Chanh dây giảm giá cực mạnh do Trung Quốc ngưng mua
Giá chanh dây tại Gia Lai giảm từ mức cao nhất là 56.000 đồng/kg, xuống chỉ còn 10.000 đồng/kg.
Nguyên nhân của tình trạng trên do trước đây thương lái Trung Quốc mua chanh dây với giá rất cao khiến nông dân ồ ạt trồng chanh dây. Sau đó, họ đột ngột mua với giá rẻ làm nhiều nông dân điêu đứng.Đó là thông tin được Bộ NN&PTNT cho biết tại báo cáo thực hiện kế hoạch tháng 4 vừa được công bố chiều 25.4.
Theo Bộ NN&PTNT, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là khu vực trọng điểm về trái cây, thế nhưng do tình hình khô hạn kéo dài kèm với xâm nhập mặn đã khiến nhiều nhà vườn đối mặt nguy cơ mất mùa dù đang chuẩn bị vào vụ trái cây hè. Nhiều loại cây như chôm chôm, măng cụt... đã ra bông, kết trái nhưng tỷ lệ đậu quả rất ít.
Theo các nhà nông, thời tiết bất lợi khiến năng suất trái cây giảm từ 15 - 25% so với vụ trước. Trước tình hình đó, giá một số loại trái cây đã tăng đáng kể. Tại TP.HCM, trong tháng 4.2016, giá cam là 20.000 - 25.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg. Chanh cũng tăng 3.000 đồng/kg, thanh long tăng gần 2 lần so với tháng trước. Chôm chôm tăng từ 5.000 - 10.000 đồng/kg, hiện có giá 30.000 - 50.000 đồng/kg. Giá sầu riêng cũng đang tăng mạnh từ 25.000 - 30.000 đồng/kg nhưng các nhà vườn vẫn không đủ cung cấp cho thương lái.
Tuy nhiên, giá chanh dây tại Gia Lai hiện giảm từ mức cao nhất 56.000 đồng/kg, xuống chỉ còn 10.000 đồng/kg. Một số nông dân cho hay nguyên nhân của tình trạng trên do trước đây thương lái Trung Quốc mua chanh dây với giá rất cao khiến nông dân ồ ạt trồng chanh dây. Sau đó, thương lái đột ngột mua với giá rẻ làm nhiều nông dân điêu đứng.
Ngoài rau củ, ở ĐBSCL, giá cá tra nguyên liệu cũng tiếp tục đà tăng giá mạnh so với tháng trước. Nếu như đầu tháng 3.2016, giá cá tra chỉ ở mức 19.000 đồng/kg thì sang đầu tháng 4 này đã tăng lên 23.000 đồng/kg. Thời gian tới, dự báo cá tra sẽ còn tiếp tục tăng.
Thế nhưng, từ giữa tháng 4.2016, do nhu cầu thu mua đã chững lại nên giá không còn tăng mạnh, hiện giá cá tra nguyên liệu ở mức 22.000-23.000 đồng/kg, tăng khoảng 500 đồng/kg so với thời điểm cuối tháng 3.
Trong khi đó, giá tôm sú nguyên liệu tại ĐBSCLtrong tháng này cũng có dấu hiệu phục hồi sau khi giảm mạnh từ 10.000 – 30.000 đồng/kg vào tháng trước. Nguyên nhân chính khiến giá tôm tăng là do nguồn cung yếu.
Đáng chú ý, tại nhiều tỉnh phía Bắc, mặc dù ít bị tác động của hiện tượng hạn mặn nhưng giá thủy sản lại tăng đáng kể. Cụ thể, giá tôm rảo đã tăng lên mức 180.000 - 250.000 đồng/kg, tôm thẻ chân trắng đang bán với giá 250.000 đồng/kg. Tôm nước ngọt cũng có giá 250.000 đồng/kg. Đặc biệt, giá tôm sú đang bán tới 450.000 đồng/kg. Đây là mức tăng kỷ lục từ trước đến nay.
Tôm tại miền Bắc tăng mạnh là do hiện nay đang là thời điểm cuối vụ, các điểm nuôi tôm ở miền Bắc đã thu hoạch gần hết nên đây chính là thời điểm khan hiếm hàng nhất.
Không chỉ tôm mà giá lợn hơi tại các tỉnh phía Nam cũng tăng mạnh do nhu cầu nhập khẩu lợn hơi từ Trung Quốc tăng. Lợn hơi tại thị trường Trung Quốc hiện có giá 57.000 – 60.000 đồng/kg, trong khi đó giá thịt lợn hơi của Việt Nam chuyển qua biên giới phía bắc để xuất sang Trung Quốc vẫn thấp hơn mức giá trên. Do đó, các thương lái Trung Quốc đang tích cực thu mua với khối lượng lớn. Hiện giá thu mua lợn hơi tại Đông Nam Bộ và ĐBSCL hiện lần lượt có mức giá là 51.000 đồng/kg và 50.000 đồng/kg, tăng lần lượt 8.000 đồng/kg và 7.000 đồng/kg so với hồi đầu tháng 3.2016. Đây là mức giá cao nhất từ đầu năm đến nay.
Cùng chung xu hướng với lợn hơi, giá gà ta và gà công nghiệp lông màu cũng đang tăng khá mạnh. Tại Đồng Nai, hiện giá gà mái bán tại vườn có mức giá là 63.000 – 65.000 đồng/kg, tăng khoảng 10.000 đồng/kg so với hồi đầu tháng. Đồng thời, gà lông màu bán tại trại hiện đang có mức giá là khoảng 44.000 – 45.000 đồng/kg, tăng khoảng 15.000 – 16.000 đồng/kg so với thời điểm giữa tháng 3.2016.
Bộ NN&PTNT nói rằng do trong tháng với sự kiện nghỉ lễ Giỗ tổ khiến nhu cầu tiêu thụ gà ta tăng mạnh, kéo theo giá mặt hàng này biến động tăng.