Đề xuất sửa đổi 8 vấn đề liên quan xăng dầu

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp rà soát và bước đầu đưa ra 8 vấn đề cần đề xuất, sửa đổi đối với các Nghị định 83/2014; 95/2021 về kinh doanh xăng dầu.

Trước những bất cập của thị trường xăng dầu, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì để rà soát, sửa đổi Nghị định về kinh doanh xăng dầu theo trình tự, thủ tục rút gọn, báo cáo Chính phủ ngay trong tháng 11.

Các Nghị định đề xuất sửa đổi gồm Nghị định 83/2014 và Nghị định 95/2021 về kinh doanh xăng dầu.

Thực hiện việc này, Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương để lấy ý kiến cho việc sửa đổi. Bộ Công Thương đề nghị các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố đánh giá tình hình thực hiện Nghị định 83/2014 và Nghị định 95/2021 thời gian qua ra sao, có ý kiến đề xuất sửa đổi gì? Thời gian tham gia ý kiến gửi về Bộ Công Thương trước ngày 20-11.

Bộ cũng đề nghị các bộ, ngành cử đại diện tham gia ban soạn thảo và tổ biên tập việc sửa đổi các nghị định này.

Năm 2022 được coi là một năm “dị thường” đối với lĩnh vực xăng dầu. Ảnh minh hoạ: PHI HÙNG

Năm 2022 được coi là một năm “dị thường” đối với lĩnh vực xăng dầu. Ảnh minh hoạ: PHI HÙNG

Theo đó, có 8 vấn đề được Bộ Công Thương đề xuất, sửa đổi. Tám đề xuất này được Bộ Công Thương đưa ra sau khi đã rà soát cùng với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp.

Một là vấn đề chu kỳ điều hành giá xăng dầu. Hai là quy định mức chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu. Ba là đại lý bán lẻ xăng dầu được lấy hàng từ nhiều nguồn. Bốn là quyền và nghĩa vụ của các thương nhân phân phối xăng dầu.

Năm là quyền và nghĩa vụ của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Sáu là việc thống nhất đầu mối quản lý nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu. Bảy là việc quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Tám là việc sửa đổi, bổ sung các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Theo đánh giá của các chuyên gia, doanh nghiệp, năm 2022 được coi là một năm “dị thường” đối với lĩnh vực xăng dầu. Cũng vì vậy đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập trong quản lý, điều hành kinh doanh xăng dầu ở nước ta, gây ra nhiều bất ổn cho thị trường.

Các vấn đề được Bộ Công Thương đề xuất lấy ý kiến cho việc sửa đổi đều đã được các chuyên gia, doanh nghiệp phản ánh, đề nghị sửa đổi từ lâu.

Đơn cử như với chu kỳ điều hành giá xăng dầu, nhiều ý kiến cho rằng cần phải rút ngắn hơn nữa để giá xăng dầu trong nước được cập nhật, tiệm cận hơn với giá xăng dầu thế giới. Nhiều ý kiến cũng đồng tình về việc bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Hoặc việc quy định mức chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu, cũng là vấn đề mà doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu bức xúc thời gian qua, là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng cửa hàng xăng dầu đóng cửa cục bộ. Vì không có chiết khấu, chiết khấu bằng 0 nên doanh nghiệp bán lẻ “lỗ chồng lỗ”, tài chính khó khăn, không còn nguồn tiền để nhập hàng…

Các doanh nghiệp bán lẻ đề xuất cần phải quy định mức chiết khấu hoa hồng tối thiểu để họ trả lương công nhân viên, hao hụt, mặt bằng… giúp cửa hàng không phải đóng cửa, gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng…

Nguồn: [Link nguồn]

Cây xăng tự phát mọc khắp nơi, trang bị cả... trụ bơm điện tử

Nhận thấy hình thức đặt "cục gạch", lắc tay không còn mang lại niềm tin cho khách hàng, các tiệm tạp hóa, sửa xe, thậm chí quán giải khát đã đầu tư các trụ bơm xăng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo An Hiền ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN