Cấm xuất khẩu gạo là hết sức vô lý

Sự kiện: Kinh Doanh

Tạo độc quyền cho hai “ông lớn” bán gạo, nhiều doanh nghiệp khác buộc phải ngừng xuất khẩu.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) mới đây đã có Công văn số 164/CV/HHLTVN gửi các công ty xuất khẩu gạo nêu rõ: Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) và Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) được Chính phủ chỉ định là đầu mối đàm phán, ký kết xuất khẩu gạo vào một số thị trường tập trung như Bangladesh, Malaysia và chuẩn bị dự thầu mua gạo của Philippines.

“Do vậy, VFA đề nghị các thương nhân xuất khẩu gạo không được giao dịch, ký kết hợp đồng xuất khẩu gạo hoặc để bên mua tái xuất khẩu gạo vào thị trường có hợp đồng tập trung nêu trên trong thời gian từ ngày 6-6-2017 đến khi hai tổng công ty kết thúc giao dịch và ký kết hợp đồng” - công văn trên giải thích.

Bên cạnh đó, VFA cho biết sẽ báo cáo Bộ Công Thương các trường hợp vi phạm được phát hiện để bộ này xem xét, xử lý theo quy định. Bởi theo VFA, Thông tư số 44/2010 của Bộ Công Thương quy định: Thương nhân không được giao dịch, ký kết hợp đồng xuất khẩu gạo hoặc để bên mua tái xuất gạo vào thị trường có hợp đồng tập trung trong thời gian quy định, trừ trường hợp được Bộ Công Thương chấp thuận bằng văn bản…

Không thể chấp nhận được

Phản ứng trước công văn trên, nhiều doanh nghiệp (DN) cho rằng quy định này tạo ra độc quyền cho Vinafood 1 và Vinafood 2 khiến DN khác mất đối tác, mất thị trường và gây thiệt hại cho hạt gạo Việt.

Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, đánh giá: “Đây là quy định hết sức bất hợp lý. Lý do là các hợp đồng thương mại của DN không liên quan đến hợp đồng tập trung giữa hai chính phủ. Vì vậy việc buộc các đơn vị khác phải tạm ngừng xuất khẩu theo hợp đồng thương mại vào các thị trường tập trung là không thể chấp nhận được và nó đi ngược lại xu hướng tự do kinh doanh, thương mại”.

Chia sẻ quan điểm này, ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng, cho biết đây không phải là lần đầu tiên VFA đưa ra quy định trên mà gần như năm nào cũng vậy. Cụ thể cứ đến thời điểm đàm phán các thị trường tập trung như Malaysia, Indonesia, Cuba, Philippines, Bangladesh… thì VFA lại ra văn bản buộc các DN phải tạm ngừng xuất khẩu vào các thị trường này.

Đến khi Vinafood 1 và 2 đấu thầu xong thì những đơn vị khác mới được xuất khẩu trở lại. Nguyên nhân có thể là do VFA sợ những công ty khác chào bán giá thấp, nhất là bán cho các nhà nhập khẩu ở các thị trường tập trung sẽ cạnh tranh với hai “ông lớn” là Vinafood 1 và 2.

Cấm xuất khẩu gạo là hết sức vô lý - 1

Các doanh nghiệp đề nghị Hiệp hội Lương thực cần công khai các thông tin liên quan đến  xuất khẩu gạo vào các thị trường tập trung. Ảnh: QH

Thế nhưng khi hai tổng công ty trên ký kết hợp đồng tập trung thì không phải lúc nào hạt gạo Việt cũng được hưởng lợi. Ông Đôn dẫn chứng hồi tháng 5-2017, Vinafood 1 ký kết xuất khẩu sang Malaysia 120.000 tấn gạo loại 5% tấm với giá bán quá thấp, chỉ hơn 356 USD/tấn. Với mức giá này, DN nào được phân bổ xuất khẩu theo hợp đồng tập trung sẽ lỗ. Biết là lỗ nhưng vẫn phải làm vì không giao hàng theo phân bổ thì DN bị cắt chỉ tiêu phân bổ hợp đồng xuất khẩu gạo vào thị trường tập trung trong một năm, theo quy định của VFA.

Đại diện một công ty xuất khẩu gạo cũng cho rằng khi có hợp đồng tập trung với càng nhiều quốc gia khác nhau thì cũng đồng nghĩa các DN xuất khẩu gạo theo diện hợp đồng thương mại lại càng khó tìm kiếm thị trường cho mình. Điều này là không tốt cho hạt gạo Việt.

Cần bàn với DN trước khi ký kết

Trước sự phản ứng của cộng đồng DN, VFA cho biết vừa có văn bản cho phép các thương nhân được ký hợp đồng thương mại ở thị trường tập trung trở lại đối với các loại gạo thơm, nếp và tấm.

Tuy nhiên, đại diện nhiều DN và chuyên gia cho rằng động thái trên của VFA là chưa đủ. Vấn đề cốt lõi nhất là Bộ Công Thương và VFA cần nhanh chóng tháo gỡ những quy định hạn chế quyền kinh doanh hợp pháp và gây cản trở cho DN xuất khẩu gạo; tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng để các DN có thể xuất khẩu gạo vào tất cả thị trường chứ không chỉ một vài đơn vị.

Giám đốc Công ty Gạo Việt, ông Nguyễn Thanh Long, nêu quan điểm: “Việc chỉ tạo điều kiện cho hai tổng công ty lương thực “độc chiếm” thị trường tập trung cần phải thay đổi. Cần có cách quản lý khác. Ví dụ trước khi ký kết các hợp đồng tập trung phải cho DN hội viên của hiệp hội biết ký bán giá có hợp lý chưa, số lượng dự tính xuất khẩu bao nhiêu, tồn kho của DN có đủ cung ứng hợp đồng…”.

Cùng quan điểm, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Kinh tế Chính sách (VEPR), cho rằng DN ký các lô hàng xuất khẩu gạo quy mô nhỏ không liên quan đến hợp đồng tập trung thì nên để họ tiếp tục làm. Còn hợp đồng tập trung xuất khẩu các lô hàng lớn thì cần tập trung về một số đầu mối nhưng phải có sự đồng thuận giữa các DN trong hiệp hội; thông tin phải minh bạch trước khi ký kết và công khai hợp đồng tập trung.

“Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cần xây dựng bộ tiêu chí rõ ràng để trở thành đầu mối giao dịch tập trung; đấu thầu quyền đàm phán và điều phối các giao dịch hợp đồng tập trung khi có nhiều DN đạt tiêu chí đặt ra” - ông Thành nhấn mạnh.

Nhiều ý kiến khác tán đồng quan điểm trên và đề nghị nên thực hiện các hợp đồng tập trung theo hướng thông qua cơ chế đấu thầu công khai. Bởi nếu duy trì cơ chế như hiện nay sẽ tiếp tục đẩy các công ty xuất khẩu gạo vào thế bị động và chịu thiệt hại lớn vì bị hạn chế cơ hội kinh doanh, xuất khẩu, đặc biệt là mỗi khi có hợp đồng tập trung thì VFA lại ra văn bản cấm.

Rất khó hiểu

Một số công ty xuất khẩu gạo cho rằng quy định thương nhân không được giao dịch, ký kết hợp đồng xuất khẩu gạo… của VFA là rất khó hiểu vì nông dân đang rất cần bán gạo. Đặc biệt là trong bối cảnh thị trường xuất khẩu gạo đang gặp rất nhiều khó khăn, cạnh tranh khốc liệt với nhiều nước xuất khẩu gạo trên thế giới.

“Tại sao lại cấm thương nhân ký hợp đồng thương mại để tập trung cho hợp đồng tập trung? Đây là việc làm gây cản trở xuất khẩu gạo” - đại diện một công ty xuất khẩu gạo bức xúc.

Xuất khẩu gạo thu về 1 tỉ USD

Theo Bộ NN&PTNT, khối lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm tháng đầu năm nay đạt 2,3 triệu tấn với giá trị 1 tỉ USD. Con số này tăng 1,6% về khối lượng và tăng 1,2% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam, chiếm 48% thị phần. Philippines là thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam, chiếm hơn 11% thị phần.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Huy (Pháp luật TPHCM)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN