DN ngành xi măng và bài toán vị trí

Trong ngành xi măng, DN nào giải quyết tốt bài toán vị trí địa lý sẽ giành lợi thế cạnh tranh

Hệ quả tất yếu của việc phát triển nóng trong một thời gian dài là ngành xi măng đang lâm vào khủng hoảng thừa, nhiều DN thua lỗ, không tìm ra lối thoát. Lúc này, DN nào giải quyết tốt bài toán vị trí địa lý sẽ giành được lợi thế. Điều đó cũng lý giải một phần lý do vì sao mới đây, Xi măng Thăng Long đã lọt vào “tầm ngắm” của Tập đoàn Semen Glesik (Indonesia).

Chi phí vận chuyển lớn là lý do các DN xuất khẩu xi măng khó có lãi. Chính vì thế, các nhà máy xi măng hầu như đều chọn đóng tại các vị trí gần cảng biển, để tiện cho việc vận chuyển, ngoại trừ xi măng VICEM Hà Tiên và Hoàng Mai xuất khẩu qua đường bộ. Trong ngành xi măng, đơn vị đang ung dung trong khó khăn phải kể đến là Xi măng Nghi Sơn. Với công tác quản trị bài bản, Xi măng Nghi Sơn không phải chịu áp lực vốn vay và là nhà máy xi măng duy nhất không phát sinh chi phí đầu tư dây chuyền 2 từ khi lập dự án đến khi thực hiện (4.700 tỷ đồng).

Công ty đã đầu tư cảng và tàu chuyên dụng lên đến 70.000 tấn tại Trạm phân phối Ninh Thủy để điều chuyển hàng hóa vào khu vực miền Trung và phía Nam. Với lợi thế nhà máy đặt ngay sát biển, vận chuyển đường thủy với tàu tải trọng lớn đã giúp Xi măng Nghi Sơn tối thiểu hóa chi phí vận chuyển. Năm 2012, trong bối cảnh thị trường vật liệu xây dựng gặp nhiều khó khăn, Công ty vẫn đạt kết quả kinh doanh ấn tượng, với doanh thu 5.500 tỷ đồng, lợi nhuận 400 tỷ đồng.

DN ngành xi măng và bài toán vị trí - 1

Năm 2012, Xi măng Nghi Sơn đạt doanh thu 5.500 tỷ đồng, lợi nhuận 400 tỷ đồng

Không có được vị trí đẹp như Nghi Sơn, nhưng Xi măng Công Thanh cũng có nhiều ưu thế từ vận chuyển đường biển. Còn VICEM Hoàng Mai lại có lợi thế vượt trội về vận chuyển bằng đường bộ so với các thương hiệu xi măng khác trong khu vực. Hơn nữa, khu vực khai thác đá (nguyên liệu chính trong sản xuất xi măng) gần với nhà máy nên Xi măng Hoàng Mai cũng tiết giảm được chi phí vận chuyển nguyên liệu, tăng ưu thế cạnh tranh so với các nhà máy trong khu vực miền Trung như Xi măng Đô Lương, Xi măng 19/5.

Thương vụ mua lại 70% cổ phần Xi măng Thăng Long từ Geleximco của Tập đoàn Semen Glesik với giá 230 triệu USD không gây bất ngờ với các chuyên gia trong ngành. Theo phân tích của các chuyên gia, nếu xét về vị trí cảng biển, Xi măng Thăng Long cũng có lợi thế tương tự như Xi măng Hạ Long hay Xi măng Cẩm Phả. Tuy nhiên, lợi thế vị trí của Xi măng Thăng Long trong mắt nhà đầu tư nước ngoài còn ở tình hình tài chính. Nhìn vào khoản lỗ trên đầu của ba DN này thì so với Xi măng Cẩm Phả (lỗ khoảng 1.200 tỷ đồng), Xi măng Hạ Long (lỗ khoảng 1.250 tỷ đồng), Xi măng Thăng Long có lợi thế hơn hẳn (với khoản lỗ 127 tỷ đồng). Cộng với lợi thế có 2 dự án nữa chưa được triển khai, Xi măng Thăng Long đã được Semen Glesik, tập đoàn xi măng đang đứng trước nguy cơ không giữ được 40,8% thị phần tại Indonesia do thiếu hàng, lựa chọn.

Xi măng VICEM Hoàng Thạch với lợi thế về vận chuyển cũng đã từng bước tạo dựng tên tuổi tại khu vực phía Bắc. So với các nhà máy khác, Hoàng Thạch có lợi thế vận chuyển cả về đường bộ và đường biển. Vì thế, Xi măng Hoàng Thạch có độ phủ tương đối rộng và “trấn giữ” địa bàn trọng điểm là Hà Nội với khoảng 25% thị phần, khoảng 30 thương hiệu còn lại chia nhau 75% thị phần. Hơn thế, trong khi các nhà máy khác đang “loay hoay” với bài toán chi phí vận chuyển khi tính toán xuất khẩu thì Hoàng Thạch đã “kiếm” được những đơn hàng sang châu Phi.

Ông Đào Ngọc Bình, Tổng giám đốc VICEM Hoàng Thạch cho biết: “Công ty vẫn tiếp tục tìm kiếm thị trường xuất khẩu và xem đây là hướng đi mới trong điều kiện dư nguồn cung”.

Tại phía Nam, Xi măng VICEM Hà Tiên với 2 nhà máy cùng 4 trạm nghiền đã có độ phủ tương đối rộng khắp, từ công trình lớn, trạm trộn và trong khối dân sinh. Cùng lợi thế vị trí với VICEM Hà Tiên, còn có xi măng FICO. Với 1 dây chuyền tại Tây Ninh và 1 dây chuyền tại TP. HCM cùng với chính sách quảng bá thương hiệu khá tốt, FICO đã chia lại thị phần với thương hiệu số 1 phía Nam -VICEM Hà Tiên.

Khu vực Bắc miền Trung ghi nhận thế mạnh của Xi măng VICEM Bỉm Sơn khi đây là nhà máy đầu tiên có mặt trong khu vực (năm 1980), nhưng đến nay, với hàng loạt nhà máy được xây dựng san sát bên nhau như Tam Điệp, Pomihoa, Hệ Dưỡng, Bút Sơn, Hoàng Long, Bỉm Sơn đã mất đi lợi thế vốn có. Thay vì tiêu thụ tại địa bàn, các thương hiệu này phải đi một quãng đường khá xa đến các vùng miền và phải cạnh tranh gay gắt với các nhà máy có lợi thế về địa lý.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trung Kiên (Đầu tư Chứng khoán)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN