Làm thế nào để mua được phân bón thật?

Làm thế nào để mua được phân bón thật, chất lượng xứng với đồng tiền mình bỏ ra trong “mê hồn trận” phân bón giả tràn lan? Đây là chủ đề của cuộc tọa đàm trực tuyến diễn ra tại Hà Nội hôm qua (2.10) do Bộ Công Thương tổ chức.

Rẻ nên giả?

Ông Đặng Thanh Nhàn, ở thôn 2, xã Trường Xuân, huyện Đăk Song, tỉnh Đăk Nông kể: “Ngày 25.5.2013, tôi cùng gia đình đã đến đại lý phân bón Thư Thủy ở huyện Đăk Song, tỉnh Đăk Nông để mua 3 tấn phân của Công ty CP Vật tư tổng hợp và Phân bón hóa sinh ở huyện Củ Chi, TP.Hồ Chí Minh để bón phân cho 3ha cà phê (thời điểm đó trái non cà phê đang phát triển). 

Tuy nhiên, sau khi bón phân thì diện tích cà phê không xanh tốt mà héo rũ, lá và trái non rụng nhiều còn lượng phân đã bón thì không tan (dù đã có mưa) và đóng rêu xanh. Nông dân chúng tôi không thể phân biệt đâu là phân giả, đâu là phân thật”. 

Làm thế nào để mua được phân bón thật? - 1

Nông dân không nên quá ham các loại phân bón quá rẻ (ảnh minh họa).

Ông Đỗ Thanh Lam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cũng nêu một con số, chỉ 9 tháng đầu năm nay, quản lý thị trường đã xử phạt tới 350 vụ sản xuất phân bón giả. Điển hình là vụ Công ty XNK Bắc Giang kinh doanh 150 tấn NPK kém chất lượng, hay vụ cửa hàng Mười Dầu ở Tiền Giang kinh doanh phân bón không có trong danh mục...

"Chọn mặt gửi vàng"...

Ông Hoàng Văn Tại-Tổng Giám đốc Công ty Phân lân Văn Điển cho hay, để "đấu" với phân giả, ngoài nhãn mác bao bì nhận dạng tiêu biểu, bên trong mỗi bao phân của công ty này đều có phiếu ghi đầy đủ tên người sản xuất, ca trưởng sản xuất, người kiểm tra chất lượng để nông dân có thể truy xuất nguồn gốc. 

Nông dân có thể chọn phân chất lượng cao bằng cách cộng tất cả các chỉ số dinh dưỡng ghi trên bao bì, loại nào có tổng số cao nhất là phân chất lượng nhất. 

Ông Tại khuyến cáo nông dân không nên ham phân bón giá rẻ, nếu khuyến mãi cao, giá rẻ thì cần cảnh giác. Nông dân cũng không nên mua phân vón, kết khối hoặc chảy nước bởi dù là hàng thật thì chất lượng cũng đã kém. Bà con cũng cần giữ lại vỏ bao phân đã dùng để so sánh thành phần dinh dưỡng khi mua phân mới. 

Ông Hà Huy San-Ủy viên Hội đồng quản trị Công ty Phân bón Ninh Bình cũng lưu ý rằng, làm giả mạnh nhất hiện nay là phân NPK. Thủ đoạn là lấy sản phẩm giả cho vào bao bì thật. Cụ thể phân Ninh Bình đã bị một đơn vị tại TP.HCM làm giả kiểu này đưa xuống Tây Nguyên tiêu thụ. Hoặc tại Đồng Nai, 144 tấn phân giả của phân Ninh Bình cũng bị thu giữ tại Lâm Đồng đã trộn 5 bột đá với 1 phân thật Ninh Bình để tiêu thụ". Ông Nguyễn Tiến Dũng-Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vật tư nông sản cho rằng, giá phân bón hiện phụ thuộc giá thành, phí bán hàng, lãi của DN nên nông dân khi mua phải "chọn mặt gửi vàng". Tên phân bón như nhau nhưng bà con cần xem kỹ thành phần dinh dưỡng để lựa chọn.

 "Nông dân bỏ tiền mua phân phải có giá trị sản phẩm tương xứng, đó là hàm lượng dinh dưỡng hiện hữu. Chỉ đơn cử phân urê 46% nitơ của ngoại chênh với giá sản phẩm cùng loại của nội tới 2 triệu đồng thì nông dân không nên "sính" ngoại mà sử dụng. Bởi sử dụng phân bón đúng cách, đúng hàm lượng dinh dưỡng, có giá phù hợp sẽ đem lại hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp"- ông Dũng khẳng định. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Hương (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN