Ma trận hàng lậu, hàng giả dịp Tết

Sự kiện: Hàng Tết 2019

Dịp Tết cận kề sức mua các mặt hàng tiêu dùng tăng mạnh. Đây cũng là dịp các trung tâm bán buôn của miền Bắc cực kỳ nhộn nhịp, đặc biệt là thị trấn Thổ Tang (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) và làng sản xuất bánh kẹo La Phù (huyện Hoài Đức, Hà Nội).

Đủ kiểu nhái thương hiệu

Ghi nhận tại thị trấn Thổ Tang- nơi trung chuyển hàng hóa cho hầu hết các tỉnh Bắc bộ, Trung Bộ, con đường rộng 4 làn xe luôn trong tình trạng tắc nghẽn do các xe chở hàng liên tục dừng đỗ bốc, dỡ hàng hóa. Các xe tải đa số có biển kiểm soát từ các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn. 

Hiện tượng tên các loại bánh, kẹo na ná nhau xuất hiện khá nhiều tại thị trấn Thổ Tang. Vừa cầm gói bánh có tên Custad lên (giống với bánh Custas), một phụ nữ bán hàng gói quà không ngần ngại khẳng định: Đây không phải bánh Custas hàng chính hãng. Nếu người có kiến thức thì sẽ phân biệt được, không mua phải loại nhái thương hiệu. Còn lại, đa phần thấy giống giống nên mua. “Ở đây, nhiều cửa hàng bán những loại bánh này. Cũng không phải giống tên đâu, khác nhau đấy. Nhưng nhiều người mua các loại này vì giá rẻ hơn”, người này nói. Theo người bán hàng, mặt hàng này bán khá chạy chủ yếu là thị trường nông thôn phía Bắc. 

Ma trận hàng lậu, hàng giả dịp Tết - 1

Đồ gia dụng nhái bán tràn lan số lượng lớn tại thị trấn Thổ Tang

Khác với các năm trước, khi thị trường bánh kẹo, bột giặt, mì chính… là mặt hàng chủ đạo của các tiểu thương. Năm nay, đa số người kinh doanh chuyển sang buôn bán các loại nông sản: Khoai tây, cà chua… hoặc đồ chơi, đồ nhựa gia dụng… từ Trung Quốc. 

Có mặt tại cửa hàng điện máy H.H, sau khi biết khách có nhu cầu mua buôn một số sản phẩm làm tóc, chị Hà (chủ cửa hàng) gợi ý ngay một số sản phẩm chất lượng tốt, giá hợp lý. Chờ khoảng 5 phút, chủ cửa hàng mang từ trong nhà ra nhiều hộp máy sấy tóc các loại, trong đó có các thương hiệu na ná hàng chính hãng như Philip (giống tên hàng chính hãng Philips), Panosanis (giống Panasonic)…

Các vỏ hộp hoàn toàn bằng tiếng Anh, sản xuất tại Netherlands (Hà Lan). Chị Hà cho biết, ở đây thường không bán lẻ, mỗi sản phẩm này thường bán cả lô mấy trăm chiếc đổ buôn các tỉnh. Chị này cũng giải thích, đồ này phải để kho trên gác, để dưới này dễ bị cơ quan chức năng “sờ gáy”. Giá mỗi sản phẩm máy sấy từ 60.000 - 140.000 đồng. Trong khi đó, máy sấy chính hãng Philips hơn 2.000W có giá thấp nhất là 850.000 đồng. 

Nhiều mặt hàng đồ chơi nhập nguyên chiếc cũng được các xe biển các tỉnh biên giới phía Bắc chở về Thổ Tang. Một cửa hàng nhận hàng trăm ô tô đồ chơi dạng lớn xếp vào kho. Người chủ cửa hàng không mặn mà với khách mua lẻ, chỉ trả lời qua loa rằng, hàng nhập nguyên chiếc từ Trung Quốc, giá gần 2 triệu đồng/chiếc. Một cửa hàng đồ chơi khác cũng không bán hàng cho khách lẻ vì bận soạn đồ bán buôn. Ghi nhận của phóng viên, những mặt hàng này đa phần có xuất xứ từ bên kia biên giới.

Chất lượng có đáng tin?

Ma trận hàng lậu, hàng giả dịp Tết - 2

Những loại bánh gần giống với bánh chính hãng, chỉ khác 1, 2 chữ cái được sản xuất và bán buôn tại làng La Phù

Tại làng nghề La Phù (Hoài Đức, Hà Nội), xe tải vận chuyển hàng hóa cũng tấp nập. Đa phần các xe vận chuyển bánh kẹo, hàng hóa phục vụ Tết đi các nơi. Một chủ cửa hàng bán sản phẩm hạt hướng dương cho biết, hướng dương sống được nhập từ Trung Quốc. Về nhà, nhân công sẽ rang chín, bán theo cân, vận chuyển đi khắp nơi với giá 37 nghìn đồng/kg. Theo quan sát của phóng viên, trên các bao bì hướng dương này đều có chữ tượng hình. Mỗi bao lớn khoảng 50kg. Cả xưởng chất đầy các bao này. 

Trong vai một khách hàng mua bim bim, phóng viên Tiền Phong ghé vào một đại lý ven đường. Trong nhà, nhiều loại bim bim được đóng trong túi lớn, hầu như không ghi ngày sản xuất, hạn sử dụng. Chính người phụ nữ này cũng thừa nhận, bản thân cũng không biết ngày sản xuất và hạn sử dụng đến bao giờ, đặc biệt là khi hàng hóa được bán đi các nơi, chia nhỏ, đóng túi bán đến người tiêu dùng. “Loại em hỏi mua hiện không còn hàng. Em vào chỗ xưởng sản xuất ngay ngã tư kia hỏi xem. Bên chị cũng lấy từ đó để bán thôi”, người phụ nữ này nói. 

Ghi nhận của phóng viên cho thấy, dọc hai bên đường La Phù, cảnh vận chuyển hàng hóa tấp nập. Bia, rượu, nước giải khát, bánh kẹo tràn ngập. Nhiều xe hàng trọng tải lớn chất đầy hàng hóa vận chuyển đi khắp nơi. Đáng chú ý, nhiều sản phẩm mang cái tên khá giống nhau như Custas và Custard, Chocopie và ChocovipPie, Danisa và Damisa... Một số sản phẩm khác có logo khá giống với các thương hiệu bánh kẹo nổi tiếng, chỉ khác 1, 2 chữ cái, nơi sản xuất ghi rõ là làng nghề La Phù, Hoài Đức.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hiểu Minh - Trường Phong ([Tên nguồn])
Hàng Tết 2019 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN