Cơ chế xuất khẩu gạo tạo cơ hội ‘ngồi mát ăn bát vàng’

Sự kiện: Kinh Doanh

“Các chính sách về đất đai, tín dụng, xuất khẩu đối với lúa gạo đang kìm hãm phát triển ngành này”.

TS Đặng Quang Vinh nhận định như trên tại hội thảo “Rà soát thể chế trong chuỗi giá trị lúa gạo” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 17-3.

TS Vinh dẫn chứng Nghị định 109/2010 về kinh doanh xuất khẩu gạo đưa ra các điều kiện rất ngặt nghèo về kho chuyên dùng, cơ sở xay xát, thời gian xuất khẩu gạo… “Những điều kiện này đòi hỏi vốn đầu tư lớn và một doanh nghiệp mới thành lập không thể vượt qua để tham gia xuất khẩu gạo” - TS Vinh nói. Ông cũng nhận xét hệ quả của nghị định này là tập trung xuất khẩu vào một số công ty lớn, loại bỏ các cơ sở nhỏ vì khó đáp ứng được các điều kiện trên. Thậm chí chính sách này còn tạo ra những chủ thể chỉ “ngồi mát ăn bát vàng”.

TS Vinh còn cho hay Nghị định 109 tạo điều kiện cho Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) nắm vị thế độc quyền trong xuất khẩu gạo và tạo rào cản cạnh tranh lành mạnh giữa các công ty xuất khẩu gạo. Đồng thời, tạo ra nhiều không gian cho sự tùy tiện của cơ quan công quyền khi được yêu cầu xác nhận thông tin về lượng gạo có sẵn của doanh nghiệp, tạo cơ hội cho tham nhũng.

Đồng tình, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói rằng chính sách đối với thương mại lúa gạo có thể nói là “chính sách kém về xuất khẩu”. Bà Lan cũng nói rằng chính sách này là một xu hướng ngược khi tăng quyền cho cơ quan quản lý và doanh nghiệp nhà nước để tăng sự chèn ép đối với doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ cũng như nông dân.

Trước đó, tại cuộc họp về tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo ngày 15-3, Thủ tướng đã yêu cầu sửa đổi Nghị định 109 và các điều kiện tham gia xuất khẩu gạo; xem xét và xóa bỏ những quyền không hợp lý của VFA.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Chân Luận (Pháp luật TPHCM)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN