Gian nan đi tìm "lợn sạch": Thiếu lò mổ trầm trọng

Sự kiện: Kinh Doanh

Thị trường sẽ quyết định việc sản xuất, nhưng nhìn lại chuỗi từ sản xuất, giết mổ đến tiêu thụ, hiện nay cả nước chỉ mới chăm chú khâu chăn nuôi; còn khâu giết mổ và tiêu thụ vẫn còn nhiều bất cập.

Khi tiêu thụ lợn đang chững lại, thậm chí có dấu hiệu tăng đàn, vấn đề lò mổ không đạt chuẩn tiếp tục được nhắc đến như một điểm yếu của ngành chăn nuôi khiến cho việc tạm trữ gặp khó.

Theo Cục Thú y, cả nước có 878 cơ sở giết mổ tập trung nhưng chỉ có 8 cơ sở giết mổ để xuất khẩu. Đến giữa năm 2017, cả nước có hơn 27.000 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, trong đó hơn 22.200 cơ sở giết mổ lợn. Quy hoạch giết mổ chỉ mới dừng lại ở việc tập trung các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. 

Gian nan đi tìm "lợn sạch": Thiếu lò mổ trầm trọng - 1

Nhiều chuyên gia cho rằng thịt heo mảnh từ các lò mổ đưa về các chợ đầu mối khó đảm bảo yêu cầu an toàn  thực phẩm vì thời gian lưu giữ kéo dài.  Ảnh: N.V

Lò mổ công nghiệp còn xa

Đến cuối năm 2017, TP.HCM sẽ chấm dứt các lò giết mổ thủ công, đồng thời đưa vào hoạt động các máy tập trung, hiện đại. Kế hoạch này được lập ra đã nhiều năm nhưng đến nay nhiều dự án vẫn bí lối ra do vướng quá nhiều thủ tục.

Đây không phải lần đầu TP.HCM đưa ra "tối hậu thư" chấm dứt giết mổ thủ công. Lần thứ nhất là năm 2005 với kế hoạch tập trung và kiểm soát giết mổ. Lần thứ 2, từ 2011, thành phố ban hành phương án tập trung 5 cơ sở giết mổ công nghiệp. Lộ trình đến 2015 sẽ thay thế toàn bộ các cơ sở giết mổ thủ công. Do lắm thủ tục, nhiều chủ đầu tư không kịp triển khai.

Năm 2016, thành phố tiếp tục ban hành phương án quy hoạch giết mổ đến 2020 theo Quyết định số 2032, trong đó tổ chức 8 cơ sở giết mổ (gồm 6 ở huyện Củ Chi và 2 ở huyện Hóc Môn).

Để có được giấy phép đầu tư lò mổ, các chủ đầu tư phải trải qua rất nhiều thủ tục hành chính. “Chúng tôi cũng đã rút kinh nghiệm, lấy ý kiến các sở ngành liên quan để hệ thống lại, rồi góp ý lần nữa nhưng triển khai vẫn còn trục trặc. Đặc biệt là áp vào luật đầu tư công lại có những phát sinh mới” - ông Nguyễn Phước Trung - Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM cho biết.

Theo ông Huỳnh Tấn Phát- Chi cục phó Chi cục Thú y TP.HCM, hiện thành phố có trên 100 kho lạnh (gồm cả thủy sản, trái cây, thịt), công suất có thể lên hàng trăm ngàn tấn… Nhưng để giết mổ, cấp đông thì vẫn chưa có cơ sở nào đạt chuẩn. Đây là vấn đề phải đặt ra để có định hướng trong thời gian sắp tới.

Có một thực trạng với các cơ sở giết mổ lợn, hiện chỉ dừng lại ở khâu tập trung để giết mổ. Nhiều cơ sở dù đánh giá theo Thông tư 45 đã đạt loại A, B nhưng thực ra vẫn chưa đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP).

Khó cho doanh nghiệp

Ông Nguyễn Trường Giang - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai cũng cho biết, ngoài các công ty có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã có chuỗi hoàn chỉnh, việc liên kết ở trạng trại, nông hộ ở tỉnh này vẫn chưa được chặt chẽ. Việc hạch toán kinh tế còn độc lập các khâu từ chăn nuôi, thức ăn, giết mổ đều riêng rẽ. Ngay tại một số công ty FDI cũng chỉ mới làm tốt khâu chăn nuôi chứ chưa tham gia nhiều khâu giết mổ. 

Một lãnh đạo của Tập đoàn Dabaco cho biết, hàng năm công ty này cung cấp ra thị trường 50.000 lợn hậu bị; 1,5 triệu con giống và thường xuyên duy trì 120.000 con tại các tỉnh phía Bắc. Nhưng lợn nuôi gia công khi xuất chuồng, chỉ một phần được đưa về nhà máy chế biến, còn phần lớn người dân vẫn bán tự do cho nhu cầu các lò mổ tư nhân hoặc xuất bán tiểu ngạch sang Trung Quốc vì tập đoàn… chưa có nhà máy giết mổ lợn.

Theo ông Phát, thực tế hiện nay, việc triển khai quy hoạch giết mổ còn nhiều khó khăn. Đối với các dự án xây dựng cơ sở giết mổ, kinh phí đầu tư khá lớn, có thể lên đến 300 tỷ đồng từ cơ sở hạ tầng đến máy móc.

Cụ thể như Nghị định 210 năm 2013, ngoài bộ thủ tục hành chính để giải quyết và tiếp cận nguồn vốn rồi chứng minh các thủ tục triển khai dự án rất nhiều nhiêu khê, phải mất ít nhất từ 6 – 8 tháng mới hoàn chỉnh hồ sơ. Dù đã triển khai nhiều năm, TP.HCM hiện chỉ có một doanh nghiệp tiếp cận được phần giải ngân nguồn vốn từ nghị định này.

Hiện nay chủ cơ sở giết mổ chỉ là những người tự bỏ vốn để xây dựng theo các tiêu chí. Việc đưa vào giết mổ đa số là gia công. “Các hộ giết mổ gia công rồi trả tiền theo đầu con hoặc trả tiền thuê theo dây chuyền, theo giờ. Hình thức này cũng là một hạn chế vì chưa phát huy được vai trò chủ cơ sở trong việc định hình các chuỗi” - ông Phát chia sẻ.

Ông Võ Trọng Thành - Cán bộ Dự án chuỗi chăn nuôi quốc tế VIP Hà Nội, đề nghị nên sửa đổi, bổ sung Nghị định 210/2013/NĐ-CP đối với hỗ trợ đầu tư cơ sở giết mổ phù hợp với điều kiện của địa phương. Từ đó, mỗi địa phương căn cứ tình hình mà ban hành cơ chế, chính sách phù hợp khi triển khai quy hoạch giết mổ, huy động vốn, nâng cấp điều kiện và khuyến khích thực hiện giết mổ tại cơ sở giết mổ đảm bảo ATTP.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyên Vỹ (Dân Việt)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN