Chấp nhận sống chung với nhiệt điện than!

Sự kiện: Kinh Doanh

Trong khi thủy điện đã hết tiềm năng, điện hạt nhân chưa thể triển khai, điện từ năng lượng tái tạo đang quá ì ạch, nhiện điện than là sự lựa chọn bắt buộc dù ảnh hưởng xấu đến môi trường.

Tại buổi làm việc với đại sứ của nhiều quốc gia tại Việt Nam mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cho hay Việt Nam đang phấn đấu đến năm 2030, điện sản xuất từ năng lượng tái tạo sẽ chiếm 30% cơ cấu năng lượng dù không dễ dàng.

Thủy điện không còn hấp dẫn

Ông Đặng Đình Thống, Hội đồng Khoa học, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA), cho biết tính đến năm 2013, 268 dự án thủy điện đã được đưa vào vận hành với tổng công suất 14.240 MW. Theo kế hoạch, đến năm 2017, 473 dự án sẽ đưa vào khai thác, tổng công suất là 21.229 MW, chiếm gần 82% tổng công suất tiềm năng kỹ thuật của thủy điện.

Như vậy, đến nay, các dự án thủy điện lớn công suất trên 100 MW có các vị trí thuận lợi, chi phí đầu tư thấp đã gần như khai thác hết. Mặt khác, theo ông Thống, các dự án thủy điện lớn được đánh giá có thể gây ra những tác động tiêu cực như mất nhiều đất đai, trong đó chủ yếu là đất nông nghiệp; rất nhiều hộ dân phải di dời, tái định cư; một khu vực văn hóa trong diện tích lòng hồ bị chôn vùi... Do đó, thủy điện lớn không còn là nguồn năng lượng nhận được sự đồng thuận phát triển nữa.

Chấp nhận sống chung với nhiệt điện than! - 1

Dù ảnh hưởng đến môi trường nhưng nhiệt điện than vẫn tập trung phát triển. Trong ảnh: Nhà máy nhiệt điện sử dụng than ở Trà Vinh Ảnh: CA LINH

Trong bối cảnh đó, thủy điện nhỏ với công suất dưới 10 MW, không tác động quá lớn về môi trường và xã hội đang có xu hướng được khuyến khích đầu tư. Giới chuyên gia nhiều nước còn xếp thủy điện nhỏ vào nguồn năng lượng tái tạo.

Tuy nhiên, theo đánh giá, tiềm năng thủy điện nhỏ của Việt Nam chỉ khoảng 4.000 MW, trong khi suất đầu tư tính theo mặt bằng giá năm 2011 vào khoảng 25-30 tỉ đồng/MW, đối với thủy điện lớn là 20-25 tỉ đồng/MW nên kém hấp dẫn nhà đầu tư.

Điện hạt nhân chưa biết bao giờ?

Trước đây, điện hạt nhân từng được kỳ vọng sẽ làm thay đổi cơ cấu các nguồn điện của Việt Nam. Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận gồm 2 nhà máy với công suất trên 4.000 MW, đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào năm 2009.

Theo dự kiến ban đầu, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 sẽ được khởi công vào năm 2014 và đưa tổ máy đầu tiên vào vận hành trong năm 2020. Tuy nhiên, thời gian khởi công dự án đã được dời lại sau năm 2020, thậm chí có thông tin cho rằng có thể lùi đến sau năm 2027 hoặc vô thời hạn. Nguyên nhân lùi do có nhiều quan ngại từ các bài học về điện hạt nhân trên thế giới.

Trong khi đó, năng lượng tái tạo được coi trọng bởi tận dụng được tiềm năng thiên nhiên và không gây hại cho môi trường. Đã từng có cơn sốt đầu tư vào lĩnh vực này khi Quyết định 37 của Chính phủ về hỗ trợ điện gió ra đời. Tuy nhiên sau đó, chỉ có một vài dự án đi vào sản xuất ở Bạc Liêu, Bình Thuận… với tổng công suất trên 100 MW, chiếm tỉ lệ hết sức khiêm tốn với 0,3% trong tổng công suất điện cả nước.

Khả năng nâng tổng công suất điện gió lên 1.000 MW vào năm 2020 và 6.200 MW vào năm 2030 theo quy hoạch (chiếm lần lượt 0,7% và 2,4% tổng công suất điện) là bài toán không dễ. Còn tham vọng của Bộ TN-MT năng lượng tái tạo chiếm đến 30% tổng công suất điện thì gần như không thể thực hiện được.

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch VEA, khẳng định: “Năng lượng tái tạo hiện vẫn chưa thể đóng vai trò nền tảng cho phát triển ngành điện như các nguồn điện khác được. Trong bối cảnh thủy điện đã hết tiềm năng và điện hạt nhân chưa được triển khai, tôi cho rằng như trong tổng sơ đồ điện VII hiệu chỉnh cũng như tương lai, nhiệt điện than vẫn là nguồn cân đối năng lượng chủ lực bởi không có gì thay thế tốt hơn”.

Về vấn đề môi trường, ông Ngãi nhìn nhận đúng là các nhà máy nhiệt điện than thế hệ trước gây ô nhiễm môi trường rất lớn bởi không khử được một số chất độc hại như CO2, SO2 và bụi… Tuy nhiên, hiện nhiều dự án đã chọn công nghệ hiện đại nhằm giảm bớt phát thải khí nhà kính, đó là công nghệ lò hơi siêu tới hạn. Đây là loại lò công suất nhiệt cao nhất, áp suất vòng quay lớn, bảo đảm hiệu suất phát điện lớn tương ứng. Đồng thời, đuôi của lò hơi có thể khử được cơ bản các chất SO2, CO2 và lọc bụi tốt.

Cần đẩy mạnh năng lượng tái tạo

Theo đại diện Bộ TN-MT, ngoài một số dự án sử dụng công nghệ siêu tới hạn tiên tiến thì các nhà máy điện than ở Việt Nam vẫn sử dụng công nghệ ngưng hơi truyền thống nên vẫn có tác động xấu đến môi trường.

Do vậy, giới chuyên gia cho rằng tuy không thể chối bỏ hoàn toàn nhiệt điện than song cũng không thể không xây dựng cơ chế phát triển năng lượng tái tạo. Việc này cần có chiến lược cụ thể, tính toán khả năng chịu đựng của môi trường với nhiệt điện than để lên kế hoạch giảm từng bước; đầu tư vốn và học hỏi kinh nghiệm nước ngoài để triển khai năng lượng tái tạo có hiệu quả… Ngoài ra, cần kiên quyết giãn vị trí các nhà máy nhiệt điện than phù hợp, tránh tình trạng quá nhiều nhà máy tập trung một chỗ khiến người dân bức xúc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Nhung (Người lao động)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN