Đừng tăng thuế môi trường để chi việc khác

Sự kiện: Giá xăng

Bộ Tài chính cho rằng, thu thuế bảo vệ môi trường, nhưng nguồn này chi cho nhiều mục tiêu khác vì Luật Ngân sách nhà nước quy định. Đại diện bộ này cũng cho biết: Không có quy định nào nói thu thuế môi trường chỉ được chi cho môi trường. Tuy nhiên, các chuyên gia có ý kiến cần xem lại luật.

Thu nhiều, chi chẳng bao nhiêu

Trao đổi với PV Tiền Phong, TS Trần Du Lịch (nguyên Đại biểu Quốc hội) cho rằng, thuế môi trường phải phục vụ cho sự nghiệp bảo vệ môi trường. Không thể hòa chung thuế bảo vệ môi trường vào ngân sách nhà nước, xem đó là nguồn tăng thu rồi chi vào những nhiệm vụ khác ngoài bảo vệ môi trường. “Đặc biệt, không thể dùng tiền thuế môi trường để chi thường xuyên. Nếu luật quy định thuế bảo vệ môi trường là nguồn thu ngân sách và chi tùy ý thì cần xem lại. Nếu nói chi đầu tư vào những dự án gián tiếp bảo vệ môi trường cũng phải có danh mục cụ thể, không thể nói chung chung”, ông Lịch nói.

TS Ngô Trí Long cho rằng, câu chuyện thuế môi trường với xăng dầu phải nhìn nhận ở 3 khía cạnh: Mức thuế, mục đích thu, chi tiêu tiền thuế thu được. Theo đó, Bộ Tài chính dẫn quy định của Luật Ngân sách nhà nước (2015) và nói rằng, thuế môi trường thuộc khoản thu ngân sách và chi theo luật là chưa đúng nguyên tắc tài chính “chi tiêu phải đúng mục đích”. “Khi thu nói là để bảo vệ môi trường, nhưng thực tế chi trực tiếp cho môi trường chỉ phần nhỏ, còn lại nói chi gián tiếp góp phần bảo vệ môi trường. Tại sao chi trực tiếp ít và còn thiếu, Bộ Tài chính lại nói ưu tiên phần nhiều để chi gián tiếp bảo vệ môi trường?”, ông Long đặt nghi vấn.

Đừng tăng thuế môi trường để chi việc khác - 1

Thu thuế môi trường nhưng chi cho nhiều việc khác. Ảnh minh họa: Như Ý.

Dù chuyên gia này đồng tình thuế bảo vệ môi trường rất cần thiết, nhưng phải chi đúng mục đích. Ông dẫn thống kê của Bộ Tài chính, tổng thu thuế bảo vệ môi trường năm 2015 đạt 27.020 tỷ đồng nhưng chi trực tiếp cho môi trường chỉ 11.400 tỷ đồng; thu năm 2016 đạt 42.393 tỷ đồng chỉ chi 12.290 tỷ đồng. “Chi trực tiếp ít, nhưng số còn lại vẫn được dùng để chi hết và ngân sách hằng năm vẫn bội chi, điều đó khiến dư luận khó đồng tình. Như vậy, rõ ràng chi thuế môi trường vẫn chưa minh bạch”, ông Long nói. Ông dẫn kinh nghiệm các nước trên thế giới, nguồn thu thuế bảo vệ môi trường được Quốc hội kiểm soát chặt, để chi đúng, chi đủ cho bảo vệ môi trường. “Chẳng nhẽ các nước quy định thuế bảo vệ môi trường chỉ chi cho môi trường là sai”, ông Long đặt vấn đề.

Về lý do Bộ Tài chính vẫn muốn bám vào thuế bảo vệ môi trường để đảm bảo thu ngân sách, ông Long cho rằng, vì tên thuế môi trường chung chung, khái niệm rộng, dễ lập luận. Ngoài ra, đã có nhiều loại thuế tính vào giá xăng dầu, nếu thêm thuế mới sẽ gây phản ứng nhiều hơn. Trong khi nguồn thu từ xăng dầu vào ngân sách nhà nước rất quan trọng.

Trả lời báo chí trước đó, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho rằng, theo Luật Ngân sách nhà nước (2015), thuế môi trường là khoản thu vào ngân sách và chi theo luật. Trong phần chi, bao gồm cả chi đầu tư phát triển, chi bảo đảm xã hội… “Không có quy định nào nói thuế môi trường chỉ được chi cho sự nghiệp bảo vệ môi trường”, ông Thi nói.

Đẩy bất lợi về người tiêu dùng

Theo ông Phạm Đình Thi, Bộ Tài chính đề xuất tăng khung thuế bảo vệ môi trường với xăng lên 8.000 đồng/lít để phục vụ nhiều mục tiêu, như: Chủ động với diễn biến giá xăng dầu thế giới; Đảm bảo lợi ích quốc gia khi thuế nhập khẩu giảm; Cân bằng mức giá xăng dầu với các nước trong khu vực; Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường; Đảm bảo tài chính quốc gia an toàn, bền vững…

Nhưng theo TS Ngô Trí Long, mức khung tối đa 8.000 đồng/lít xăng quá cao và thiếu cơ sở, nên khó nhận đồng thuận. Các lý lẽ Bộ Tài chính đưa ra chỉ có lợi cho mình, cho ngân sách nhà nước, chưa có những tính toán tới tác động bất lợi với cộng đồng, doanh nghiệp ra sao. Ngoài ra, mức thuế môi trường được Bộ Tài chính tính theo số tiền cụ thể, thay vì theo tỷ lệ phần trăm (%) trên giá như các loại thuế khác cũng đẩy bất lợi về người tiêu dùng. Nếu tính thuế theo phần trăm, giá lên thuế lên, giá giảm thuế giảm, nhưng áp theo số tiền cụ thể giá có giảm người dân vẫn không được lợi, chỉ ngân sách lợi.

Theo chuyên gia này, không nên lấy thuế môi trường với xăng dầu để bịt “lỗ hổng” ngân sách. Vì xăng dầu đặc biệt quan trọng trong đời sống, sản xuất, an ninh quốc phòng. Nếu thu thuế cao với xăng dầu sẽ khiến năng lực cạnh tranh giảm, có thể đẩy giá tăng, hạn chế khả năng tiêu dùng của người dân… Những tác động đó gây khó cho doanh nghiệp và tác động ngược lại giảm nguồn thu ngân sách.

Việc Bộ Tài chính so sánh giá xăng dầu Việt Nam thấp hơn nhiều nước thế giới các chuyên gia trên cũng thấy chưa thuyết phục, khi chỉ so với các nước có thu nhập đầu người cao hơn Việt Nam. Ngay trong khu vực, có nhiều nước giá xăng dầu thấp hơn Việt Nam, như Indonesia, Malaysia, thậm chí cả Mỹ… nhưng không được Bộ Tài chính đưa ra so sánh.

Không theo thông lệ quốc tế

Theo TS Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, khi thu thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu nói riêng cũng như các loại thuế bảo vệ môi trường nói chung, điều quan trọng là phải minh bạch. Ở đây, đã gọi là thuế bảo vệ môi trường thì người dân cần biết, số tiền thuế ấy  được dùng để bảo vệ môi trường như thế nào, chi tiêu cho những công trình, hạng mục, nhiệm vụ cụ thể nào. Về ý kiến thuế bảo vệ môi trường không nhất thiết phải dùng để bảo vệ môi trường, TS Hoàng Dương Tùng cho rằng, điều này không giống với thông lệ quốc tế. 

Nguyễn Hoài

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Thanh (Tiền phong)
Giá xăng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN