Đừng quá tin máy kiểm tra thực phẩm!

Sự kiện: Thực phẩm bẩn

Trên thị trường xuất hiện nhiều máy được giới thiệu có khả năng phát hiện dư lượng nitrat có trong phân bón, thuốc kích thích tăng trưởng, hóa chất bảo quản trên rau củ quả, thịt, cá nhưng thực tế không được như vậy

Nỗi lo mua phải thực phẩm bẩn, độc hại của người tiêu dùng đã giúp hình thành thị trường cung cấp máy kiểm tra nhanh chất lượng thực phẩm với giá từ 4,5 triệu đến 6,5 triệu đồng/chiếc. Tuy nhiên, khả năng nhận biết mối nguy cơ và độ chính xác của những công cụ này lại khá hạn chế, đặc biệt là trên nhóm thực phẩm tươi sống.

Chỉ có thể đo được dư lượng nitrat

Theo anh T., chủ một cửa hàng thực phẩm sạch có chứng nhận quốc tế tại quận Phú Nhuận, TP HCM, không ít người tiêu dùng rất tin vào máy đo thực phẩm.

Đừng quá tin máy kiểm tra thực phẩm! - 1

Hai loại máy kiểm tra thực phẩm phổ biến trên thị trường Ảnh: Đình Thi

Anh T. phân tích: “Dân trong nghề hiểu rõ loại máy đang phổ biến chỉ đo được một chỉ tiêu là dư lượng nitrat (NO3). Trong khi đó, thực phẩm có tới 4 nhóm nguy cơ gồm: dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật, vi sinh vật, vật lý học (dập, nát, thối…) và phân bón. Phân bón không chỉ có đạm mà còn có lân, kali, hữu cơ, vi sinh… Dù vậy, theo yêu cầu của khách hàng, nhiều cửa hàng vẫn phải dùng máy này để kiểm tra chất lượng thực phẩm. Vừa rồi, tôi phải ngưng bán một lô hành tây vì không đạt chuẩn theo máy, trong khi nông sản này canh tác trong vườn hữu cơ và kết quả xét nghiệm từ phòng thí nghiệm là an toàn”.

Trên thị trường, hiện có rất nhiều nơi bán máy đo an toàn thực phẩm, máy kiểm tra độc tố thương hiệu Soeks do Nga sản xuất. Tuy nhiên, trên website của Công ty T.Đ, nhà phân phối độc quyền sản phẩm Soeks tại Việt Nam, các máy này chỉ đo dư lượng nitrat. Như vậy, giả sử kết quả kiểm tra nitrat của máy này chính xác thì sản phẩm vẫn có nguy cơ nhiễm thuốc bảo vệ thực vật hay vi sinh gây bệnh. Tuy nhiên, những người bán lẻ thường thổi phồng, đa năng hóa công dụng để bán được hàng.

Ngoài ra, thị trường còn có những kit thử nhanh hàn the, formol, độ ôi của dầu mỡ, độ sạch chén bát… Song, những kit này chủ yếu phục vụ cho các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp chứ chưa bán cho người tiêu dùng.

Kết quả trái ngược

Chị Phương Quyên (34 tuổi; nhân viên một ngân hàng tại quận 3, TP HCM) cho biết đã mua máy đo an toàn thực phẩm bởi cảm thấy bất an trước những thông tin thực phẩm bẩn tràn lan, như thịt heo dư chất tạo nạc, rau củ quả đầy rẫy chất trừ sâu, dư lượng phân bón…

Theo chị Quyên, tuy máy do nước ngoài sản xuất nhưng có phần mềm tiếng Việt, bảo hành 1 năm, bảo trì vĩnh viễn. “Sản phẩm được giới thiệu có khả năng phát hiện dư lượng nitrat, thuốc kích thích tăng trưởng, hóa chất bảo quản trên rau củ quả, thịt tươi. Sau khi đo, máy cho kết quả chính xác và có bảng so sánh ngưỡng của hơn 100 loại thực phẩm phổ biến… Dù không tin tưởng tuyệt đối nhưng từ khi có máy, gia đình tôi cũng cảm thấy an tâm với bữa cơm hơn” - chị Quyên bộc bạch.

Các loại máy trên thị trường hầu như chỉ kiểm tra được những thực phẩm mềm, có thể ghim thanh kim loại trên máy để đo, như chuối, nho, xoài, rau ăn lá… Trong khi đó, những loại thực phẩm có vỏ cứng như bí đỏ, khoai thì phải mua về cắt ra mới đo được. Hơn nữa, việc kiểm tra chỉ tiến hành sau khi mua hàng vì người bán không cho đo.

Bà Nguyễn Thị Lệ Thoa, Trưởng Phòng Quản lý an toàn thực phẩm - Chi cục Bảo vệ thực vật TP HCM, cho biết trước năm 2015, phòng có sử dụng công cụ kiểm tra nhanh do Thái Lan sản xuất để sàng lọc mẫu gửi đến phòng thí nghiệm. Hiện nay, phòng đã ngưng sử dụng do bộ thử chỉ phát hiện nhóm hóa chất bảo vệ thực vật gốc lân và carbamat, trong khi nông dân còn sử dụng nhóm thuốc trừ sâu họ cúc, thuốc bảo vệ thực vật gốc clo hữu cơ, phốt pho hữu cơ nên không bảo đảm.

Theo bà Thoa, quá trình sử dụng đã ghi nhận tình trạng phổ biến là kết quả kiểm tra nhanh không đạt nhưng đưa đến phòng thí nghiệm (đạt chuẩn) lại đạt hoặc ngược lại, cho thấy công cụ này không chính xác. Đối với rau quả, chi cục phải gửi mẫu đến phòng thí nghiệm (được chỉ định) kiểm tra đến hơn 170 chỉ tiêu. Chỉ cần một chỉ tiêu không đạt, chủ cơ sở sản xuất bị phạt hành chính theo quy định. Trong khi đó, các máy chỉ đo một chỉ tiêu thì làm sao bảo đảm thực phẩm an toàn.

Về chỉ tiêu đạm (nitrat), Việt Nam không có quy định ngưỡng an toàn. Đạm thì có vô cơ và hữu cơ, bản thân thịt, cá cũng có đạm nội sinh nên không thể tin tưởng vào sự đánh giá của các máy đang bán tràn lan trên thị trường.

Chỉ khử độc… bề mặt

Trên thị trường đang giới thiệu bộ sản phẩm “khử độc thực phẩm” bằng máy sục khí ozone có giá từ 2-5 triệu đồng và được quảng cáo có khả năng loại trừ kháng sinh, chất cấm trên thịt… đến hơn 99%. Tuy nhiên, theo TS Lê Thị Hồng Hảo, Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm, các loại máy này chủ yếu xử lý một số vi sinh trên bề mặt. Còn các loại kháng sinh, chất tạo nạc salbutamol, vàng ô… có tính bền cao, không phân hủy qua việc chế biến, máy gần như không có tác dụng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Ánh - Đình Thi (Người lao động)
Thực phẩm bẩn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN