Doanh nghiệp bán lẻ chới với khi hội nhập
Chính sách chưa đồng bộ nên các nhà sản xuất nội địa chưa được bảo vệ như ở các nước.
“Hiện nay sức mua trên thị trường đang giảm sâu. Các đại gia bán lẻ nước ngoài nhận thấy tiềm năng của thị trường Việt Nam rất lớn nên dù sức mua tạm lắng song họ vẫn tiếp cận thị trường Việt Nam. Áp lực làm sao để hàng hóa của Việt Nam có thể đứng vững trong các hệ thống phân phối là điều chúng tôi đang rất quan tâm”. Đó là ý kiến của bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp (DN) hàng Việt Nam chất lượng cao, tại hội thảo Những vấn đề cấp bách của thị trường bán lẻ và những kiến nghị tổ chức ngày 15-10.
DN nội lo lắng
Một số DN cho biết họ chưa được chuẩn bị gì khi Nhà nước ký các hiệp định thương mại. Thương vụ Metro Cash&Carry bán lại cho Tập đoàn Berli Jucker (Thái Lan) khiến các DN lo lắng. Mặc dù các tập đoàn bán lẻ nước ngoài đều cho biết là sẽ ưu tiên bán hàng Việt nhưng các DN đều lo ngại sẽ bị từ chối khi đưa hàng vào. Điều này hạn chế sự tiếp cận thị trường của DN Việt.
Ông Lý Thành Sinh, Giám đốc Công ty Minh Long Hưng, cho rằng bản thân các DN Việt chưa có định hướng xây dựng thương hiệu nên sẽ khó khăn khi hàng Thái Lan tràn vào thị trường. Mặt khác, hàng Thái được người Việt tin dùng nên hàng Việt khó cạnh tranh nổi.
Luật sư Lê Nết, Công ty luật LNT nhận định, các DN Việt thiếu vốn, công nghệ và kiến thức. Muốn có các yếu tố trên thì phải liên kết nhà đầu tư nước ngoài để cùng đi. Vì vậy DN không nên lo lắng khi nhiều nhà bán lẻ nước ngoài đổ bộ vào. “Nếu các nhà bán lẻ nước ngoài cam kết bán hàng Việt 50% hoặc nhiều hơn thì nên hoan nghênh. Quan trọng là họ cần cam kết bán hàng Việt Nam nhiều trong hệ thống của mình chứ Nhà nước không cần bảo hộ” - ông Nết nói.
DN bán lẻ nước ngoài đổ bộ, cạnh tranh với DN Việt gay gắt. Trong ảnh: Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao. Ảnh: TÚ UYÊN
Mở cửa nhưng phải hợp lý
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, hiện nay Nhà nước không có đường lui trong việc thu lại chính sách đã mở cửa thị trường nội địa cho DN đầu tư nước ngoài vào. Song cần xem cái nào hợp lý mới để cho họ làm. Chẳng hạn không nên cho mở tràn lan hệ thống cửa hàng tiện ích, bởi sức công phá của chuỗi cửa hàng này với thị trường nội địa lớn không kém gì so với các chuỗi siêu thị lớn.
Bà Hồ Đức Minh (Phó Chánh Văn phòng Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao) chia sẻ tại Nhật Bản, để bảo vệ nông dân và các DN nhỏ, nhà bán lẻ muốn đưa hàng vào các hệ thống phân phối chuyên nghiệp thì chính phủ đứng ra làm trung gian. Nhà nước sẽ điều chỉnh và đảm bảo chuỗi giá trị bán lẻ bằng cách lập ra các tổng kho và trung tâm phân phối chính. Hay tại Hàn Quốc, nhằm bảo vệ các nhà bán lẻ nhỏ, chính phủ ban hành lệnh cấm các chuỗi bán lẻ lớn mở thêm các cửa hàng mới ở các thủ phủ các tỉnh (với mức dân từ 300.000 trở xuống). Các chuỗi như Lotte Mart, E-Mart hay Homeplus sẽ không được phép mở mới cửa hàng ở 50 thành phố (trên tổng số 82 thành phố) trong cả nước. Thậm chí còn có thêm những điều khoản khác như cấm các chuỗi cửa hàng bán lẻ lớn không được mở cửa từ 23 giờ tới 8 giờ sáng hôm sau; đóng cửa hai ngày mỗi tháng để đảm bảo cơ hội bán hàng cho các nhà bán lẻ nhỏ hơn và duy trì hoạt động của các chợ truyền thống. Nếu DN vi phạm sẽ bị phạt tới 25.000 USD.
Bà Vũ Kim Hạnh cho biết sau khi tổng hợp ý kiến từ hội, các DN dẫn đầu… sẽ kiến nghị Nhà nước quan tâm và khẳng định vai trò của việc tiêu thụ hàng hóa trong chuỗi giá trị. Bởi khâu phân phối tốt thì sản xuất mới phát triển. Bên cạnh là việc nghiên cứu hoạt động xúc tiến thương mại của các nước ASEAN, có chính sách tích cực cho DN bán lẻ, xem có vận dụng cho nước mình được hay không để từ đó hỗ trợ thiết thực cho các DN nhỏ.
DN cần định vị tư duy toàn cầu DN phải định vị mình là toàn cầu, quản trị theo hệ thống, theo chuỗi. Vì vẫn còn tư duy là bán cho người tiêu dùng nội nên DN không quan tâm mẫu mã, chất lượng. Nếu chỉ phục vụ trong nước thì sản xuất theo chuẩn xuất khẩu làm gì. Bà HỒ ĐỨC MINH, Phó Chánh Văn phòng Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao Áp lực của sự hội nhập sẽ mở ra cơ hội kinh doanh mới và kết quả đón nhận thế nào là phụ thuộc vào sự cải cách nội lực của chúng ta. Ông NGUYỄN ĐÌNH CUNG, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Trung ương |