Gas lập đỉnh mới, than tổ ong lên ngôi

Sau nhiều tháng liền liên tiếp lập đỉnh mới, sáng 1/10, giá gas lại tiếp tục leo thang. Với những người có thu nhập thấp ở Hà Nội, một trong những biện pháp khả thi nhất trong bối cảnh giá gas quá cao là dùng bếp than tổ ong

Nhu cầu tăng 50%

Phương Huyền, một sinh viên tại Hà Nội cho biết phòng trọ của bạn vừa chuyển sang dùng bếp than tổ ong thay cho bếp gas mini. Theo Huyền, tuy giá mỗi bình gas mini không tăng, vẫn ở mức 5.000 đồng/bình nhưng trọng lượng gas trong bình đã bị rút bớt khiến việc đun nấu rất tốn kém. Huyền tính, trước kia, khi gas chưa tăng giá, mỗi bình gas 5.000 đồng, phòng trọ 3 người nấu được khoảng 2 ngày nhưng từ mấy ngày nay, vẫn bình gas ấy chỉ nấu được 1 ngày đã hết, khi cầm bình gas lên cũng thấy nhẹ hơn trước.

Gas lập đỉnh mới, than tổ ong lên ngôi - 1

Nhiều người dân từ bỏ bếp gas, chuyển sang dùng bếp than tổ ong

Cũng như nhiều gia đình có thu nhập thấp khác tại Hà Nội, gia đình chị Hiền, phố Lê Thanh Nghị (Hai Bà Trưng) đang có ý định chyển sang dùng bếp than tổ ong thay gas. Theo tính toán của chị Hiền, nếu dùng gas, mỗi tháng, gia đình chị phải mất trên 400.000 đồng, trong khi chuyển sang bếp than tổ ong chị sẽ tiết kiệm được hơn nửa chi phí. Mỗi viên than 1kg, nếu mua nhiều thì giá chỉ 2.200 đồng/viên (mua lẻ là 2.500 đồng/viên). Một ngày, dùng “xả láng”, nhà chị Hiền cũng chỉ mất 2 viên, vị chi 4.400 đồng/ngày. “Tiền tiết kiệm từ việc đun nấu cũng mua được một hộp sữa cho con”, chị Hiền nói.

Anh Minh, chủ xưởng sản xuất than tổ ong tại xã Hải Bối, huyện Đông Anh (Hà Nội) cho biết, nhu cầu tiêu thụ than tổ ong trên thị trường gần đây tăng khoảng 50% so với vài tháng trước. Hiện tại, với 3 máy ép than vàv 4 công nhân sản xuất liên tục trong ngày, cơ sở của anh có thể sản xuất khoảng 3.000 viên than loại 3kg, chưa kể loại 1kg, 2kg với giá bán sỉ từ 1.800 – 3.500 đồng/viên. “Than ép ra khỏi máy là có người tới chở đi ngay vì ở đây sản xuất than theo công thức pha trộn 1% đất xay với 99% than cám được mua từ Quảng Ninh về. Sắp tới, xưởng của tôi sẽ tăng công suất nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường”, anh Minh cho biết.

Anh Hòa, chủ một cơ sở sản xuất than tổ ong khác ở Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, cơ sở của anh nhập than cám và đất xay nhuyễn từ Hải Phòng về để làm than chứ không trộn bùn. Với 1 máy ép và 5 nhân công sản xuất, phơi liên tục, mấy tháng gần đây cơ sở của anh đã tăng sản lượng thêm 700 viên mỗi ngày so với trước đây bởi nhu cầu trên thị trường tăng đột biến sau khi giá gas liên tục tăng.

Độc hại khôn lường

Nếu so sánh việc đầu tư ban đầu và chi phí sử dụng hàng ngày của 2 hình thức đun nấu bằng than tổ ong và gas thì dễ dàng nhận thấy dùng than tổ ong rẻ hơn rất nhiều. Đó chính là lý do vì sao khi gas vừa tăng giá thêm, nhiều người đã trở về với việc đun nấu bằng than truyền thống. Thế nhưng, có một điều mà hầu như ai cũng biết nhưng vẫn làm ngơ đó là sự độc hại của than tổ ong.

Theo các chuyên gia y tế, việc người dân đun bếp than tổ ong là rất độc hại, vì trong than tổ ong có khí độc CO2. Khi đốt, khí này được giải phóng, bay vào không khí làm cho bầu không khí bị ô nhiễm. Khi con người hít phải khí này sẽ gây cảm giác tức ngực, mệt mỏi vì nồng độ oxy trong máu giảm, nặng có thể bị suy hô hấp, thậm chí dẫn đến tử vong nếu như hít thở CO2 ở nồng độ quá cao. Chưa hết, khói than tổ ong còn là tác nhân gây nên bệnh ung thư phổi.

Khói than không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới người sử dụng bếp mà còn ảnh hưởng tới những người xung quanh. Những nhóm đối tượng chủ yếu sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề của khói than là người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người bệnh.

Theo các kết quả nghiên cứu, nếu phụ nữ mang thai thường xuyên phải sống trong môi trường bị ô nhiễm bởi khói than thì nguy cơ bị sẩy thai, thai bị biến dạng là rất cao, nhẹ thì thai phát triển kém.

Rõ ràng việc sử dụng than tổ ong thay thế gas giúp các gia đình tiết kiệm chi phí không nhỏ, nhưng than tổ ong lại rất độc hại. Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Hồng Côn (Khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội), nếu biết sử dụng than tổ ong đúng cách thì người dân vẫn có thể tiết kiệm mà không gây độc hại quá lớn cho sức khỏe. “Có thể hạn chế sự ảnh hưởng của khói than bằng cách đặt chỗ đun than cách xa nơi ở, đun ở chỗ thoáng, dùng tôn có thành cao quây khu vực nấu lại sao cho khói thoát ra chỗ xa”, ông Côn cho biết.

Sáng 1/10, giá bán lẻ gas ra thị trường tiếp tục được điều chỉnh tăng 1.333 đồng/kg (đã bao gồm VAT), tương đương 16.000 đồng/bình 12 kg. Với mức điều chỉnh mạnh trên, giá bán lẻ gas ra thị trường tăng lên mức 434.000 đồng/bình 12kg.

Trước đó, ngày 1/8, giá gas bán lẻ trong nước tăng đến 4.333 đồng/kg, tương đương 52.000 đồng/bình 12kg so với giá gas đầu tháng 7; Pacific gas tăng 51.000 đồng/bình 12 kg, bình 45 kg tăng 191.000 đồng. Như vậy, giá gas bán lẻ tối đa đến người tiêu dùng xoay quanh mức 366.000 đồng – 367.000 đồng/bình 12 kg các thương hiệu SP gas, MT gas, Pacific gas. Mức giá này xấp xỉ với cùng kỳ năm 2011. Đến đầu tháng 9, giá bán lẻ gas trong nước cũng đột ngột tăng thêm 51.000 đồng/bình 12kg, cũng với nguyên nhân giá nhập khẩu thế giới tăng cao.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Trà ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN