Ngậm ngùi bán bò cho Trung Quốc vì bò nhập tung hoành

"Cách Hà Nội chỉ mấy trăm mét nhưng người dân Hà Giang phải bán bò sang Trung Quốc vì không có thương lái thu mua, trong khi Hà Nội bò Úc tràn lan".

Đó là nghịch lý mà ông Phạm Hồng Quất, Phó cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp chia sẻ tại Diễn đàn đổi mới sáng tạo dành cho người thu nhập thấp diễn ra tại Hà Nội.

Ông Quất đưa ra dẫn chứng: cách Hà Nội chỉ mấy trăm mét thôi, bò vàng Hà Giang mặc dù chất lượng rất tốt, sản lượng cao, thịt thơm ngon nhưng phải loay hoay tìm nơi tiêu thụ, nhất là sau khi quyết liệt xử phạt xe quá tải, các doanh nghiệp không lên thu mua bò vì chi phí đội lên, không có lời lãi. Cuối cùng người nông dân chịu trận bởi giống bò này nếu đến tuổi không bán đi sẽ suy giảm lượng thịt. Người dân phải bán bò cho Trung Quốc trong khi Hà Nội thì bò Úc tràn lan.

Ngậm ngùi bán bò cho Trung Quốc vì bò nhập tung hoành - 1

Bò nội không tiêu thụ được phải bán cho Trung Quốc. Ảnh minh họa: IT

Nói thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Huy Cường, Trưởng phòng đào tạo hợp tác quốc tế, Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp cho biết, theo đề xuất của tỉnh Hà Giang về phát triển đàn bò theo chuỗi giá trị hàng hóa, cán bộ của Cục có làm việc với 4 huyện vùng cao núi đá của Hà Giang là Yên Minh, Quản Bạ, Đồng Văn, Mèo Vạc.

Theo thống kê, số lượng bò thịt của Hà Giang năm 2014 là 106.091 con. Trong đó, số lượng bò của 4 huyện trên ước tính có thể đem vào giết mổ khoảng 40.000 con.

Đặc tính của con bò vùng cao Hà Giang là chịu được khắc nghiệt thời tiết, thể trạng khỏe, chất lượng thịt ngon, sản lượng thịt cao. Giống bò đực có thế lên tới 400-600kg.

Trong những năm qua Hà Giang có nhiều chính sách phát triển đàn bò tuy nhiên nhiều địa phương vẫn gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ. Bò chủ yếu bán cả con cho thương lái đến thu mua trực tiếp chứ chưa có giá trị thương hiệu để có thể vào được nhà hàng hay siêu thị.

Ông Cường cho hay, qua chuyến công tác khảo sát thực tiễn và làm việc với các lãnh đạo huyện của Hà Giang thì nhận thấy một thực tế: Gần đây do việc xử phạt xe quá tải khiến các doanh nghiệp, thương lái không đến mua bò. Mặc dù trước đó, bò còn được vận chuyển vào tận Đà Nẵng, TP HCM. Điều này đã buộc người dân phải bán bò cho thương lái Trung Quốc. Đáng nói hoạt động buôn bán này chỉ diễn ra theo con đường tiểu ngạch, nên nhiều nông dân bị mất trắng cả đàn bò. Như có một xã của huyện Mèo Vạc, dân dắt 4-5 con bò sang bán, bị tịch thu mà không biết kêu ai. Mặc dù chính quyền can ngăn vì con đường này nhiều rủi ro nhưng người dân vẫn bất chấp.

Ông Trịnh Văn Bình, Trưởng phòng Chăn nuôi và Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang) cho biết: Dọc tuyến biên giới có 274 km đường biên, với đường biên dài, cư dân sống rải rác nên việc xuất lậu gia súc là khó tránh khỏi đặc biệt là điều kiện vận chuyển, thị trường tiêu thụ sản phẩm hiện nay còn hạn chế. Tuy nhiên tình trạng này không đáng kể chỉ xảy ra dọc đường biên, còn tại các cửa khẩu chính, những điểm có chốt chặn thì không có.

Để phát triển đàn bò cũng như kiểm soát tình hình này tỉnh Hà Giang cũng thường xuyên tuyên truyền vận động bà con không tham gia buôn bán, vận chuyển gia súc chưa qua kiểm dịch, không rõ ràng nguồn gốc qua biên giới; thực hiện buôn bán theo đúng pháp luật.

Tuy nhiên, ông Bình cũng thừa nhận khó khăn nhất là thị trường tiêu thụ không ổn định, giá cả thu mua thấp nên nên hiện nay tỉnh cũng đang tìm giải pháp để tìm đầu ra, giá cả ổn định cho người chăn nuôi.

“Sản phẩm bò Hà Giang được chăn nuôi truyền thống, có giá trị dinh dưỡng cao tuy nhiên chưa có doanh nghiệp nào của Hà Giang đứng ra đầu tư, bao tiêu sản phẩm, kết nối được với những siêu thị, thị trường lớn. Bên cạnh đó, các công ty, doanh nghiệp ở những thị trường lớn hầu như cũng chưa biết rõ chính xác lượng và chất lượng của con bò Hà Giang nên việc kết nối chưa chặt chẽ. Người chăn nuôi chỉ biết phụ thuộc vào tư thương biết đến lên thu mua bò, trao đổi dưới dạng thị trường tự do”, ông Bình nói.

Ông Nguyễn Huy Cường cho biết: Số lượng đàn bò của Hà Giang hiện nay có thể làm hàng hóa được nhưng để tiêu thụ nó thì không hề dễ vì hiện nay lượng nhập ngoại thịt bò Úc rất lớn, giá thành lại cạnh tranh. Hiện tại bò Úc nhập vào Việt Nam với giá chỉ từ 2- 2,7USD/kg thịt hơi, khiến cho việc tiêu thụ bò trong nước gặp rất nhiều khó khăn. Để cạnh tranh được, phải tạo thương hiệu riêng cho bò Hà Giang.

 “Hiện nay, lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ có giao cho Cục phát triển sản phẩm bò vùng cao theo chuỗi giá trị: từ khâu đầu tiên là sản xuất tinh bò, chăn nuôi, vỗ béo, giết mổ, bảo quản cho đến làm thương hiệu. Trong đó giai đoạn quan trọng nhất là làm thương hiệu, phải chỉ dẫn đường đi, tổ chức kênh tiêu thụ cho sản phẩm này. Do có điều kiện, khí hậu tự nhiên tương tự nhau nên sắp tới chúng tôi sẽ theo hướng tiếp nhận công nghệ của Nhật Bản, áp dụng công nghệ chăn nuôi phát triển sản phẩm của Nhật cho con bò vàng Hà Giang. Với cách làm này vừa bảo tồn được nguồn gen của địa phương vừa có thể lai tạo con giống mới để đáp ứng thị trường trong nước và có thể xuất khẩu. Tạo ra một giá trị thương hiệu riêng, kênh tiêu thụ riêng cho sản phẩm con bò vàng Hà Giang, có như thế mới cạnh tranh được với các sản phẩm khác trên thị trườngTrước mắt, chúng tôi đã làm việc với các doanh nghiệp để kêu gọi các doanh nghiệp xây dựng dự án hợp tác đầu tư”, ông Cường cho biết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thùy (Infonet)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN