Coi chừng vỡ mộng "cây triệu đô"
Trên thị trường thế giới, có thời điểm loại nông sản này giá cao, dao động 1,5-2 USD/kg hạt. Với năng suất bình quân ba tấn hạt/ha, mỗi năm trồng một hecta mắc ca sẽ cho thu nhập khoảng 6.000 USD, cao hơn trồng cà phê 1.500-2.000 USD/ha.
Tại thị trường trong nước, có thời điểm nguyên liệu quả tươi được hét giá 500.000 đồng/kg.
Từ những thông tin hấp dẫn trên, nhiều người coi mắc ca là cây trồng siêu lợi nhuận, “cây vàng” hay “cây triệu đô”. Và cũng từ đó, không ít hộ nông dân đổ xô đi mua giống mắc ca về trồng.
Hiện nay diện tích mắc ca tại Đắk Lắk đã lên đến trên 600 ha, phần lớn là do nông dân trồng tự phát; điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu nhiều nơi không phù hợp, kỹ thuật chăm sóc hạn chế nên nhiều diện tích kém hiệu quả.
Anh Trần Văn Lốp ở thôn Đoàn Kết, xã Ea Tân, huyện Krông Năng cho biết thấy nhiều người đổ xô trồng nên năm 2013 anh cũng vay 50 triệu đồng để đầu tư trồng 200 cây mắc ca xen trong rẫy cà phê. Đáng buồn là đến nay cây mắc ca mới cao chưa quá đầu người, tán ít… Vừa qua anh Lốp đã phải cắt hết cành, tận dụng gốc cây mắc ca để trồng tiêu mong sau này thu hồi lại vốn!
ông Nguyễn Văn Cúc ở thôn Lộc Xuân, xã Phú Lộc, huyện Krông Năng, một trong những người trồng mắc ca hiệu quả nhất Đắk Lắk, nhận định: “Trên thực tế cây mắc ca không mang lại hiệu quả như người ta đồn. Vườn mắc ca của gia đình tôi phát triển khá tốt nhưng không phải cây nào cũng cho nhiều quả, chỉ có khoảng 20/800 cây trong thời kỳ thu hoạch cho năng suất tốt, còn lại đậu quả không nhiều”.
Điều đáng lo hơn, theo ông Cúc và nhiều nông dân, hiện nhiều diện tích mắc ca của người dân đã cho trái, song vẫn chưa có doanh nghiệp hay thương lái nào vào mua để chế biến làm thực phẩm. Một số hộ dân thu hoạch mắc ca xong chủ yếu bán cho các nhà vườn để ươm giống và sau khi ươm, cây giống này lại được bán cho nhiều hộ dân khác.
Đã vậy, không ít các vườn ươm giống tiếp tục đua nhau đẩy giá cây mắc ca giống lên cao, hiện dao động 50.000-80.000 đồng/cây và vẫn rất hút khách. Chưa hết, theo các chuyên gia nông nghiệp, giống mắc ca ngoài thị trường khá đa dạng nhưng phần nhiều không rõ nguồn gốc, xuất xứ, kém chất lượng. Trước thực trạng trên, Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk vừa khuyến cáo người dân chỉ nên trồng mắc ca dạng thử nghiệm, trồng xen trong vườn và chỉ trồng các giống vô tính (cây ghép); nghiêm cấm sử dụng cây từ hạt…
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk Huỳnh Quốc Thích nhìn nhận trồng cây mắc ca hiện nay rủi ro cao. Bởi trồng đến 4-6 năm mới cho kết quả, trong khi không phải vùng nào cũng trồng được và giống nào cũng cho trái.
“Hiện giá mắc ca ở Việt Nam là giá ảo do người ta lấy hạt để ươm giống, trên thế giới giá không cao như vậy. Chính giá ảo khiến nhiều người lầm tưởng là “cây triệu đô”, siêu lợi nhuận” - ông Thích phân tích.