Đập bàn, đập thớt "đuổi"… thịt heo sạch
Mỗi khi có khách ghé quầy bán thịt heo sạch VietGAP là một số tiểu thương nói xiên nói xỏ, đập bàn đập thớt.
Việc bán thịt heo đạt chứng nhận an toàn VietGAP (nuôi theo không sử dụng chất cấm, đảm bảo truy xuất nguồn gốc từ trại nuôi đến người tiêu dùng) đang gặp rất nhiều khó khăn.
Muốn bán heo VietGAP phải… bỏ chữ “sạch”
Từ tháng 10-2015, Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ (huyện Củ Chi, TP.HCM) đã đưa ra thị trường hai sạp chuyên bán thịt heo sạch VietGAP tại chợ Hòa Bình (quận 5). Tuy nhiên, bà Nguyễn Hồng Thắm, Giám đốc công ty, than thở đang phải chịu sức ép rất lớn của các tiểu thương bán thịt heo tại chợ này.
Theo bà Thắm, cùng với sự giúp sức của Sở NN&PTNT TP.HCM cũng như các cơ quan chức năng, người dân mới biết thịt heo sạch VietGAP bán tại chợ Hòa Bình. Thời gian đầu mới ra mắt thịt VietGAP, lượng người mua khá cao.
Thậm chí có ngày không ít người dân từ các quận, huyện xa cũng tới chợ thật sớm mới có thể mua được loại thịt heo này. Giá bán lẻ thịt heo VietGAP bằng với giá thịt heo thông thường.
“Ban đầu công ty có treo một băng rôn quảng bá gắn trên hai quầy, cộng với bảng hiệu và bảng giá được treo rõ ràng cho người tiêu dùng dễ nhận diện. Đáng tiếc là được vài ngày thì tiểu thương ở các quầy thịt bên cạnh phản ứng, yêu cầu công ty phải tháo băng rôn, bảng hiệu phải làm nhỏ lại và không có chữ thịt heo sạch VietGAP. Khi công ty không chịu thì các quầy thịt khác cũng treo bảng hiệu “thịt sạch”. Chưa hết, có tiểu thương còn giới thiệu quầy mình cũng bán thịt heo VietGAP” - bà Thắm nói.
Bà Thắm cho biết thêm: Chính kiểu lập lờ thông tin như trên dẫn đến chuyện khách hàng mua thịt thường, đến khi đi tới quầy bán thịt VietGAP của công ty mới biết mình mua nhầm, quay sang giận dỗi, trách móc.
“Một số tiểu thương làm đủ cách để gây áp lực. Ví dụ, mỗi khi có khách ghé quầy thịt của công ty là một số người nói xiên nói xỏ, đập bàn đập thớt. Thậm chí có người sáng sớm lén rải bột hàn the lên mặt bàn trong quầy thịt của công ty” - bà Thắm nói.
Sau đó, Ban Quản lý chợ Hòa Bình nói công ty phải nhường các tiểu thương một bước. “Cuối cùng, ban quản lý chợ tự bỏ tiền làm lại bảng hiệu, bảng giá nhỏ lại như các quầy thịt khác và bảng hiệu chỉ ghi “quầy thịt heo VietGAP”, bỏ chữ “sạch”. Các quầy thịt khác cũng phải tháo dỡ bảng hiệu có chữ “thịt sạch”” - bà Thắm cho hay.
Sau khi bị tiểu thương phản ứng, quầy thịt heo VietGAP phải tháo băng rôn, bỏ chữ “thịt sạch”... Ảnh: QUANG HUY
“Treo băng rôn thịt sạch là không được”
Trao đổi với chúng tôi về vụ việc trái khoáy trên, ông Bùi Mạnh Chung, Trưởng ban Quản lý chợ Hòa Bình, giải thích lúc đầu Công ty An Hạ có treo băng rôn cao, kéo dài trên hai sạp.
Sau đó tiểu thương phản ứng vì cho rằng các quầy thịt của họ cũng được kiểm soát từ trang trại đến lò giết mổ, ra chợ và đều được kiểm dịch thú y. Do vậy nếu quầy của Công ty An Hạ ghi “thịt sạch” sẽ khiến người tiêu dùng hiểu nhầm về nguồn gốc thịt của các quầy khác.
“Chợ Hòa Bình hiện có hơn 100 quầy thịt đều của những đơn vị cung cấp uy tín tại TP.HCM như Công ty Vissan, Hợp tác xã quận 5 và một số cá nhân khác. Ban quản lý chợ đã làm việc với Công ty An Hạ, sau đó làm lại bảng hiệu, bảng giá có kích thước như các quầy thịt khác trong chợ” - ông Bùi Mạnh Chung cho hay.
Trong khi đó, một tiểu thương bán thịt tại chợ này lý giải họ phản ứng vì các quầy thịt trong chợ có kích thước bảng biệu, bảng giá đều giống nhau. Trong khi đó quầy thịt heo VietGAP lớn hơn, lại có băng rôn ghi thịt sạch là không công bằng.
“Phân biệt như vậy là cạnh tranh không công bằng, khiến người tiêu dùng hiểu nhầm. Thịt công ty kia là thịt sạch, vậy thịt tôi bán là thịt bẩn sao? Thịt heo của chúng tôi cũng lấy từ những đơn vị cung cấp uy tín, có nguồn gốc, có kiểm dịch vệ sinh an toàn đầy đủ” - một tiểu thương nói.
Loại bỏ thịt bẩn
Bà Nguyễn Hồng Thắm cho hay ngoài chợ Hòa Bình, hiện công ty có quầy thịt heo VietGAP ở chợ Bà Điểm (Hóc Môn), chợ Tân Định (quận 1). Tuy nhiên, công ty đang tính thuê mặt bằng ở phía mặt ngoài chợ Tân Định để bán vì ngại tiểu thương lại phản ứng.
“Dù chi phí tăng do thuê mặt bằng ở ngoài cao hơn trong chợ nhưng chúng tôi có thể đăng bảng hiệu quảng bá thịt heo VietGAP thoải mái, qua đó để người tiêu dùng biết đến nhiều hơn. May mắn là hiện nay nhiều người tiêu dùng đã biết đến thịt heo VietGAP nên lượng hàng bán cũng ổn định” - bà Thắm thông tin.
Ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở NN&PTNT TP.HCM, cho rằng dù gặp không ít khó khăn khi triển khai nhưng đến nay đã liên kết các khâu thành chuỗi liên kết thịt heo an toàn VietGAP. Sở sẽ phối hợp với ban quản lý các chợ để triển khai đưa thịt heo VietGAP vào các lồng chợ.
Cũng theo ông Trung, thời gian tới các đơn vị trực thuộc Sở sẽ tăng cường kiểm soát việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Từ đó nhằm từng bước loại bỏ thực phẩm bẩn, không đảm bảo an toàn ra khỏi thị trường.
Nhiều điểm bán sản phẩm an toàn Để người dân tiếp cận với nguồn thực phẩm an toàn cũng như khuyến khích việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm sạch, Sở NN&PTNT TP.HCM đã công bố danh sách 127 đơn vị sản xuất, kinh doanh an toàn. Cụ thể, có 93 đơn vị sản xuất, kinh doanh rau, củ, quả an toàn. Tiêu biểu như hệ thống các siêu thị Co.opmart, Metro Cash & Carry, Big C, Lotte Mart, Maximark… Bên cạnh đó, có 11 điểm kinh doanh sản phẩm thịt gia súc, gia cầm, trứng an toàn đã được cấp giấy chứng nhận. Trong đó bao gồm hệ thống các siêu thị trên và các điểm bán hàng của Vissan, Ba Huân, Công ty An Hạ... |