Lo ngại trước dấu hiệu sóng tăng giá mới

Đang có nhiều dấu hiệu cho thấy nguy cơ về một đợt tăng giá mới. Người dân đang trần mình trong khó khăn khi các mặt hàng liên tiếp đòi tăng giá. Tăng giá cũng đặt các cơ quan quản lý vào những thách thức mới.

Những báo hiệu đáng ngại

Chiều ngày 10/9, dường như cùng lúc khi DN xăng dầu đầu mối đòi tăng giá lần thứ 5 liên tiếp với mức cao nhất lên đến 1.300 đồng, nếu thành công có thể đẩy xăng dầu lên mức kỷ lục từ trước đến nay.

Trong khi đó, các DN gas cũng tuyên bố, họ sẽ phải tăng giá gas thêm 20 ngàn đồng sau khi đã có đợt tăng mạnh cuối tháng trước. Còn Bộ Công thương cũng cho biết, giá điện sẽ được tính toán lại vào ngày 1/10. Theo dự đoán của nhiều chuyên gia, xu thế tăng là không loại trừ khi các giá xăng dầu đã tăng liên tục, còn giá than bán cho điện cũng đã được mở đường cho tăng. Trong khi đó, khoản lỗ của điện chưa phân bổ được bao nhiêu qua đợt tăng giá vừa qua.

Phản ứng mới nhất, Bộ Tài chính đã không chấp nhận đề xuất của các DN xăng dầu và sử dụng các biện pháp khác để bình ổn giá. Tuy nhiên, các DN cho biết, biện pháp này DN chưa khỏa lấp hết khoản lỗ. Với xu hướng giá thế giới tăng trong khi quỹ bình ổn còn rất hạn chế thì giá tăng là khó tránh khỏi.

Cùng một lúc các mặt hàng thiết yếu đều nhập nhổm chờ tăng khiến người dân và DN sản xuất không khỏi hoang mang, lo lắng trước một làn sóng tăng giá mới bởi nếu tăng tiếp đồng nghĩa với việc họ sẽ chịu thêm vô vàn khó khăn nữa. Điều này khiến cho nhiều người dân không khỏi rùng minh và lo lắng.

Chị Vũ Tú Anh (Khu đô thị mới Mỹ Đình II, Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, giá xăng không tăng nhưng vẫn không thể hết lo. Chị chia sẻ: "Giá thế giới cứ lên, quyền định giá giao cho DN thì chẳng ai dám chắc trong một vài ngày tới DN đầu mối xăng dầu không than lỗ và lại xin tăng. Giá gas lần này có thể tăng thêm 20.000 đồng một bình, và giả sử đầu tháng 10 tới giá điện sẽ tăng tiếp, rồi hàng hóa, dịch vụ hùa tăng theo vậy người dân sẽ chi tiêu và sống như thế nào với đồng lương công chức vốn đã thiếu hụt của mình”.

Lo ngại trước dấu hiệu sóng tăng giá mới - 1

Chị Anh than: “Lần trước xăng tăng chỉ tăng có 650 đồng/lít mà đi chợ đến con cá, mớ rau đã đua tăng. Sắp tới, giá nếu xăng dầu, điện, gas cứ tiếp đà tăng giá lập chắc rau muống ở chợ phải tăng lên gần 10.000 đồng/mớ”.

Lần nào tăng giá xăng dầu các bộ cũng nói đã xem xét kỹ tình hình và sẽ không ảnh hưởng mấy tới mặt bằng giá cả. Nhưng trên thực tế, sau mỗi lần tăng như vậy giá cả đều nhích khiến cho cuộc sống thêm chật vật.

Chị Triệu Thu Hằng (Nguyễn Phong Sắc, Cầu Giấy, Hà Nội) lại không khỏi rùng mình khi ngồi tính toán số tiền phải bỏ thêm ra nếu như giá xăng, gas được điều chỉnh tăng trong một vài ngày tới.

Theo tính toán của chị Hằng, vì công việc thường xuyên phải đi từ nơi này đến nơi khác nên mỗi tháng nguyên tiền xăng xe trung bình của cả hai vợ chồng hết khoảng trên 1,2 triệu đồng. Theo đó, cứ mỗi lần giá xăng tăng mình sẽ phải bỏ thêm gần 100.000 đồng/tháng cho chi phí đi lại, đó là chưa kể tới các khoản khác. Tiền gas chỉ tính hai lần tăng giá trước cũng mất một khoản tương ứng như vậy chứ chưa tính thêm lần này sẽ tăng thêm 20.000 đồng/bình 12kg.

“Tổng cho mỗi lần tăng giá, gia đình tiết kiệm hết sức vẫn mất thêm khoảng từ 600.000 – 800.000 đồng/tháng cho chi phí sinh hoạt. Khi thu nhập không tăng việc phải bỏ ra một đồng cũng khó chứ từng nói đến số tiền vài trăm nghìn đồng”, chị Hằng nói.

“Cứ nghĩ đến giá xăng, điện có thể sẽ được điều chỉnh trong nay mai, giá tăng gas cao và hàng hóa thực phẩm thiết yếu lại chực chờ tăng theo khiến mình là dân công chức có thu nhập ổn định còn thấy rùng mình huống hồ những người lao động thu nhập thấp, bấp bênh, không ổn định”, chị Hằng lo lắng.

Không chỉ người tiêu dùng, đứng trước áp lực một đợt tăng giá mới, không ít tiểu thương lắc đầu ngao ngán. Cô Hậu, một tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy) chia sẻ: “Người dân thường chắt bóp chi tiêu sau mỗi lần tăng giá xăng. Ngày trước, một khách thường mua 6 – 7 lạng thịt một lần rồi dần dần số lượng thịt khách mua giảm xuống theo mỗi lần tăng giá xăng. Giờ nếu mà xăng, gas kết hợp tăng giá cùng thời điểm chắc dân chỉ còn mua 1 – 2 lạng thịt nữa?”.

DN ngao ngán

Nhiều DN khi được đề cập tới chuyện giá xăng, gas có thể được điều chỉnh trong thời gian tới… đều tỏ ra ngao ngán và lo lắng cho những khó khăn mà DN sẽ phải đối diện thêm.

Lo ngại trước dấu hiệu sóng tăng giá mới - 2

Ông Phùng Văn Chính, giám đốc một công ty sản xuất vật liệu xây dựng, chia sẻ: “Vừa rồi, Bộ Tài chính có quyết định bác bỏ đề xuất tăng giá xăng dầu, được coi là tạm thời loại bỏ nguy cơ tăng giá. Tuy nhiên, tới đây chẳng ai có thể đảm bảo giá xăng và điện sẽ không rủ nhau tăng tiếp. Đến lúc đó, khó khăn sẽ còn tăng hơn bây giờ”.

"Lần trước, chỉ nguyên giá điện được điều chỉnh tăng thêm 5% khiến tiền điện đội lên thêm 20 triệu đồng mỗi tháng mà DN phải gồng mình gánh vác. Còn giá xăng dầu tăng liến tiếp thời gian qua cũng kéo theo các chi phí nguyên, nhiên liệu đầu vào, cước vận chuyển… đều tăng lên kéo theo giá thành sản phẩm đầu ra tăng lên. Nhưng điều DN phiền lòng là thị trường ế ẩm, hàng tồn kho cao thế nên DN đâu thể tăng giá thành đầu ra – ông Chính dẫn chứng.

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, khẳng định việc Bộ Tài chính đã bác đề xuất tăng giá xăng dầu của các DN đầu mối, đồng thời giảm thuế nhập khẩu 2% và xả Quỹ bình ổn đồng loạt từ 500 – 650 đồng/lít/kg với các loại mặt hàng xăng dầu hiện tại một tin tốt đối với người dân mà còn cả với các DN. Tuy nhiên, nếu theo giá thế giới, trong vài ngày tới rất có thể các DN đầu mối lại “xin” tăng tiếp với lý do tiếp tục lỗ khi giá xăng dầu thế giới tăng thì cũng khó mà bác bỏ khi quyền tăng giá đã giao cho DN.

Theo ông Phú, thời gian vừa qua, việc các mặt hàng điện, xăng dầu… dồn dập tăng giá dẫn đến một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu vẫn tăng giá khiến sức mua hạn chế. Hậu quả, tình trạng đình đốn sản xuất, hàng tồn kho tăng cao diễn ra ở hầu hết các DN. Theo đó, lượng hàng tồn kho của ngành phổ biến ở mức 20 – 40%, thậm chí có những ngành tồn kho tới 60% lượng hàng hóa.

Ông Phú cho rằng, để tránh tình trạng sức mua lại suy giảm tiếp, hàng tồn kho của các DN sản xuất tăng cao cần phải minh bạch hơn trong cách tính giá xăng dầu. Đặc biệt, với các mặt hàng điện, gas, xăng dầu… Nhà nước cần tạo cơ chế cho nhiều DN tham gia để tạo ra thị trường cạnh tranh.
 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Bảo Hân (Diễn đàn kinh tế Việt Nam)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN