Chặn “móc túi” khách đi máy bay

Tình trạng khách bị “móc túi” khi mua vé máy bay giờ chót vẫn xảy ra. Nếu số lượng khách đăng ký đông, sẽ có “cò” hoặc nhân viên của hãng hàng không gạ chi thêm tiền để được bay sớm, nếu không phải chờ dài cổ!

Gần đây, nhiều hành khách phản ánh đến Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về tình trạng có vé nhưng không có chỗ trên chuyến bay, thậm chí muốn bay đúng chuyến mong muốn phải trả thêm tiền cho nhân viên hàng không để được xếp chỗ. Bên cạnh đó là những phàn nàn về tình trạng chậm, hủy chuyến diễn ra nhiều làm xáo trộn kế hoạch đi lại của hành khách.

Chặn “móc túi” khách đi máy bay - 1


Nhân viên của Vietnam Airlines làm thủ tục cho khách tại sân bay Tân Sơn Nhất Ảnh: Tấn Thạnh

Muốn bay sớm phải chi 500.000 đồng

Theo Cục Hàng không Việt Nam, đặc thù của ngành hàng không là hàng hóa không trữ được, không có hàng tồn kho (vì máy bay đã cất cánh thì ghế trống không thu được đồng nào) nên các hãng thường cho khách đặt chỗ vượt quá số ghế trên máy bay (overbook) với tỉ lệ cao nhất khoảng 20%, tùy từng chuyến.

Như vậy, đến giờ khởi hành, những khách không có mặt (noshow) không làm ảnh hưởng nhiều đến doanh thu của hãng, đồng thời tạo cơ hội bay cho nhiều người hơn bằng cách các hãng bán vé giờ chót cho những hành khách muốn bay.

Đây là những người không thể mua được vé từ trước, phải ra thẳng sân bay để mua vé giờ chót trên những chuyến bay còn chỗ trống. Những khách này có thể bị nhân viên hàng không bắt bí, chèn ép hoặc phải chi thêm tiền mới được xếp chỗ. Do chính sách bán vé của các hãng giá rẻ là vé không hoàn, không hủy nên không bán overbook, hiện nay chỉ còn Vietnam Airlines (VNA) thực hiện.

Ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, tình trạng khách bị “móc túi” khi mua vé giờ chót thường xảy ra trong các dịp cao điểm nghỉ lễ, Tết hoặc một số chuyến bay vào giờ đẹp trong ngày. Những khách này sẽ đăng ký sổ chờ ở quầy vé để được nhân viên sắp xếp chỗ. Nếu số lượng khách đăng ký đông, sẽ có “cò” hoặc nhân viên của hãng hàng không “gạ” chi thêm khoảng 500.000 đồng để được bay ngay chuyến kế tiếp, nếu không thì “anh/chị còn phải chờ lâu lắm”.

Đã có trường hợp một nhân viên của VNA vừa “móc túi” của khách 500.000 đồng nhờ “chiêu” này nhưng nuốt không trôi vì ngay sau đó thấy ông khách bắt tay một nhân vật trong ban tổng giám đốc của hãng. Lập tức, nhân viên này hoàn tiền, xin lỗi, năn nỉ khách tha cho vì trót dại.

Cục Hàng không thừa nhận trong thời gian qua chưa đặt nhiệm vụ giám sát việc này đúng mức nên để xảy ra tình trạng khách hàng bị bắt chẹt. Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cuối tuần qua đã yêu cầu các hãng hàng không phải có ngay chính sách công khai số chỗ còn trống của mỗi chuyến bay tại màn hình đặt ở quầy vé giờ chót để khách biết và triệt tiêu cơ hội “móc túi” khách hàng của nhân viên hàng không.

Tăng máy bay dự phòng

Theo yêu cầu của Bộ GTVT, mỗi hãng hàng không phải có 10% giờ bay dự phòng, tức là đội bay có năng lực bay 100 giờ thì chỉ được xếp kế hoạch bay 90 giờ, 10 giờ còn lại để dự phòng phương tiện cho những chuyến bay bị chậm giờ, bị hủy chuyến trước đó.

Nhưng trong thực tế, không phải sân bay nào cũng có máy bay dự phòng của các hãng hàng không nên nhiều khi có máy bay trục trặc kỹ thuật, khách phải chờ khắc phục xong hoặc hãng phải điều máy bay từ sân khác đến.

Việc bố trí phương tiện dự phòng mới chỉ được các hãng triển khai ở sân bay căn cứ là Tân Sơn Nhất, tại Nội Bài vẫn có hãng chưa triển khai. Trước tình trạng này, Bộ GTVT yêu cầu các hãng nghiêm túc triển khai quy định về phương tiện dự phòng để khắc phục tình trạng chậm, hủy chuyến, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách.

Ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Jetstar Pacific, cho biết tùy lịch bay từng ngày mà hãng có kế hoạch dự phòng, thường là 1 giờ bay/máy bay. Tuy nhiên, việc chậm, hủy chuyến vào một số thời điểm vẫn diễn ra, gây ảnh hưởng dây chuyền đến nhiều chuyến bay của hãng trong cùng ngày do có những hỏng hóc đột xuất về kỹ thuật không thể khắc phục ngay được.

Các hãng hàng không cho rằng ngành hàng không quốc tế cũng không có thông lệ chung về việc bố trí phương tiện dự phòng vì chậm, hủy chuyến là do tác động của nhiều yếu tố, nhiều công đoạn. Nếu mỗi sân bay phải bố trí 1 máy bay dự phòng thì tính ra mỗi hãng lúc nào cũng phải có ít nhất trên 10 chiếc nằm chờ ở sân bay, rất lãng phí.

Theo phản ánh của các hãng hàng không, một trong những nguyên nhân làm chậm giờ hiện nay là tình trạng quá tải hạ tầng. Một chuyến bay đến Tân Sơn Nhất từ lúc hạ cánh đến khi vào được sân đỗ mất 25-30 phút trong khi chặng đường từ Hà Nội vào TP HCM chỉ có 1 giờ 45 phút thì lỗi không phải ở vấn đề có bố trí phương tiện dự phòng hay không.

Tăng tiền bồi thường cho hành khách
 
Việc sửa chữa đường băng sân bay Tân Sơn Nhất cùng việc các hãng hàng không tăng mạnh tần suất bay mùa hè đang khiến tình trạng chậm, hủy chuyến tăng lên so với đầu năm. Tính riêng kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, đã có 504 trong tổng số 3.277 chuyến bay bị chậm giờ hoặc hủy chuyến, chủ yếu là do máy bay về muộn (chiếm 70,4%), nguyên nhân chủ quan (26,8%) và chỉ có 2,8% số chuyến bay bị hủy, chậm giờ là do nguyên nhân khách quan.
 

Theo quy định mới của Bộ GTVT, từ ngày 1-7, các hãng hàng không phải tăng thêm 100.000 đồng tiền bồi thường cho hành khách trên đường bay nội địa khi chuyến bay khởi hành chậm quá 4 giờ so với dự kiến.

Cụ thể, hành khách bay dưới 500 km được bồi thường 200.000 đồng; từ 500 km đến dưới 1.000 km là 300.000 đồng; từ 1.000 km trở lên là 400.000 đồng.

Riêng với hành khách bay quốc tế, mức bồi thường do chậm, hủy chuyến vẫn giữ nguyên từ 25-150 USD, tùy độ dài đường bay.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tô Hà (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN