Đề xuất 2.000 tỉ đồng giải cứu cá tra

Hôm nay (1.6), hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep) họp tại Hà Nội bàn biện pháp giải cứu ngành cá tra và bàn kiến nghị Chính phủ bơm khẩn cấp 2.000 tỉ đồng giúp guồng máy nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu cá tra hoạt động bình thường trở lại. Để có cái nhìn bao quát hơn về đề xuất này, chúng tôi trao đổi với ông Dương Ngọc Minh, phó chủ tịch Vasep, đồng thời là chủ tịch uỷ ban Cá nước ngọt thuộc Vasep.

Ông Minh mô tả thảm cảnh của người nuôi cá: “Ngày xưa, người nuôi cá được vay ngân hàng, nhà máy thức ăn tài trợ cho nuôi và nhà máy chế biến đi vay vốn để thu mua cá. Bây giờ ngân hàng cắt cho vay, nhà máy thức ăn không tài trợ, doanh nghiệp không có tiền mua cá”.

Nếu được chấp thuận thì đối tượng nào sẽ nhận nguồn vốn này thưa ông?

Trong bản kiến nghị trình bộ ngành, chúng tôi đề xuất sẽ rót trực tiếp vốn vào thu mua nguyên liệu và nuôi trồng. Trước đây, doanh nghiệp thường lấy cớ vay tiền ngân hàng mua nguyên liệu nhưng lại đem đầu tư sai mục đích, tiền mua cá vẫn nợ của dân. Lần này, Vasep đề xuất phương thức đưa vốn trực tiếp tới tay người nuôi. Người dân khi bán cá cho doanh nghiệp, có hợp đồng thì ngân hàng căn cứ vào đó để rót vào tài khoản của họ hoặc có thể cầm hợp đồng lên ngân hàng lãnh tiền.

Ngoài đề nghị hỗ trợ mua nguyên liệu, chúng tôi cũng kiến nghị dùng khoản tiền đó để đầu tư vào nuôi trồng bởi hiện nay, có nhiều doanh nghiệp còn cá nuôi dở dang trong ao nhưng hết tiền mua thức ăn. Ngân hàng sẽ căn cứ trường hợp nào có cá trọng lượng từ 400 – 500g để quyết định cho doanh nghiệp vay tiền, mua thức ăn, nuôi đến lúc thu hoạch. Tôi khẳng định đây chỉ là dòng vốn đầu tư ngắn hạn giúp doanh nghiệp nuôi trong giai đoạn từ ba tới bốn tháng đổ lại. Cách làm này vừa giúp doanh nghiệp vừa giảm rủi ro cho ngân hàng vì giai đoạn cá từ 300 – 400g trở xuống nếu đầu tư thì tỷ lệ hao hụt thường cao.

Hiện có khá nhiều doanh nghiệp đang nằm trong danh sách nợ xấu, hoạt động yếu kém. Để đảm bảo đồng vốn đầu tư mang lại hiệu quả thì những trường hợp nào sẽ được Vasep kiến nghị Chính phủ bơm vốn?

Trước tiên, đối tượng đó phải có thị trường xuất khẩu ổn định, đang hoạt động hiệu quả. Kế đến là phải có nguồn vốn lưu động đối ứng ít nhất 30% và phải có tài sản (nhà máy chế biến, vùng nuôi, bất động sản) riêng của mình. Một biện pháp nữa là ngân hàng cũng có thể đánh giá mức độ tài chính, tín dụng của từng doanh nghiệp để có căn cứ giãn nợ hoặc cho vay trên cơ sở những hợp đồng xuất khẩu mới nhằm tránh rủi ro.

Đề xuất 2.000 tỉ đồng giải cứu cá tra - 1

Người nuôi cá đang bị phó mặc với những ao nuôi dang dở

Vasep có thống kê đến thời điểm này có bao nhiêu doanh nghiệp cần vốn?

Theo thông báo của hiệp hội thì mới có 13 doanh nghiệp gửi yêu cầu cần vay vốn. Điều này hoàn toàn ngược lại với những gì đang diễn ra. Tôi nghĩ rằng trong điều kiện ngân hàng đang cố thu hồi vốn về thì doanh nghiệp rất sợ lộ thông tin xấu về mình, nên không doanh nghiệp nào dám công khai mình khó khăn. Vấn đề chính là ngân hàng phải rà soát lại, nếu doanh nghiệp đang ở tình trạng 100% vốn vay ngân hàng, thì bơm tiền nữa chỉ làm phá thị trường.

Kiến nghị của Vasep mang tính ngắn hạn. Vậy về lâu dài, doanh nghiệp trong ngành cá tra cần phải làm gì?

Tôi nghĩ đã đến lúc ngân hàng phải nhìn thẳng vào sự thật, cần có một đợt thanh lọc, cơ cấu lại nợ đối với các nhà máy chế biến cá tra. Thời gian qua ngành ngân hàng đã có lời cao rồi, bây giờ họ phải chấp nhận chịu lỗ, mua lại khoản nợ trước đây cho doanh nghiệp vay xây nhà máy để bán lại cho đơn vị hoạt động tốt hơn.

Còn vấn đề nội tại trong ngành, tôi nghĩ đã đến lúc Nhà nước cần phải quy hoạch lại nuôi trồng, có kiểm soát từ con giống, thức ăn, sản lượng nuôi. Nuôi cá phải có định hướng sản lượng chứ không thể tuỳ tiện như thời gian qua. Người nuôi phải có giấy phép và tới đây nhà máy chế biến chỉ mua nguyên liệu trên vùng được cấp phép. Khi quy hoạch được sản lượng thì mình có thể tính được thị trường đầu ra...

Eximbank: “Đêm nào cũng phải ngồi xét duyệt, miễn giảm lãi suất”

Tổng giám đốc ngân hàng Eximbank Trương Văn Phước, cho biết các ngân hàng vẫn đang âm thầm cắt, giảm lãi suất. Nhiều trường hợp, lãi suất doanh nghiệp phải trả thấp hơn 2 – 3% so với lãi suất công bố. Theo ông Phước, hiện nhiều ngân hàng tuyên bố lãi suất vay vốn 17 – 18%/năm, nhưng thực tế chỉ cho vay 14 – 15%/năm, đêm nào cũng phải ngồi xét duyệt, miễn giảm lãi suất trên hồ sơ từ 2 – 3%/năm. Tại Eximbank, những khoản vay có lãi suất 14 – 15%/năm chiếm tỷ trọng khoảng 60% trên tổng dư nợ, những món vay chịu lãi suất 17 – 18% chiếm khoảng 20 – 30%. Thậm chí, Eximbank vừa cung cấp khoản tín dụng trị giá khoảng 5.000 tỉ đồng, áp dụng lãi suất chỉ tương ứng 6%/năm, chỉ với điều kiện doanh nghiệp chịu rủi ro về tỷ giá. Ví dụ, giá trị món vay 20 tỉ đồng của doanh nghiệp sẽ được quy đổi tương ứng với 1 triệu USD, và đến kỳ trả nợ, doanh nghiệp sẽ trả khoản nợ theo tỷ giá của thời điểm đó. “Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, tỷ giá ổn định, nhập siêu thu hẹp, rủi ro về tỷ giá rất thấp. Kể cả trường hợp tỷ giá tăng, mức lãi suất có thể tới 10%/năm thì vẫn là quá rẻ. Với gói tín dụng này, trong vòng một tuần qua, chúng tôi đã giải ngân được 1.000 – 2.000 tỉ đồng”, ông Phước cho biết.

Theo ông Phước, không phải là doanh nghiệp không tiếp cận được vốn, ngân hàng vẫn cho vay. Nhưng vấn đề là hàng tồn kho của doanh nghiệp quá lớn, họ không luân chuyển được hàng, không có dòng tiền để hoàn trả. “Muốn tăng trưởng tín dụng thì quá dễ. Nhưng cho vay để doanh nghiệp tiếp tục chất hàng tồn kho thì không”, ông Phước nói.

Thua đau do chính sách thắt chặt tiền tệ

Theo ông Minh, từ năm 2008 đến nay, ngành cá tra phát triển nóng dựa trên đầu tư. Việc ồ ạt xây nhà máy dẫn đến tổng công suất chế biến toàn ngành tăng lên 2,5 triệu tấn, trong khi với mục tiêu xuất khẩu năm 2012 là 2 tỉ USD, chỉ cần công suất 1,2 – 1,3 triệu tấn nguyên liệu. Đặc thù đầu tư xây dựng nhà máy chế biến giai đoạn này là nhiều doanh nghiệp vay 80% vốn dài hạn từ các ngân hàng, và vay gần như 100% vốn vay ngắn hạn. Khi thị trường tiêu thụ biến động, lãi suất tăng do chính sách thắt chặt tiền tệ, từ tháng 10.2011 đến nay, buộc các doanh nghiệp, kể cả người nuôi phải tìm đủ cách thu hồi vốn, trả nợ ngân hàng. Từ chỗ đó đi đến vấn đề biến động giá cá nguyên liệu, kể cả việc mất kiểm soát giá xuất khẩu.

Việc ngân hàng thu hồi vốn đã buộc các doanh nghiệp phải bán hàng ra với bất cứ giá nào để có thể xoay vòng trả nợ. Bằng chứng là sản lượng xuất khẩu năm tháng đầu năm nay tăng trên 12%, doanh số 700 triệu USD trong khi nuôi trồng không tăng. Tín hiệu này cho thấy doanh nghiệp đang bán đổ bán tháo hàng tồn kho và những gì còn lại trong ao để chấm dứt hoạt động vào đầu quý 3 và 4 tới đây. Từ nguyện vọng của người nuôi, doanh nghiệp, Vasep đề nghị Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp 2.000 tỉ đồng cho ngành cá tra, với lãi suất khoảng 10%/năm trong vòng khoảng sáu tháng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Bảy ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN