Mẹo chọn mộc nhĩ, nấm hương ngon, không lo hóa chất
Mộc nhĩ và nấm hương là hai nguyên liệu không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết. Dưới đây là những mẹo nhỏ giúp bạn chọn được nấm, mộc nhĩ ngon, không lo hóa chất.
Cách chọn nấm hương ngon
Nấm hương có 3 loại thường dùng trong chế biến thức ăn là: nấm đông, nấm hương và nấm hoa.
- Nấm đông: chóp đỉnh màu đen, phần cuốn nếp có màu vàng nhạt, thịt tương đối dày, ăn thấy giòn tan, dư vị ngọt tươi.
- Nấm hương: có hình cái dù, mỡ, thịt mỏng, thớ không được mịn, ăn không giòn.
- Nấm hoa: chóp đỉnh màu đen nhạt, có hoa văn; những đường hoa văn này khi khô sẽ vằn nổi lên, màu trắng, phần cuối nếp sau khi đã qua khâu sao bằng lửa than đỏ sẽ có màu vàng nhạt; thịt dày, non mịn, ăn giòn tan.
Để phân biệt được hương vị của nấm ngon và nấm nhiễm hóa chất, bạn ấn tay vào “tán dù” của cây nấm, xong bỏ tay lên hít mũi, nếu ngửi thấy mùi hương thuần khiết thì đấy là nấm ngon, không có hóa chất. Nếu là nấm hương rừng, sẽ thấy chân nấm dài, mũ nấm xòe rộng.
Nếu ngửi thấy mùi hương thuần khiết thì đấy là nấm ngon, không có hóa chất (Ảnh minh họa).
Cách chọn mộc nhĩ ngon
Mộc nhĩ thường được chia làm 3 loại, mộc nhĩ đen, mộc nhĩ trắng và mao mộc nhĩ. Mộc nhĩ không chỉ giàu chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, mà còn có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, ức chế tế bào ung thư, hạ huyết áp, giảm cholesterol máu... Trong đó, mộc nhĩ đen được sử dụng phổ biến nhất trong bữa ăn hàng ngày. Tuy nhiên, chúng thường hay bị biến chất nếu các tiêu thương để bán lâu năm, vì vậy, người tiêu dùng nên biết cách chọn mộc nhĩ để đảm bảo sức khỏe cho mình và gia đình.
Chọn mộc nhĩ nên chọn loại cánh to, dày thì ăn sẽ ngon và giòn. Không nên chọn loại mộc nhĩ xù xì vì loại này chỉ cần ngâm vào nước ấm đã bị nhũn.
Không chọn mộc nhĩ có vết đen hay màu đỏ cam.
Khi mua, dùng tay nắm vài cái, sau khi bỏ tay ra, viền mộc nhĩ có tính đàn hồi nhanh chóng duỗi ra, có nghĩa là hàm lượng nước ít thì đấy là loại mộc nhĩ tốt.
Nếu bảo quản không đúng cách, mộc nhĩ bị biến chất và sẽ gây độc cho những ai ăn phải. (Ảnh minh họa).
Mộc nhĩ đen là một loại nấm mọc trên những cây, cành gỗ mục, có hình dạng trông giống như tai người, mặt ngoài màu nâu nhạt, có lông mịn, mặt trong nhẵn màu nâu sẫm. Trong mộc nhĩ đen có nhiều hoạt chất có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, giúp giải độc và làm chậm sự lão hoá. Đặc biệt, với tính năng lương huyết và hoạt huyết, mộc nhỉ đen là một loại thực phẩm làm thuốc rất quý có tác dụng làm giảm cholesterol và cải thiện tuần hoàn huyết.
Mộc nhĩ trắng có chứa protein, chất béo, chất xơ, lưu huỳnh, phospho, sắt, magiê, calci, kali, natriclorua, vitamin B2, nhiều chất đường trong mộc nhĩ trắng có thể làm tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể, điều động tế bào limpho, tăng cường khả năng diệt khuẩn của bạch cầu, làm hưng phấn cơ năng tạo máu của tủy sống...
Mộc nhĩ đen và mộc nhĩ trắng đều nguy hiểm như nhau khi bị biến chất. Nếu bảo quản không đúng cách, mộc nhĩ bị biến chất và sẽ gây độc cho những ai ăn phải. Người trúng độc nặng có thể bị suy thận, hôn mê và tử vong. Vì vậy, sau đây sẽ là cách để các bà nội trợ chọn được loại mộc nhĩ an toàn với sức khỏe.
Khi mua mộc nhĩ đen, nếu thấy phần tai nấm toét ra, dính vào nhau, rải rác có những chấm đen, mất tính đàn hồi, ngửi thấy mùi chua, hôi thì tuyệt đối không nên mua. Mộc nhĩ thật có bông nhĩ to, vành nhĩ hơi mỏng, bề mặt có màu đen ánh bóng, mặt sau có màu xám. Khi lấy tay vân vê thấy nhẹ, khô, không có tạp chất, không cứng. Khi nhấm thử thì thấy có vị thơm mát. Nếu mộc nhĩ có nhúng lưu huỳnh, khi ăn có vị hơi tê hoặc cay đầu lưỡi.
Mộc nhĩ trắng khô thường có màu trắng, có đôi khi pha lẫn chút màu vàng. Người tiêu dùng nên chọn bông nhĩ to, mập và dày. Khi sờ có cảm giác dẻo rắn. Khi ngâm nước, mộc nhĩ có màu vàng nhạt. Bông nhĩ to có thể nở to từ 9-16 lần so với lúc còn khô. Mùi vị thơm, giòn. Ở mộc nhĩ đã bị biến chất, tai nấm gầy, có những đốm vàng đen hoặc nâu lục, không tươi sáng, mềm, không đồng đều, dễ nát vụn, phần đế có những nốt màu đen, sau khi cho nước vào có mùi khác lạ.
Đối với việc chọn loại mộc nhĩ trắng tươi, loại tốt có tai nấm dạng múi hóa màu trắng ngà, nửa trong suốt, sáng bóng, đàn hồi tốt. Ở mộc nhĩ biến chất, tai nấm khô khẳng, mất sự trong suốt, màu vàng xám đen hoặc xanh xám, thường có mảng lốm đốm màu vàng, mùi khác lạ hoặc mùi mốc, dễ bị vỡ nát.