Cách nhận biết sứa giả từ vụ bắt giữ ở Trung Quốc

Cảnh sát miền Đông Trung Quốc hôm 10/5 thông báo họ đã đột kích 2 cơ sở sản xuất sứa giả, thu giữ 10 tấn nguyên liệu đang trộn hóa chất để chuẩn bị mang đi tiêu thụ.

Cách nhận biết sứa giả từ vụ bắt giữ ở Trung Quốc - 1

Cảnh sát Trung Quốc đột kích cơ sở sản xuất sứa giả. 

Theo nguồn tin từ BBC, cảnh sát Thành phố Hồ Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc đã bắt giữ một người đàn ông tên Yuan, chủ 1 trong 2 cơ sở sản xuất sứa giả hồi cuối tháng 4 vừa qua.

Người này sau đó dẫn nhà chức trách tới cơ sở thứ hai thuộc sở hữu của ông Jia ở TP Thường Châu, tỉnh Giang Tô. Ông Jia chính là "thầy" dạy cách làm sứa giả trộn hóa chất chứa hàm lượng nhôm cao hơn ngưỡng an toàn cho ông Yuan.

Khai nhận với các nhà điều tra, ông Yuan tiết lộ cách thức làm sứa giả, đó là trộn 3 loại hóa chất gồm axit alginic, phèn amoni và canxi clorua khan chung với nhau. Sau khi thành phẩm, hàm lượng nhôm trên 1 kg sứa lên tới 800 mg, vượt 8 lần giới hạn an toàn ở Trung Quốc.

Cảnh sát Hồ Châu cho biết loại sứa này nếu ăn phải có thể khiến xương và hệ thần kinh bị tổn hại, ảnh hưởng đến trí nhớ.

Cách nhận biết sứa giả từ vụ bắt giữ ở Trung Quốc - 2

Sứa giả (trái) và sứa thật (phải).

Sứa là món ăn phổ biến tại Trung Quốc. Đặc biệt vào mùa hè, da sứa thái lát trộn nước sốt trở thành món rau trộn khoái khẩu của nhiều cư dân bản địa.

Tuy nhiên, do sứa tự nhiên không đủ cung cấp nhu cầu nên nhiều thương lái nghĩ ra cách làm sứa giả nói trên để tối ưu lợi nhuận, bỏ qua sức khỏe người tiêu dùng. Cảnh sát Hồ Châu cho biết 2 cơ sở sản xuất sứa giả vừa bị bắt thu được lợi nhuận khoảng 26.100 USD/năm.

Bình thường, để nuôi được 0,5 kg sứa đến lúc thành phẩm phải mất 40 ngày, với giá bán buôn trung bình 30-40 nhân dân tệ. Trong khi đó, sứa nhân tạo có giá rẻ hơn 1 nửa bởi sản xuất ít tốn thời gian.

Cách nhận biết sứa giả từ vụ bắt giữ ở Trung Quốc - 3

Sứa là món ăn yêu thích của nhiều người.

Cảnh sát Hồ Châu đã ban hành hướng dẫn cách nhận biết sứa giả. Cụ thể, sứa giả không có mùi, khó xé rách, kết cấu giống chất dẻo. Còn sứa thật có mùi tanh, màu vàng hoặc nhiều màu sắc.

Hồi tháng 11/2014, cảnh sát Hồ Châu từng bắt 3 người làm sứa giả bằng các loại hóa chất tương tự. Trước đó, tháng 10/2013, cảnh sát Tỉnh Hồ Nam cũng phá đường dây sản xuất sứa giả quy mô lớn, thu giữ 40 tấn nguyên liệu. Kẻ cầm đầu sau đó bị kết án 6 tháng tù giam.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Chi (Giao thông vận tải)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN