Doanh nghiệp xi măng đang “chết cứng”

“Nợ đọng, tồn kho, thua lỗ, tạm dừng sản xuất, đóng cửa nhà máy”... đang là nỗi lo thường trực của nhiều doanh nghiệp xi măng. Vì rất nhiều nguyên nhân khác nhau, cả chủ quan và khách quan, ngành xi măng đang tự đẩy mình vào thảm cảnh chưa từng có.

“Chết” ở cuối “cao trào”

Điểm lại hoạt động của ngành 6 tháng đầu năm, Bộ Xây dựng thừa nhận khó khăn chưa từng có của ngành xi măng cũng như các ngành sản xuất vật liệu xây dựng khác. Lượng hàng tồn rất cao. Nhiều doanh nghiệp đã phải giảm công suất khai thác hoặc tạm dừng để tránh thua lỗ thêm như dây chuyền của Nhà máy xi măng Hoàng Thạch, một số nhà máy xi măng thuộc Tập đoàn Sông Đà... Theo Bộ Xây dựng, việc dừng sản xuất hoặc giảm công suất khai thác đã ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả sản xuất và làm giảm khả năng thanh toán nợ của các doanh nghiệp.

Ông Trần Văn Huynh, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam phân tích: “Giá cả nhiên liệu, điện, nguyên liệu đầu vào liên tục tăng, lãi suất ngân hàng cao, tỷ giá ngoại tệ tăng, chi phí tài chính lên đến 20 - 30%, vốn lưu động thiếu đã làm cho các doanh nghiệp vật liệu xây dựng phải giảm sản lượng hoặc dừng sản xuất. Sản phẩm tồn kho khối lượng lớn, kinh doanh thua lỗ, nhiều doanh nghiệp có dấu hiệu phá sản...”. Có thể dễ dàng chỉ ra nhiều địa chỉ “đen” đang bên “bờ vực” như Nhà máy xi măng Cẩm Phả (nợ lũy kế tính đến hết năm 2011 lên tới hơn 1.200 tỷ đồng), Nhà máy xi măng Hạ Long (hết năm 2011, lỗ lũy kế 1.090 tỷ đồng), Nhà máy xi măng Đồng Bành (lỗ 149 tỷ đồng)...

Bộ Xây dựng cho biết: “Sản xuất và tiêu thụ vật liệu xây dựng đang ở trong tình trạng đình đốn do việc cắt giảm đầu tư cũng như hệ lụy từ việc thị trường bất động sản đóng băng”. Tuy nhiên, với riêng ngành xi măng, hệ lụy bi đát không phải chỉ do bất động sản ảm đạm. Nhiều người đã dự báo trước về những “cái chết” ngày hôm nay.

Doanh nghiệp xi măng đang “chết cứng” - 1

Nếu không điều chỉnh quy hoạch, xi măng sẽ tiếp tục dư thừa rất lớn

Tự đẩy mình vào chỗ khó

Theo ông Trần Văn Huynh, cộng với lượng tồn lũy kế từ năm 2011, lượng clanhke, xi măng hiện còn tồn kho khoảng trên 3 triệu tấn, tức hơn 3.000 tỷ đồng! Đáng chú ý, sản xuất và tiêu thụ giảm, nhưng ngược lại, năng lực sản xuất của toàn ngành (công suất thiết kế) lại tăng khoảng 10% so với năm 2011, do “cao trào” đầu tư xi măng đã khởi động từ những năm gần đây. Năm 2012, toàn ngành xi măng có công suất thiết kế khoảng 70 triệu tấn, năng lực khai thác dự kiến đạt từ 62 đến 64 triệu tấn. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ nội địa năm 2012 dự kiến khoảng 46-47 triệu tấn, phấn đấu xuất khẩu 7-8 triệu tấn, tương đương tổng cộng 53-54 triệu tấn. Như vậy, ước tính, sẽ dư thừa khoảng 10 triệu tấn công suất!

Ông Đỗ Đức Oanh, Tổng thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho rằng, quy hoạch ngành xi măng đã dự báo tăng trưởng không chuẩn dẫn tới tình trạng cung vượt cầu. Bên cạnh áp lực rất lớn từ suy thoái kinh tế, bản thân ngành xi măng cũng tự đẩy mình vào thảm cảnh hiện nay bởi nhiều doanh nghiệp, địa phương “nhắm mắt” đầu tư xây dựng nhà máy xi măng theo kiểu “cố đấm ăn xôi”. Các nhà máy xuất hiện khắp nơi, có xã có tới 3 nhà máy thì thừa thãi là điều không tránh khỏi.

Chấm dứt “trăm hoa đua nở”

Để cứu các doanh nghiệp xi măng đang “đông cứng”, Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam đã có nhiều kiến nghị gửi tới Chính phủ và các bộ, ngành liên quan. Ông Trần Văn Huynh cho biết, Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt, đẩy nhanh việc xây dựng cơ sở hạ tầng (tất cả các loại đường giao thông nông thôn, tỉnh lộ, quốc lộ, đường đô thị, sân bãi các khu công nghiệp) bằng bê tông xi măng. Hội cũng kiến nghị Quốc hội cho áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng với các sản phẩm vật liệu xây dựng là 5% trong năm 2012, thay cho thuế suất 10% hiện hành để kích thích người tiêu dùng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiêu thụ hết hàng tồn kho, thu hồi vốn trả nợ ngân hàng.

Đặc biệt, Chính phủ cần chỉ đạo Bộ Xây dựng tái cấu trúc ngành công nghiệp xi măng và soát xét điều chỉnh Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng theo hướng phù hợp với thực tế tiêu thụ xi măng hiện nay. Ông Trần Văn Huynh nói: “Năm nay đã thừa 10 triệu tấn, nếu thực hiện theo đúng kế hoạch thì năm 2012 sẽ đưa vào sản xuất thêm 7,5 triệu tấn, năm 2013 thêm 9 triệu tấn, năm 2014 thêm 4,3 triệu tấn... Như thế, sẽ đưa tổng công suất lên 90 triệu tấn, tức dư thừa công suất trên 25 triệu tấn. Đó là chưa kể trong đó có nhiều dự án sẽ không có khả năng thực hiện nhưng vẫn “chiếm chỗ”, gây lãng phí lớn...”.

Ông Trần Văn Huynh cũng kiến nghị, phải có giải pháp quản lý có hiệu quả việc xuất khẩu vật liệu xây dựng, chấm dứt tình trạng “trăm hoa đua nở”, cạnh tranh không lành mạnh, phân tán, manh mún, tùy tiện, gây thiệt hại lớn cho đất nước.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Chính Trung ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN