Doanh nghiệp "ngạt thở" tìm đường sống

Nhiều nhà sản xuất nhỏ cho biết con đường duy nhất để họ tồn tại là vẫn tiếp tục đầu tư và phát triển sản phẩm mới. Họ lập luận rằng có tung ra sản phẩm mới thì mới bán được hàng, có doanh thu và tiếp tục “thế công”, “thế thủ” cầm cự trong bối cảnh kinh tế suy thoái.

Sáng tạo để tồn tại

TPHCM đã bước vào mùa mưa năm 2012. Trong khuôn viên rộng khoảng 200 mét vuông của cơ sở sản xuất đồ gỗ Trần Văn Hữu, ấp Phú Lợi, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, gỗ lũa (lõi) gốc cây và rễ của các loại gỗ quý thuộc nhóm 1 được chất thành nhiều đống cao cỡ hai ba mét để dãi nắng dầm mưa mà không cần tới mái che. Hôm Chủ nhật 13-5, tiếp nhóm khách hàng đến từ một tỉnh miền Trung, ông Hữu chủ cơ sở, chỉ tay về phía các đống gỗ lũa gốc cây không hề bị mục nát, hư hại dưới nắng mưa, cho biết chính nguồn nguyên liệu này đã giúp ông hết “ngạt thở” trong bối cảnh sức mua của thị trường giảm quá mạnh từ năm 2011 đến nay.

Năm ngoái, khi sức mua thị trường trong nước bắt đầu có dấu hiệu suy giảm, hàng hóa sản xuất ra bán không được, nhà phân phối ép giá, giá nguyên liệu gỗ đột nhiên tăng lên gấp đôi, ông Hữu đã nghĩ đến phương án sử dụng nguồn gỗ tận thu từ gốc và rễ cây để làm tượng, bình hoa, cũng như các đồ vật trang trí nội thất khác.

Do biết cách nương theo dáng, thế tự nhiên của gỗ lũa gốc cây cho nên khoảng một năm nay cơ sở sản xuất đồ gỗ Trần Văn Hữu đã liên tục làm ra những sản phẩm có một không hai, vừa tạo ra lợi thế cạnh tranh, vừa bán được hàng. Cũng theo ông Hữu, trong bối cảnh nhiều cửa hàng kinh doanh đồ gỗ đóng cửa vì ế ẩm thì sáu thầy trò ông không hề rảnh tay. “Khách hàng ở trong nước và nước ngoài như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản tìm đến chúng tôi chủ yếu từ sự giới thiệu truyền miệng nên cơ sở vẫn “sống khỏe” và cũng không có áp lực cạnh tranh gì hết.

Doanh nghiệp "ngạt thở" tìm đường sống - 1

Tìm hiểu các sản phẩm kết hợp giữa đồ gốm mạ kim loại, đồ gốm kết hợp với vỏ trai, vỏ trứng, gỗ... của Công ty An Đô, Gia Lâm, Hà Nội. Ảnh: UYÊN VIỄN

Công ty TNHH Điêu khắc Ngũ Hành Sơn, quận Tân Bình, đã hoạt động trong lĩnh vực này khoảng 20 năm cũng đang đứng trước nhiều sự lựa chọn. Những năm trước 2011 đơn vị này “sống khỏe” với nghề điêu khắc đá, tạc tượng thờ và tượng trang trí. Từ đầu năm 2012, họ kinh doanh thêm các loại nữ trang như vòng đeo tay, mặt dây chuyền, nhẫn làm từ bạc kết hợp với đá các loại. Giám đốc công ty, ông Lê Thiện Khiêm, cho rằng trong lúc thị trường tiêu thụ đang bị thu hẹp ở nhiều lĩnh vực, các doanh nghiệp nếu muốn tồn tại phải liên tục đầu tư phát triển sản phẩm mới, dùng mảng kinh doanh này để hỗ trợ mảng kia.

Vị giám đốc này còn cho biết thêm: trong lĩnh vực kinh doanh các sản phẩm trang trí được chế tác từ đá, hiện đã có tới 60% cửa hàng dẹp tiệm vì không tạo ra được lợi thế cạnh tranh, trong khi trình độ thẩm mỹ, sự am hiểu về các loại đá tự nhiên và đồ giả đá của người tiêu dùng đã được nâng lên rõ rệt.

“Nếu như Công ty SJC, PNJ đã và đang phát triển mạnh ngành công nghiệp nữ trang vàng, thì chúng tôi chọn thị trường ngách ứng dụng sản phẩm đá quý (ruby, sapphire), đá bán quý (thạch anh, gỗ hóa đá, mã não, caxidon...) kết hợp với bạc làm nhẫn, dây chuyền, vòng đeo tay... nhằm giúp người tiêu dùng đa dạng sự lựa chọn ở phân khúc trung bình. Lợi thế của Ngũ Hành Sơn là nhà sản xuất trực tiếp, làm thủ công, không tốn chi phí quảng cáo, giảm được nhiều khoản chi phí mà những đơn vị làm thương mại không hề có được”, ông Khiêm cho biết.

Tại Công ty cổ phần Vĩnh Cửu, quận 2, tình hình kinh doanh quí 1 gần như tê liệt, hàng tồn kho tăng gấp năm lần so với cùng kỳ năm 2011. Trong khi đó, thị trường xuất khẩu truyền thống là Nhật Bản và Thái Lan doanh số cũng giảm trầm trọng, chỉ đạt 30% so với cùng kỳ do vẫn còn bị ảnh hưởng của thiên tai động đất và lũ lụt năm 2011. Tuy nhiên, Công ty Vĩnh Cửu vẫn còn cầm cự được là nhờ vào thị trường xuất khẩu mới và thị trường ngách trong nước đã được khai thác từ sáu tháng cuối năm 2011.

Về thị trường xuất khẩu, Vĩnh Cửu đã tìm kiếm các khách hàng mới cũng tại Nhật Bản nhưng cách xa khu vực ảnh hưởng của sóng thần hoặc các khách hàng mới ở Chile, Ấn Độ, Úc, Phần Lan (các nước ít bị ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế châu Âu) và đặc biệt thâm nhập sâu vào thị trường Campuchia... Nhờ đó doanh số quí 1-2012 của Vĩnh Cửu vẫn tăng trưởng 22% so với cùng kỳ 2011. Mặt khác, bằng các giải pháp tiết giảm chi phí mà đơn vị này cũng tạm vượt qua khó khăn của quí 1.

Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất cùng cho rằng, con đường duy nhất để họ tồn tại là vẫn tiếp tục đầu tư và phát triển sản phẩm mới. Họ lập luận rằng có tung ra sản phẩm mới thì mới bán được hàng, có nguồn tiền lưu động và tiếp tục cầm cự trong tình hình suy thoái kinh tế.

Đột phá ý tưởng để tìm cơ may

Mặc dù biết rõ sản xuất kinh doanh năm nay khó lòng đạt được kết quả như kỳ vọng, thế nhưng Công ty Vĩnh Cửu vẫn tiếp tục nghiên cứu phát triển thêm 15 mẫu mã mới và sẽ lần lượt tung ra trong những tháng còn lại của năm 2012. Đó là những sản phẩm đá trang trí cảnh quan, gạch không nung.

Các doanh nghiệp sản xuất đồ trang trí nội thất, thủ công mỹ nghệ cũng đang đối diện với sự cạnh tranh mang tính sống còn nếu không chú trọng việc đầu tư thiết kế mẫu, sản xuất thêm nhiều mặt hàng mới và quan trọng hơn hết là không được tăng giá bán dù chi phí đầu vào liên tục leo thang.

Theo quan sát của ông Trần Việt Tiến, Giám đốc Công ty cổ phần Mỹ thuật Gia Long, quận Gò Vấp, xu thế của khách hàng hiện nay (các nhà phân phối ở trong nước và nước ngoài) là tìm đến các nhà sản xuất có thế mạnh về thiết kế để đặt hàng nhằm giảm chi phí tự thiết kế mẫu mã, sản phẩm có sự tương tác cùng với ý tưởng của nhà phân phối, đặc biệt là phù hợp với phân khúc khách hàng mà nhà phân phối đang nắm giữ.

Trong bối cảnh làm ăn khó khăn 2011-2012, rất nhiều người bị căng thẳng, mất niềm tin vào cuộc sống và có xu hướng tìm đến thiền để tĩnh tâm. Nắm bắt xu hướng đó, từ đầu quí 2 này, công ty đã tung ra dòng sản phẩm thiền với hy vọng giúp họ tìm lại sự quân bình, thiết kế được không gian an dưỡng tinh thần ngay trong gia đình bằng cách trang trí tranh hoặc tượng.

Là người sinh trưởng ở làng gốm Bát Tràng, Hà Nội, bà Vũ Thị Cẩm Tú, Giám đốc Công ty TNHH An Đô, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, cho biết đã có mấy chục hộ trong làng từng gắn bó với nghề làm gốm sứ đã phá sản, nghỉ lò. Nguyên nhân là hàng tồn kho quá lớn, sản phẩm quá nhàm chán với thị trường, không tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi dành cho các nhà sản xuất. Không đi vào lối mòn, từ năm ngoái đến nay An Đô đã liên tục tung ra các dòng sản phẩm kết hợp giữa đồ gốm và đồng, đồ gốm kết hợp với vỏ trai và trứng, đồ gốm mạ kim loại, gốm và gỗ tận dụng từ rễ, cành cây... Nhờ sáng kiến đó, mức độ phát triển của doanh nghiệp này tăng từ 20-30%/năm.

“Chúng tôi cảm nhận rằng mọi người ai cũng thích tích trữ tiền bạc ở trong nhà. Đối với các không gian như khách sạn, nhà hàng việc trang trí các đồ vật cao cấp, độc đáo và bắt mắt sẽ dễ thu hút sự chú ý của mọi người, hơn nữa lại phù hợp với phong thủy”, bà Tú nói về dòng sản phẩm cốt gốm mạ màu vàng, bạc vừa tung ra thị trường hồi tháng 4 rồi. Đây chính là một trong những sản phẩm mới, chủ lực của An Đô trong năm nay.

Đột phá ý tưởng trong việc thiết kế sản phẩm nhằm tìm được nhóm khách hàng mới là mục tiêu của nhiều doanh nghiệp. Tung ra sản phảm mới thôi vẫn chưa đủ, các nhà sản xuất còn chủ động đi tìm khách hàng, chấp nhận luôn những đơn hàng nhỏ. Không tăng giá bán trong năm 2012 cũng là một thử thách đối với các nhà sản xuất trong bối cảnh giá nhiên liệu, nguyên liệu biến động không ngừng. Đây được xem như “sức bền” mà mỗi nhà sản xuất nhỏ đang nỗ lực hết mình để tồn tại, chấp nhận phần lợi nhuận bị giảm sút.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Uyên Viễn ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN