |