Có nên lập trần cho giá xăng dầu?

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng nội dung sửa đổi Nghị định 84/2009 vẫn chưa tạo được sự thay đổi đột biến so với nghị định cũ.

Hôm nay (17-5), Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam tổ chức hội thảo tiếp tục thảo luận góp ý cho nội dung sửa đổi Nghị định 84/2009/NĐ-CP mà Bộ Công Thương vừa công bố nội dung sửa đổi hôm 15-5.

Trong đó, vấn đề xã hội quan tâm nhất là cơ chế điều hành giá xăng dầu mà dự thảo đưa ra ba phương án điều chỉnh: Theo biến động giá thực tế, theo giá bình quân 30 ngày hoặc theo mức trần biến động cho cả năm.

Vẫn là rượu cũ

Đối với phương án một, chuyên gia kinh tế - TS Ngô Trí Long cho rằng về bản chất thì cách điều hành so với Nghị định 84 không thay đổi, chỉ thay đổi biên độ điều chỉnh giá chuyển từ 10 lên 15 ngày. Nhưng biên độ như vậy cũng chưa phù hợp với sự biến động thường xuyên của giá xăng dầu thế giới mà phải ngắn hơn. Để phù hợp với sự biến động liên tục, thường xuyên của giá xăng dầu thế giới nên công bố giá bán lẻ tối đa là 10 ngày.

Tuy nhiên, ông Long nhận thấy có một vấn đề khó khăn là xăng dầu dự trữ quốc gia đang được để tại các doanh nghiệp (DN) xăng dầu đầu mối. Thực tế này dễ dẫn đến tình trạng khó tách bạch giữa xăng dầu dự trữ quốc gia và xăng dầu kinh doanh. Do đó cần phải nghiên cứu, xây dựng cơ chế theo hướng bảo đảm minh bạch, thuận lợi trong quản lý, sử dụng xăng dầu dự trữ quốc gia.

Có nên lập trần cho giá xăng dầu? - 1

Cơ chế điều hành giá xăng dầu là một vấn đề mà xã hội quan tâm. Ảnh: HTD

Định giá trần rất… nguy hiểm

Đáng lưu ý ở phương án hai và ba là sự xuất hiện quy định mới: Nhà nước định giá trần, sau đó tùy diễn biến thị trường, DN sẽ tăng/giảm dựa trên giá trần đó.

Cụ thể, ở phương án hai, việc tăng giảm giá dựa trên giá cơ sở bình quân 30 ngày. Ngày làm việc đầu tiên của tháng, liên bộ Tài chính - Công Thương sẽ công bố giá trần bán lẻ áp dụng trong tháng, DN có quyền tăng/giảm giá nhưng không vượt quá giá trần. Phương án ba cũng nêu Nhà nước sẽ công bố mức trần giá bán lẻ xăng dầu cho cả năm tại ngày làm việc đầu tiên của năm. DN đầu mối tự quyết định giá bán, thời điểm điều chỉnh giá tùy thuộc vào phương án kinh doanh của từng DN, theo diễn biến giá xăng dầu thế giới.

Phương thức định giá như vậy đối với thị trường xăng dầu còn tình trạng độc quyền nhưng vẫn có cạnh tranh ở mức độ thấp, theo TS Ngô Trí Long là phù hợp. Tuy nhiên, giá xăng dầu trên thế giới diễn biến rất phức tạp, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như kinh tế, chính trị, tình trạng đầu cơ, dự trữ... Có những thời điểm giá biến động không theo quy luật nào, tăng/giảm đột biến và liên tục rất khó dự tính. Nếu thực hiện theo phương án này, cơ quan chức năng phải có đội ngũ cán bộ đủ trình độ và năng lực để xử lý kịp thời sự tăng giảm thất thường của giá xăng dầu thế giới, từ đó điều chỉnh giá xăng dầu trong nước phù hợp. Và phải làm sao để giá bán lẻ đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, DN và người tiêu dùng.

Ngoài ra, hằng quý cơ quan quản lý nhà nước phải tính toán bù đắp sự chênh lệch giá cơ sở với giá bán lẻ. Việc làm này càng gây thêm sự phức tạp cho DN và cơ quan quản lý. Hơn nữa, cách tính giá trần tăng chưa hợp lý vì mức này không theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dự kiến trong năm của Chính phủ.

TS Nguyễn Minh Phong cũng nhận định việc định ra giá trần là khá chủ quan và rất nguy hiểm. “Vì giá thế giới đâu có ổn định? Chúng ta không nên tạo ra một giá trần cứng rồi DN lại than lỗ - lãi. Nếu theo phương án này thì còn tệ hơn cả quy định cũ” - ông nói.

Xem lại quỹ bình ổn

Về Quỹ bình ổn giá, TS Ngô Trí Long nhận định việc sửa đổi khoản 2: “Quỹ bình ổn giá được hạch toán riêng và chỉ sử dụng vào mục đích bình ổn giá trong phạm vi số dư quỹ, theo quy định của pháp luật” là hợp lý. Tuy nhiên, cần nghiên cứu lại nguồn hình thành quỹ, ngoài sự đóng góp của người tiêu dùng, DN cũng cần trích một phần rất nhỏ lợi nhuận để chia sẻ rủi ro khi giá biến động. Đồng thời cần có cơ chế quản lý, giám sát và minh bạch công khai về Quỹ bình ổn.

Trong khi đó, TS Nguyễn Minh Phong nói rõ: “Tôi vẫn giữ quan điểm bỏ Quỹ bình ổn hoặc chuyển thành Quỹ an ninh năng lượng quốc gia. Hai là cần viết lại công thức giá xăng dầu theo hướng quy định lại cụ thể những chi phí cứng và chi phí mềm. Phần chi phí cứng sẽ bao gồm những chi phí thực của DN để có một lít xăng dầu đến tay người tiêu dùng. Phần mềm bao gồm các khoản thu ngân sách do Nhà nước quy định. Phần cứng thì DN được điều chỉnh theo giá thị trường, do DN tính toán và có kiểm toán. Như vậy, DN sẽ được chủ động, không bị lỗ, Nhà nước cũng không phải bù lỗ”.

Ông Phong kết luận cả ba phương án mà Bộ đưa ra vẫn chưa có nhiều đột phá trong nhận thức lẫn cách làm. Nếu thực hiện như vậy thì chưa có gì đảm bảo sẽ giảm bớt được bức xúc cho xã hội cũng như cái khó cho DN và cả Nhà nước về quản lý điều hành giá. Nên có một phương án đột phá hơn, mang tính thị trường cao hơn, giúp giảm bớt áp lực cho DN và Nhà nước về vấn đề bù giá.

Hiệp hội Xăng dầu “thích” phương án một

Một thành viên trong Hiệp hội Xăng dầu nêu ý kiến: “Tính giá trần như vậy là không chuẩn và không ai có thể tính được. Vì giá nhập khẩu cộng với tiền vận chuyển sẽ chạy liên tục, khi giá thế giới đã thay đổi liên tục thì làm sao tính được. Tôi cho rằng giá trần, dù có làm được, cũng phải xem xét mức giá đó có giá trị tham chiếu không. Hướng đến một mức giá trần về mặt lý thuyết có vẻ hợp lý nhưng về thực tiễn thì rất khó”.

Được biết Hiệp hội Xăng dầu đã chuẩn bị quan điểm về sửa đổi, trong đó nghiêng về phương án một.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Phương - Trà Phương (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN