Hàng Việt tìm cách chinh phục người Thái

Với người Thái quan trọng nhất là chất lượng chứ không đơn thuần thích hàng giá rẻ.

Hàng loạt mặt hàng của Việt Nam gần đây đã xâm nhập thị trường Thái Lan thông qua các đại gia Thái và doanh nghiệp (DN) Việt.

Đại gia Thái săn hàng Việt

Tập đoàn Thai Charoen Corporation (TCC) của Thái Lan vừa mua 100 tấn thanh long đầu tiên của Việt Nam để bán tại hệ thống siêu thị Big C Thái Lan. Trả lời báo chí trong chuyến thăm Việt Nam mới đây, ông Charoen Sirivadhanabhakdi, Chủ tịch Tập đoàn TCC, cho biết tiếp nối thành công của việc xuất khẩu 100 tấn thanh long của Việt Nam sang Thái Lan, tập đoàn đang tiếp tục hoàn thiện thủ tục để xuất khẩu nhiều mặt hàng khác có chất lượng của Việt Nam sang Thái và nhiều nước khác trong khu vực.

Trong đó có sản phẩm cam sành, khoai lang, chanh, vú sữa, hồng xiêm, bột gạo… Ngoài ra hoa Đà Lạt và các sản phẩm cá da trơn cũng là mặt hàng rất tiềm năng ở Thái Lan mà tập đoàn này đang tìm nhà cung cấp.

Hồi đầu tháng 7, Tập đoàn Central Group của Thái Lan cũng đã ký hợp đồng mua bàn, sofa, tủ tivi, ghế… từ Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Bình Phú (Bình Dương). Những đồ nội thất cao cấp này sẽ được cung cấp cho khách sạn sáu sao Park Hyatt tại Bangkok thuộc sở hữu của Central Group.

Đại diện Central Group cho hay họ quan tâm xây dựng hợp tác lâu dài giữa người mua và người bán, hỗ trợ cho các nhà cung ứng của Việt Nam và Thái Lan đầu tư để cùng thành công. “Sự kiện DN Việt cung cấp gỗ cho khách sạn sáu sao cho thấy các công ty Việt có thể cung cấp đồ nội thất với chất lượng không chỉ cho Thái Lan mà ra cả thế giới” - bà Jariya Chirathivat, đại diện Central Group, chia sẻ.

Hàng Việt tìm cách chinh phục người Thái - 1

Người tiêu dùng Thái tìm hiểu về cà phê, bánh kẹo… Việt tại Tuần lễ hàng Việt tổ chức tại Thái. Ảnh: BTC

Bí quyết chinh phục

Ông Nguyễn Công Kính, Giám đốc điều hành Công ty Xuất nhập khẩu Cao Thành Phát - công ty vừa ký hợp đồng cung cấp thanh long cho Thái Lan, cho biết Thái Lan là một trong những quốc gia đứng đầu về xuất khẩu nông sản. Do đó để sản phẩm Việt Nam thâm nhập thị trường này các công ty Việt phải nỗ lực rất lớn để đảm bảo chất lượng ngay từ đầu vào.

“Chẳng hạn, để đảm bảo chất lượng nông sản xuất khẩu, chúng tôi hợp tác với nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalG.A.P. Ngoài ra công ty còn có bộ phận kiểm định chất lượng thường xuyên khi làm việc với nông dân cũng như tại nhà máy để đảm bảo chất lượng sản phẩm đạt đúng tiêu chuẩn đã ký kết với Thái Lan” - ông Kính cho hay.

Tổng Giám đốc Công ty Gốm sứ Minh Long 1, ông Lý Huy Sáng, nhận định Thái Lan là thị trường rất tiềm năng. Ông Sáng nói: “Người Thái rất quan tâm đến chất lượng chứ không đơn thuần thích hàng giá rẻ. Mà chất lượng chính là tiêu chí hàng đầu trong sản xuất sản phẩm của chúng tôi. Hơn nữa do văn hóa ẩm thực Thái và Việt có nhiều điểm tương đồng nên một số dòng sản phẩm của công ty phù hợp thị trường này”.

Theo ông Sáng, một trong những cách để thâm nhập thị trường Thái là hợp tác với các nhà nhập khẩu của nước này để đưa hàng Việt sang. “Hiện chúng tôi đang thương lượng với Tập đoàn Central Group vì tập đoàn này sở hữu nhiều chuỗi bán lẻ, khách sạn, nhà hàng… Nhưng chúng tôi cũng phải tính toán và bằng nhiều giải pháp để giá thành sản phẩm không bị đội lên quá nhiều dẫn đến mất lợi thế cạnh tranh. Bởi ngay tại thị trường Thái Lan cũng có một số tập đoàn gốm sứ lớn như Royal Group” - ông Sáng chia sẻ.

Nói về việc muốn mở rộng thêm thị phần tại Thái Lan, ông Quách An, Trưởng phòng Kinh doanh Tân Huê Viên, cho hay hiện nay sản phẩm của công ty đã được đưa vào 32 hệ thống siêu thị Big C. Khi tham gia sự kiện Tuần lễ hàng Việt tại Thái Lan, công ty cũng đem sang một số sản phẩm như bánh pía nhân sầu riêng đậu xanh, mè đen, hạt sen với mẫu mã đẹp, đặc biệt là dòng bánh pía dành riêng cho người bị tiểu đường.

Ông An nói: “Chúng tôi nhận thấy Thái Lan là thị trường rộng lớn. Nhưng để chinh phục người Thái về chất lượng, sản phẩm của chúng tôi phải đạt chứng nhận GMO, HACCP… Tuy vậy điểm yếu của chúng tôi là mẫu mã bao bì mới có tiếng Anh, tiếng Việt và tiếng Hoa chứ chưa có tiếng Thái. Chúng tôi sẽ khắc phục điều này để nhiều người Thái biết đến sản phẩm của mình”.

Kim ngạch thương mại Việt Nam-Thái Lan tăng nhanh

Theo Bộ Công Thương, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam-Thái Lan có những bước tiến lớn và nhanh chóng. Giá trị thương mại hai chiều đã tăng 40% trong giai đoạn 2011-2015, trong đó năm 2015 giá trị đạt 11 tỉ USD. Thái Lan hiện là một trong ba đối tác lớn nhất của Việt Nam tại ASEAN. Tuy nhiên, Việt Nam nhập từ  Thái Lan trên 8 tỉ USD, trong khi xuất khẩu mới chỉ đạt 3 tỉ USD, nghĩa là nhập siêu khoảng 5 tỉ USD.

Phở, bánh pía… Việt mời gọi người Thái

Từ ngày 10-7, Tập đoàn Central Group của Thái Lan cùng Bộ Công Thương Việt Nam lần đầu tiên tổ chức Tuần lễ hàng Việt Nam tại Thái Lan nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm Việt Nam. Các DN Việt đã mang đến hội chợ hàng trăm sản phẩm đặc trưng mang thương hiệu Việt như gốm sứ Minh Long 1, kẹo dừa Bến Tre, bia Sài Gòn, đèn Điện Quang, bánh pía Sóc Trăng… Ngoài ra còn có nhiều mặt hàng may mặc, trà, cà phê, phở và các loại trái cây tươi của Việt Nam. Những mặt hàng này đã tạo được sự chú ý đối với người Thái.

Người Thái thích hoa Đà Lạt

Ông Trần Hồng Minh Nhật, đại diện Công ty Dalat Hasfarm, thông tin Thái Lan là thị trường hoa lớn của công ty. Sản lượng hoa của công ty xuất khẩu sang Thái mỗi năm tăng 10%-15%, trong đó có năm xuất khẩu 350.000 cành hoa thủy tiên, ly ly, cát tường…

“Để chinh phục thị trường Thái nói riêng và thị trường khác nói chung, chúng tôi đã trồng hoa theo công nghệ cao, không sử dụng thuốc trừ sâu để tránh hóa chất độc hại… Chúng tôi cũng sẵn sàng hợp tác với các đối tác từ Thái Lan để xuất khẩu nhiều hơn sang thị trường này” - ông Nhật nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tú Uyên (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN