Chuyện nghề giao hàng online: Thu bạc cắc, bị "bom" đơn tiền triệu
Giao thành công 1 đơn hàng, shipper nhận được từ 30 - 50 nghìn đồng, nhưng lỡ gặp phải những vị khách "có một không hai" thì có khi phải bù cả triệu đồng tiền hàng.
Mới đây, thông tin công ty cổ phần Chuyển phát nhanh GNN (GNN Express) tuyên bố giải thể vì chiếm dụng số tiền tới 5,5 tỷ đồng của các cửa hàng đã làm "rúng động" giới bán hàng online.
Gần 600 cửa hàng là đối tác của GNN Express bỗng rơi vào cảnh "dở khóc dở cười” vì không biết khi nào mới được hoàn lại tiền.
Không hiếm gặp những hình ảnh shipper đội nắng dầm mưa kiên trì chờ khách, đôi khi khách không trả tiền ship, thậm chí "bom hàng".
Trên thực thế, để tránh những trường hợp đáng tiếc như 600 cửa hàng trên, những shop có quy mô kinh doanh tương đối lớn, lượng hàng nhiều thường sử dụng dịch vụ của một công ty giao nhận chuyên nghiệp, có uy tín hoặc thuê riêng nhân viên giao hàng (shipper) và trả lương theo tháng.
Nhưng phần đông các cửa hàng online hiện nay thường thuê ship theo đơn hàng. Rủi ro lớn nhất và thường xuyên xảy ra đối với những trường hợp ship COD - giao hàng và nhận tiền tận tay khách. Vậy nên, để duy trì được mối quan hệ "bằng hữu" giữa shipper và chủ shop cần có sự tin tưởng. Đó có thể coi là một khế ước kinh doanh trong thế giới online.
Trao đổi với PV Báo Người Đưa Tin, anh Bách - shipper ở khu vực Hai Bà Trưng cho hay: "Nghề này như làm dâu trăm họ ấy. Nếu gặp khách hàng dễ tính thì công việc thuận lợi, nhưng bất chợt gặp phải những vị khách khó chiều "có một không hai" thì shipper lại là người chịu thiệt. Với những shipper lần đầu đi làm, rất khó để tạo được lòng tin cho khách".
Cùng đồng cảm với câu chuyện, anh Bình - một shipper lâu năm ở khu vực Hà Nội chia sẻ: "Điều quan trọng là ở bản thân mình có nghiêm túc với nghề hay không. Giao hàng cũng là một nghề, phải tuân thủ đúng với nguyên tắc nghề nghiệp. Ứng tiền đầy đủ, hoàn trả tiền cho shop, không được chậm trễ đơn hàng. Mỗi khi đi làm, mình thử đặt mình vào vị trí khách ngóng chờ và háo hức nhận hàng là mình có thêm động lực để làm việc".
Anh Hải ở Hà Nội từng là shipper ruột của một vài shop đắt giá cho biết: "Để làm shipper "ruột" của một cửa hàng không phải điều đơn giản. Bạn phải tạo được lòng tin và nghiêm túc với thoả thuận đó. Hơn nữa, Theo tôi nghĩ, để chọn và đặt lòng tin với một shipper "ruột", đôi bên cần thoả thuận mức phí sao cho phù hợp để bản thân chủ shop đảm bảo lợi nhuận mà người giao hàng nhận lương xứng đáng".
Đó là câu chuyện của nghề ship với những shipper. Còn với chủ shop?
Việc chọn shipper hay kí hợp đồng với công ty chuyển giao hàng bất kì đều là bài toán đau đầu, đôi khi trở thành thách thức trong kinh doanh.
Để tránh những rủi ro như vụ công ty GNN, có nhiều shop thường quy ước trước với khách hàng về điều kiện ship như buộc họ phải chuyển trước 50% số tiền của hàng hoá, hay có những chủ shop chỉ nhận COD cho khách quen và lâu năm.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, chị Nguyễn Thị Anh, hiện là chủ shop kinh doanh online tại Đan Phượng, Hà Nội cho hay: "Shop không có shipper ruột, nếu có thì cũng tuỳ vào độ tin tưởng với từng người. Còn rủi ro khi ship COD thì dĩ nhiên là điều không tránh khỏi. Hơn nữa về chuyện hàng hoá thất lạc, ship giao hàng cũng không thể tránh khỏi nhưng trường hợp này hi hữu".
Anh Lê Duy Hưng – người kinh doanh cây cảnh tại Hà Nội cho biết: "Do giá trị đơn hàng của tôi thường cao nên tôi có nhân viên giao hàng riêng và chưa bao giờ gặp rủi ro khi khách yêu cầu ship COD. Khi chọn shipper, tôi đặt ra tiêu chí riêng như: Trung thực, đúng hẹn, ứng tiền đủ, không "bom" đơn, không gây thiệt hại cho shop cũng như không làm mất lòng khách. Shipper phải luôn giao đúng hàng, đúng hẹn. Trước khi chọn một shipper, tôi thường có thói quen kiểm tra thông tin của họ qua facebook, gọi những shipper có uy tín, tìm shipper ruột (người quen hoặc họ hàng càng tốt). Sau khi xác nhận đơn hàng đã đến tay khách, tôi có thể trả thêm tiền cho shipper tùy từng trường hợp, khách bắt chờ đợi lâu, khách yêu cầu chuyển địa điểm bất ngờ hay phải đi lòng vòng...".
"Hơn nữa tôi hay trực tiếp gọi điện cho khách để xác nhận khách đã nhận được hàng chưa. Đó cũng chính là cách chăm sóc khách hàng cơ bản, tạo chữ Tín trong kinh doanh"- anh Hưng chia sẻ kinh nghiệm.