Hàng hóa tăng giá, sức tiêu thụ giảm

Nếu 2 lần tăng giá xăng dầu trước (ngày 21.7 và 1.8), giá hàng hóa còn “cầm cự” không tăng nhiều theo, thì lần thứ 3 xăng tăng (ngày 13.8) như “giọt nước tràn ly” làm giá cả hàng hóa cũng “nhảy múa” theo.

Giá thực phẩm, cước vận tải tăng theo

Chỉ vài ngày sau khi xăng tăng giá 1.100 đồng/lít, giá cả ở các chợ đã tăng theo. Khảo sát của phóng viên tại chợ Phú Xuân (huyện Nhà Bè, TP.HCM) ngày 16.8, rau muống từ 5.000 đồng/kg trước đây đã tăng lên 7.000 đồng/kg, cải bó xôi 20.000 đồng/kg lên 25.000 đồng/kg, cá điêu hồng từ 30.000 đồng lên 40.000 – 42.000 đồng/kg, thịt ếch từ 50.000 đồng đã tăng thêm 10.000 đồng/kg.

Hàng hóa tăng giá, sức tiêu thụ giảm - 1

Giá rau củ quả tại các chợ ở Hà Nội đã tăng sau vài ngày điều chỉnh giá xăng dầu.

Tại chợ đầu mối Bình Điền (quận 8, TP.HCM), một số mặt hàng rau xanh đã tăng 1.000 – 2.000 đồng/kg. Riêng hải sản có mức tăng cao hơn như: Cá nục 26.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng/kg; cá thu 130.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg. Thịt heo cũng đã tăng từ 5.000 – 10.000 đồng/kg, thịt gà tăng từ 5.000 – 10.000 đồng/kg.

Theo các tiểu thương, dù phải giữ khách, không muốn bán tăng giá, nhưng giá xăng tăng, chi phí vận chuyển tăng nên giá cả hàng hóa cũng tăng theo. Dù các mặt hàng thực phẩm chỉ tăng 5-10% nhưng cũng ảnh hưởng rất lớn đến chi phí của gia đình, bởi thực phẩm tăng 1 thì giá các dịch vụ sẽ tăng 10” - chị Thanh Hương ở quận 7 lo lắng.

Siêu thị vẫn ổn định

Đại diện hệ thống các siêu thị Co.opMart, Big C cho biết đang nỗ lực giữ giá cả hàng hóa không tăng trong đợt xăng tăng giá này. Bởi cả hai hệ thống siêu thị này đang tham gia Tháng khuyến mãi lớn của TP.HCM, đã chuẩn bị nguồn hàng dồi dào từ 3 - 4 tháng trước nên giá cả sẽ ổn định cho đến hết tháng 9.2012. “Nhưng qua tháng 10, nếu Nhà nước không có chính sách điều chỉnh hợp lý, doanh nghiệp không cầm cự nổi nữa phải tăng giá thì siêu thị cũng không thể kìm giá được” – ông Nguyễn Thành Nhân - Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op nói.

Tại thị trường Hà Nội, cùng với áp lực của tăng giá xăng dầu, thời tiết lại lại vào đợt mưa bão nên giá thực phẩm đồng loạt tăng mạnh hơn so với cuối tháng 7. Không chỉ các chợ lớn, chợ trung tâm tăng giá mà ngay cả các chợ dân sinh nằm trong các khu dân cư cũng tăng giá rõ rệt.

Tại chợ Giảng Võ (Ba Đình), mặt bằng chung của thịt lợn ở gần 10 quầy bán đều có mức 105.000 đồng/kg, tăng thêm 15.000 đồng/kg, thịt bò giá vốn đã cao nay lại tăng thêm 5.000 – 10.000 đồng/kg. Đặc biệt, trong hai ngày 16 và 17.8, giá rau tại nhiều chợ tăng rõ rệt. Tại chợ Cống Vị, rau muống 10.000 đồng/mớ (tăng 2.000 đồng), rau ngót 5.000 đồng/mớ, rau đay, mùng tơi trước 3.000 đồng nay 5.000 đồng/mớ…

Sau ngành thực phẩm, vận tải cũng đang “xúc tiến” tăng giá, bởi đối với ngành này chi phí xăng dầu chiếm đến 50%. Theo đại diện 2 hãng taxi lớn là Vinasun và Mai Linh, họ đã tính phương án tăng giá cước khoảng 500 - 800 đồng/km và việc điều chỉnh sẽ thực hiện trong vài ngày tới (do còn phải thông báo cơ quan quản lý điều chỉnh đồng hồ).

Các dịch vụ đưa rước công nhân, học sinh cũng “rục rịch” tăng giá. Ông Nguyễn Thanh Tú (huyện Nhà Bè, TP.HCM), cho biết đợt tăng giá xăng hôm 13.8 quá nhiều, khiến gia đình ông khó khăn về tài chính, buộc phải tăng phí đưa rước thêm 30.000 – 50.000 đồng/học sinh/tháng (trước là 350.000 đồng/học sinh/tháng).

Sản xuất càng thêm khó

Đối với những người đi biển, xăng dầu tăng 1.000 đồng/lít đồng nghĩa với việc chi phí một chuyến đi biển tăng thêm ít nhất 30 triệu đồng. Ông Bảy Ty -ngư dân ở thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết sau 3 đợt tăng giá dầu tăng hơn 1.500 đồng/lít, nhiều ngư dân “chùn bước” không dám đi biển vì tiền bán cá không đủ chi phí.

“Giá bán sản phẩm giảm trong khi chi phí tăng đến 45 triệu đồng/chuyến do giá dầu tăng, thực sự làm khó ngư dân” – ông lo lắng. Cùng cảnh ngộ, ngư dân Sáu Hồng (xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, Bà Rịa – Vũng Tàu), mấy ngày nay cũng đứng ngồi không yên. “Năm ngoái, mực khô có giá 330.000 đồng/kg, năm nay giảm còn 300.000 đồng/kg. Giờ đi biển không khéo là lỗ nhưng không đi biết lấy gì mà ăn” – ông Sáu Hồng than thở.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhận định: “Tăng giá xăng đợt này khá cao, sẽ buộc phí vận tải tăng và khi đó sẽ tác động trực tiếp và ngay lập tức đến giá cả hàng hóa. Điều này có thể sẽ đi ngược lại kết quả duy trì kiềm chế lạm phát”.

Yêu cầu các địa phương kiểm soát giá

Sau khi giá xăng dầu tăng 3 lần liên tiếp, ngày 17.8, Bộ Tài chính có văn bản yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm soát giá, tránh tình trạng “tát nước theo mưa”. Trọng tâm được đặt vào các doanh nghiệp vận tải khi Bộ Tài chính đề nghị cơ quan quản lý tại địa phương hướng dẫn, kiểm soát các phương án giá của các đơn vị này theo đúng quy định. Các địa phương cũng cần cùng doanh nghiệp rà soát tính toán chi phí sản xuất để xây dựng giá bán hàng hóa, dịch vụ hợp lý, phù hợp với mặt bằng giá thị trường.

Phương Hà

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Minh – Hồ Hương (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN