Hà Tĩnh: Dân điêu đứng vì lạc giống không nảy mầm

Sự kiện: Kinh Doanh

Hiện nay, trên địa bàn huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) xuất hiện nhiều cơ sở bán lạc giống không rõ nguồn gốc xuất xứ. Điều đáng nói là loại giống này có tỷ lệ nảy mầm rất thấp, chỉ đạt khoảng 50%.

Lạc giống không rõ nguồn gốc, kém chất lượng.

Bước vào mùa vụ, nhiều hộ dân tại các xã Xuân Yên, Xuân Thành, Xuân Mỹ, Xuân Viên, tự chuẩn bị lạc giống cho mình. Họ mua từ các cơ sở bán lạc trên địa bàn xã nhà. Tuy nhiên giống lạc này có tỷ lệ nảy mầm rất thấp, khiến người dân không khỏi lo lắng.

Hà Tĩnh: Dân điêu đứng vì lạc giống không nảy mầm - 1

Lạc giống ông Th, xóm Thành Tiến, xã Xuân Thành mua tại cơ sở Nhung Hiệu chỉ nảy mầm khoảng 50%. Trước đây mua 45kg vẫn thừa, nay phải mua tất cả 57kg mới đủ.

Trao đổi với PV, ông Trần H, xóm Thành Tiến, xã Xuân Thành chia sẻ: “Tôi mua 60kg từ cơ sở bán lạc giống Nhung Hiệu, với giá 34 ngàn đồng, thế nhưng tỷ lệ nảy mầm được khoảng 50%. Bây giờ phải mua thêm 35kg lạc giống Bắc Giang L14 nữa mới đủ”.

Cũng tại xóm Thành Tiến, ông Nguyễn Th, 65 tuổi, mua lạc giống tại cơ sở này, nhưng lạc nảy mầm không đều nên phải mua thêm để dắm.

Bà H, vợ ông Th. cho biết, lúc mới lấy về ủ thử thì 10 hạt lên 9, nhưng giờ xay ủ chỉ được 50%. Lạc không nảy mầm nên phải cho gà ăn. Trước đây mua 45kg cả dắm vẫn thừa, nay phải mua tất cả 60kg mới đủ.

Cùng chung cảnh ngộ nói trên là anh Nguyễn Văn Ch, thôn Cát Thủy, xã Xuân Viên. Để triển khai mùa vụ, anh đã mua hơn 2 tạ lạc giống tại cở sở Phương Nam, thôn Xuân Áng, xã Xuân Viên với giá 34 ngàn. Tỷ lệ nảy mầm là 60%. Hiện tại anh phải mua thêm hơn 1 tạ nữa mới đủ giống.

Một người dân thôn Vinh Mỹ, xã Xuân Mỹ cho biết, mua lạc giống tại cơ sở Nga Oanh có giá 34 ngàn, đến khi không nảy mầm đem đổi thì họ chỉ tính lạc ăn giá 22 ngàn.

Như vậy, việc mua lạc giống trôi nổi, tưởng mua được lạc giá rẻ, ai dè chất lượng nảy mầm thấp nên phải mua thêm thành ra lại đắt hơn rất nhiều.

"Yêu cầu những cơ sở cung cấp giống thu hồi lại"

Theo người dân cho biết, mỗi xã có ít nhất 5 đến 6 cơ sở bán lạc giống phục vụ công tác gieo trồng. Điều đáng nói là tất cả các cơ sở này đều không có giấy phép kinh doanh và bán giống lạc không rõ nguồn gốc. Chỉ sau khi người dân phản ánh về tỷ lệ nảy mầm thấp, họ mới nhập về giống Lạc Bắc Giang L14.

Hà Tĩnh: Dân điêu đứng vì lạc giống không nảy mầm - 2

Nhiều hộ dân điêu đứng vì mua phải giống lạc trôi nổi, không rõ nguồn gốc nên phải mua thêm lạc giống Bắc Giang L14 để bổ sung.

Trao đổi với PV, anh Hiệu - cở sở bán lạc giống Nhung Hiệu, thôn Thành Yên, xã Xuân Thành, xác nhận có sự việc lạc nảy mầm tỷ lệ thấp, chỉ đạt khoảng 50%.

“Từ trước giờ đi buôn, ngày lấy dăm ba tạ nên không có giấy tờ gì cả. Thấy lạc đẹp nên lấy về bán thôi. Khi giao cho người dân, chúng tôi yêu cầu họ thử, nếu không lên thì phải đưa trả lại để chúng tôi trả cho bên bán. Giờ để quá thời hạn, lại bị ẩm mốc nên họ không cho tôi trả nữa nên tôi cũng không thể nhận lại của người dân được”.

Tìm đến cơ sở lạc giống Nga Oanh, thôn Vinh Mỹ, xã Xuân Mỹ, bà Hà Thị Nga xác nhận có lấy 16 tấn lạc giống về bán nhưng không có giấy tờ gì cả.

Bà Nga cho biết: “Khi bán, bà đã nhắc nhở người dân phải phơi lại và bảo quản cẩn thận, trong vòng 15 ngày nếu ươm thử mà lạc không nảy mầm thì đưa đến trả, nhưng đã gần hai tháng nay không người dân nào trả lại cả”.

Cũng theo bà Nga, nguyên nhân lạc không nảy mầm là do người dân bảo quản không tốt, không phơi phong thật khô, để ẩm mốc, nên mới bị. Có trường hợp hai mẹ con mua chung một bì, người mẹ bảo quản được tốt nên nảy mầm 80%, người con về không phơi nên chỉ lên được 50%. Hiện tại còn 5 tấn bà Nga không bán nữa mà dùng để xay lạc ăn.

Một điểm giống nhau là giống lạc có tỷ lệ nảy mầm thấp này, đều được các cơ sở mua từ thành phố Vinh, Nghệ An nhưng không cho biết địa chỉ. Loại này trên vỏ bao không hề có nhãn mác hay nguồn gốc xuất xứ.

Hà Tĩnh: Dân điêu đứng vì lạc giống không nảy mầm - 3

Bà Hà Thị Nga, thôn Vinh Mỹ, xã Xuân Mỹ bên đống lạc gần 5 tấn nhập từ Trung Quốc. Hiện số lạc này bà không bán nữa mà dùng để xay lạc ăn.

Trao đổi với PV, ông Trần Văn Trình, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Nghi Xuân cho biết: “Chúng tôi đã nắm được sự việc và yêu cầu những cơ sở cung cấp giống thu hồi lại. Đồng thời đổi giống khác cho nhân dân sản xuất”.

Cũng theo ông Trình, một số cơ sở không nhận lại lạc giống là do lỗi ở người dân. Họ yêu cầu trong thời hạn nhất định, nếu lạc không nảy mầm thì trả lại, tuy nhiên không ai trả lại cả. Mãi sau này mới trả thì họ không nhận lại nữa.

Nói về giải pháp nhằm hạn chế tình trạng lạc giống trôi nổi tràn lan, không có giấy phép kinh doanh, thiếu sự kiểm soát chặt chẽ, vị trưởng phòng chia sẻ: “Những hộ nào mua từ các dịch vụ do địa phương tổ chức thì chúng tôi yêu cầu các đơn vị đó ký hợp đồng chặt chẽ. Nếu bên nào vi phạm sẽ phải bồi thường theo quy định. Còn những hộ tự mua ở ngoài, không tin tưởng Nhà nước thì họ phải tự chịu thôi. Bởi sản phẩm đó không qua kiểm nghiệm, không được chứng nhận nên không phải là giống”.

“Còn họ lừa dân là giống thì cơ quan công an mới có quyền điều tra, phòng Nông nghiệp chỉ quản lý về mặt nhà nước thôi. Nếu dân cảm thấy thua thiệt thì làm đơn tố cáo để chúng tôi tham mưu với huyện để chỉ đạo công an vào cuộc xử lý”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trần Hoàn - Đặng Sơn (Infonet)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN