Hàng Việt xuất sang Trung Quốc sắp bị kiểm soát chặt hơn

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Các cơ quan chức năng của Việt Nam đang gấp rút xây dựng kịch bản thích ứng cho nông sản xuất khẩu trước sự thay đổi của thị trường Trung Quốc.

Ngày 5-10, Bộ NN&PTNT tổ chức họp báo thường kỳ. Tại buổi họp báo, nhiều vấn đề nóng của ngành như nguy cơ thiếu thực phẩm vào cuối năm; từ ngày 1-1-2022, Trung Quốc áp dụng một số chính sách mới khắt khe hơn đối với các mặt hàng nông sản xuất khẩu từ Việt Nam... đã được lãnh đạo bộ giải đáp.

Lo thiếu thực phẩm những tháng cuối năm

Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết thời gian qua ngành chăn nuôi cực kỳ khó khăn do dịch COVID-19. Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, trung bình 16%-35% khiến người chăn nuôi chật vật. Tuy vậy, ngành vẫn duy trì 26,7 triệu con heo, 515 triệu con gia cầm; đàn gia súc cũng cơ bản duy trì quy mô, số lượng.

Trung Quốc là thị trường nhập nhiều vải thiều từ Việt Nam. Trong ảnh: Sơ chế vải thiều trước khi xuất khẩu. Ảnh: AH

Trung Quốc là thị trường nhập nhiều vải thiều từ Việt Nam. Trong ảnh: Sơ chế vải thiều trước khi xuất khẩu. Ảnh: AH

Đáng chú ý, trong bối cảnh dịch COVID-19, nhiều tỉnh, TP thực hiện giãn cách xã hội khiến nhu cầu thực phẩm giảm khoảng 30%, dẫn đến các sản phẩm vẫn ứ đọng trong chuồng. Giá các loại gà công nghiệp có thời điểm giảm còn 6.000-9.000 đồng/kg, hiện đã tăng ở mức 15.000-20.000 đồng/kg nhưng vẫn lỗ khi giá thành 28.000-30.000 đồng/kg. Giá thịt heo cũng chỉ dao động ở mức khoảng 45.000-50.000 đồng/kg nên người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, tiền vốn ứ đọng, thiếu hụt. Người dân dè dặt tái đàn.

“Chắc chắn sắp tới đây nếu ta không chủ động được nguồn thực phẩm thì sẽ gây ra tình trạng thiếu hụt cục bộ trong thời gian quý IV-2021, dịp tết Nguyên đán và những tháng đầu năm 2022” - ông Trọng cảnh báo.

Cũng theo lãnh đạo Cục Chăn nuôi, giải pháp lúc này là phải làm sao tiêu thụ được các sản phẩm chăn nuôi đang ứ đọng trong chuồng. Vừa qua, lãnh đạo Bộ NN&PTNT đã tổ chức các đoàn công tác đến các doanh nghiệp (DN), khuyến khích các DN chủ động tái đàn để có nguồn thực phẩm cho cuối năm. Đồng thời, đề nghị các tỉnh không giãn cách xã hội đẩy mạnh phát triển chăn nuôi để hỗ trợ cho các địa phương đang giãn cách xã hội; kiến nghị các bộ, ngành có chính sách giảm lãi suất, giãn nợ, khoanh nợ… để hỗ trợ bà con và các DN...

“Nếu chúng ta kiểm soát được dịch bệnh trên người và dịch bệnh trên gia súc, gia cầm thì sẽ chủ động được nguồn thực phẩm trong nước những tháng cuối năm và tết Nguyên đán” - ông Trọng nhận định.

Nông sản Việt vào thị trường Trung Quốc thêm khó khăn

Một thông tin đáng chú ý đối với nông sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc là tới đây, quốc gia này sẽ áp dụng một số chính sách mới khắt khe hơn đối với các mặt hàng nông sản xuất khẩu từ Việt Nam.

Cụ thể, vào ngày 14-4-2021, Tổng cục Hải quan Trung Quốc ban hành “Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu” (Lệnh 249) và “Quy định về đăng ký và quản lý DN sản xuất thực phẩm nhập khẩu nước ngoài” (Lệnh 248). Những lệnh này sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2022 tới đây.

Đề cập đến vấn đề này, ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam), cho biết: Những năm gần đây, thị trường Trung Quốc liên tục gia tăng các biện pháp về quản lý an toàn thực phẩm. Nay với việc ban hành hai lệnh mới 248 và 249 nói trên, Trung Quốc áp dụng với tất cả quốc gia khi nhập khẩu vào Trung Quốc, không riêng gì Việt Nam.

Theo ông Nam, ngay sau khi nhận được thông tin về hai lệnh mới này, Văn phòng SPS đã triển khai đến các đơn vị hỗ trợ kỹ thuật của Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế và Bộ Công Thương. Theo đó, ngày 21-9 vừa qua, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đã giao Văn phòng SPS phối hợp với các bộ, ngành triển khai các hướng dẫn thực thi lệnh này.

Đến ngày 28-9, Văn phòng SPS đã hoàn thiện dự thảo 20 trang liên quan đến năm nhóm thay đổi lớn theo lệnh trên. Trong đó bao gồm kiểm soát các DN nhập khẩu, kiểm soát các thủ tục về hồ sơ nhập khẩu, các quy định về đánh giá rủi ro khi tham gia nhập khẩu của các nước cũng như nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc. Hết hôm qua (5-10), Văn phòng SPS Việt Nam nhận được các ý kiến góp ý của các đơn vị liên quan, trên cơ sở đó sẽ tổng hợp và trình lãnh đạo bộ ban hành.

Thông tin thêm về các giải pháp tổng thể, dài hạn, ông Nam cho biết Văn phòng SPS Việt Nam đã chủ động trình lãnh đạo Bộ NN&PTNT, trình Thủ tướng về việc xây dựng đề án nâng cao năng lực thực thi các cam kết về SPS (các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch, động thực vật) khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Dự kiến cuối năm 2021, Bộ NN&PTNT sẽ trình Thủ tướng ban hành đề án này. Qua đó để các DN thích ứng được với sự thay đổi các biện pháp SPS của các thị trường, góp phần thúc đẩy xuất khẩu nông - lâm - thủy sản của Việt Nam.

Lãnh đạo Bộ NN&PTNT thông tin thêm cơ quan này đang đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, hàng rào kỹ thuật, mở cửa thị trường. Đơn cử như cập nhật danh sách các DN của Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu sản phẩm như cám gạo, tinh bột sắn, sắn khô. Kiến nghị với Trung Quốc sớm cho phép nhập khẩu trở lại các mặt hàng hoa quả tươi đã được phép xuất khẩu chính ngạch.

  Nông nghiệp tiếp tục thể hiện vai trò là “trụ đỡ” nền kinh tế

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết trong chín tháng đầu năm 2021, ngoài khó khăn rất lớn của dịch COVID-19 thì ngành nông nghiệp còn đối đầu với những khó khăn, thách thức riêng như dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, biến đổi khí hậu...

Tuy vậy, ngành đã đạt được kết quả rất đáng khích lệ, khẳng định vai trò là trụ đỡ của kinh tế - xã hội cả nước. Trong khi hầu hết các ngành, địa phương tăng trưởng âm thì nông nghiệp vẫn tăng trưởng dương.

Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, lũy kế chín tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng của ngành đạt 2,74% và đóng góp 23,52% vào mức tăng chung của toàn nền kinh tế. Đặc biệt, trong chín tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản ước đạt 35,5 tỉ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu ngành này khả năng đạt được mục tiêu 44 tỉ USD trong năm nay.

Nguồn: [Link nguồn]

Nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Australia tăng trưởng mạnh mẽ

Trong nửa đầu năm 2021, sản lượng hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào Australia đã ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ, tăng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo AN HIỀN ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN