Giá lúa tăng, nông dân tiếc nuối

Trong thời gian mua tạm trữ, giá lúa chỉ tăng nhẹ. Nhưng sau thời gian này, giá lúa tăng cao là lúc nông dân không còn lúa để bán.

Ông Nguyễn Văn Hồng, thương lái đang thu mua lúa tại các tỉnh ĐBSCL, cho biết: “Trong tuần qua giá lúa tăng mạnh. Hiện lúa tươi tại huyện Hòn Đất (Kiên Giang) và An Giang được thương lái thu mua với giá cao nhất, khoảng 5.200 đồng/kg do lúa đẹp và thuận lợi vận chuyển”.

“Điệp khúc” cũ

Tại một số tỉnh, thành như Đồng Tháp, TP Cần Thơ... nông dân đã thu hoạch dứt điểm lúa hè thu, nay giá lúa tăng làm người trồng lúa tiếc nuối. Ông Lê Văn Lam (Út Lam), xã Tân Phước, huyện Tân Hồng- Đồng Tháp, cho biết với giá lúa tăng như hiện nay cũng chẳng giúp ích gì cho nông dân. Bởi thông thường, cứ sau mỗi vụ thu hoạch, phần lớn bà con phải bán hết lúa ngay tại ruộng để hạn chế chi phí phát sinh và để trả các khoản nợ như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hoặc vốn vay ngân hàng.

Trong khi đó, giá lúa vào thời điểm thu hoạch rộ chỉ từ 4.200-4.400 đồng/kg. Theo tính toán của ông Út Lam, với giá lúa như vậy, nếu năng suất lúa đạt dưới 5 tấn lúa/ha thì nông dân chắc chắn chịu lỗ. Thậm chí, ngay cả khi giá lúa tăng lên như hiện nay, nông dân vẫn không có lãi được bao nhiêu vì giá cả các loại vật tư nông nghiệp luôn tăng cao từ 17%-20%.

Giá lúa tăng, nông dân tiếc nuối - 1

Thu hoạch lúa hè thu ở ĐBSCL. Ảnh: NGỌC TRINH

Ông Dương Nghĩa Quốc, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp, cho biết: “Toàn tỉnh đã thu hoạch dứt điểm gần 199.000 ha lúa hè thu. Giá lúa hiện nay có chiều hướng tăng nhưng hầu hết nông dân không có lúa tạm trữ nên không được hưởng lợi gì”.

Ông Võ Thành Đô, Phó Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại Nông lâm thủy sản và Nghề muối, Bộ NN-PTNT, nhận xét: “Phương thức mua gạo tạm trữ do Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) điều hành, DN hầu như không mua trực tiếp từ nông dân mà chủ yếu mua qua thương lái. Đa số nông dân đều bán lúa trước thời điểm tạm trữ, dù giá lúa có tăng trong và sau khi mua tạm trữ thì nông dân cũng không được hưởng lợi”.

Bức bách kho tạm trữ

Trong vụ đông xuân vừa qua, Chính phủ cũng triển khai việc mua tạm trữ một triệu tấn quy gạo nhưng giá lúa chỉ nhích lên một ít, tăng không bao nhiêu. Và khi các DN thành viên VFA mua xong gạo tạm trữ thì giá lúa nhảy vọt lên, lúc này nông dân không còn lúa bán. Ông Quốc phân tích: “Việc thu mua tạm trữ cần phải có chiến lược từ đầu năm, chứ không phải đợi để từng vụ mới triển khai. Nếu cứ thực hiện theo đà này, DN là người hưởng lợi và nông dân ngày càng không mặn mà với kế hoạch mua tạm trữ”.

Một vấn đề đặt ra hiện nay là thiếu kho tạm trữ lúa gạo. Chương trình xây dựng hệ thống kho trữ 4 triệu tấn cho ĐBSCL triển khai từ cuối năm 2009 nhưng đến nay vẫn còn ì ạch do DN khó tiếp cận được nguồn vốn vay. Trước tình trạng bất cập trong việc thu mua, tạm trữ trong thời gian vừa qua, Bộ NN-PTNT đã đưa ra dự thảo “quy chế tạm trữ lúa gạo hỗ trợ trực tiếp cho nông dân”.

Theo dự thảo, các hình thức tạm trữ được đề xuất gồm: hộ nông dân tạm trữ tại nhà, tổ hợp tác, HTX; hộ nông dân tạm trữ lúa tại kho của DN có cánh đồng mẫu lớn; DN kinh doanh lúa gạo có hợp đồng mua lúa gạo trực tiếp với nông dân... Những hình thức này sẽ được hỗ trợ 100% lãi suất vay ngân hàng cho hộ nông dân, DN tạm trữ lúa gạo trong thời gian tối đa 3 tháng. Theo đó, sẽ hỗ trợ cho số lượng tạm trữ thấp nhất là 5 tấn lúa/hộ. Đối với DN thì tùy vào điều kiện, khả năng của DN và yêu cầu của địa phương.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc hỗ trợ đối với hộ sản xuất 5 tấn lúa là quá thấp vì họ không thể đầu tư kho chứa, máy sấy với số lượng nêu trên. Do vậy, nên tăng số lượng tạm trữ đối với từng nông hộ là từ 10-20 tấn. Về lâu dài nên định hướng đến phương án HTX, tổ hợp tác tạm trữ.

Liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân còn lỏng lẻo

Theo TS Nguyễn Phú Son (Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL), nông dân sản xuất lúa ra bán chủ yếu cho thương lái (chiếm 93%) và chỉ có 4,2% bán trực tiếp cho công ty xuất nhập khẩu. Những con số này cho thấy mối liên kết giữa DN và nông dân còn rất hạn chế, từ đó phân phối lợi nhuận cho người nông dân tham gia trong chuỗi lúa gạo thấp. Nông dân nhận 25,6% lợi nhuận/kg gạo, 39,2% tổng lợi nhuận và 22,3% tổng thu nhập trong toàn chuỗi.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ca Linh - Thốt Nốt (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN