Bộ Tài chính 'oằn lưng' trả nợ thay DN xi măng
Với số lỗ lên tới hàng nghìn tỷ đồng, nhiều doanh nghiệp xi măng không có khả năng trả nợ. Trong khi những dự án này khi vay vốn nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh, nên Bộ Tài chính phải trích Quỹ trả nợ nước ngoài để trả nợ thay.
Mỗi năm 30-40 triệu USD trả nợ thay
Theo báo cáo mới đây của Bộ Tài chính gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình trả nợ của các dự án bảo lãnh vay vốn nước ngoài, tổng mức bảo lãnh của Chính phủ cho các dự án xi măng tính đến cuối năm 2011 là 1,365 tỉ USD, với 16 dự án.
Trong đó, có 4/16 dự án với dư nợ hiện tại là 228,75 triệu USD gặp khó khăn trong việc trả nợ, phải nhờ Bộ Tài chính giúp sức.
Trong hai dự án đã được cơ cấu tài chính (xi măng Hoàng Mai và xi măng Tam Điệp) chỉ có dự án xi măng Hoàng Mai trả nợ đều, dự án còn lại xi măng Tam Điệp vẫn gặp khó khăn trả nợ.
Hai dự án khác đã được Bộ Tài chính ứng vốn trả nợ kỳ đầu tiên nhưng chưa thoát khó khăn là xi măng Thái Nguyên và xi măng Đồng Bành của Tổng Cty Cơ khí Xây dựng (Coma, Bộ Xây dựng).
Do cổ đông lớn không thu xếp đủ vốn góp theo cam kết ban đầu và với khoản lỗ gần 197 tỷ đồng, dự án Xi măng Đồng Bành, có tổng vốn đầu tư 1.288 tỷ đồng, đã không có khả năng thanh toán nợ và phải dừng hoạt động từ tháng 3-2012.
Bộ Tài chính phải dùng Quỹ tích lũy trả nợ nước ngoài để cho vay 3,49 triệu USD trả nợ. Nếu Xi măng Đồng Bành không cải thiện được tình hình hiện tại, theo tính toán trong 5 năm tới, số tiền nợ phải trả cả gốc lẫn lãi lên tới trên 600 tỉ đồng.
Nhà máy Xi măng Đồng Bành của Tổng Cty Cơ khí Xây dựng (Bộ Xây dựng) đã tạm dừng hoạt động do lỗ nặng, Bộ Tài chính phải trả nợ thay.
Tình trạng tương tự diễn ra với dự án xi măng Thái Nguyên của Tổng Cty Cổ phần xây dựng công nghiệp Việt Nam (Vinaicon) với tổng vốn đầu tư 3.536 tỷ đồng.
Dự án chưa có nguồn thu để trả nợ, Cty mẹ không có khả năng thanh toán các khoản nợ và lãi vay trong năm 2011 nên Quỹ tích lũy trả nợ của Bộ Tài chính phải ứng trả thay 4,25 triệu Euro.
Sau hơn một năm hoạt động nhà máy lỗ 77 tỷ đồng. Số tiền trả nợ gốc vay của các đối tác nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh lên tới hơn 120 triệu USD chưa biết đến bao giờ mới trả được.
Một dự án khác nằm trên bờ vực báo động là dự án Xi măng Tam Điệp của Cty Xi măng Ninh Bình. Dù đã được cơ cấu tài chính và đến hết năm 2010 Quỹ tích lũy của Bộ Tài chính đã trả nợ thay 10 triệu USD nhưng đến tháng 7-2011, một lần nữa Quỹ tích lũy phải tiếp tục ứng trả giúp 74,55 triệu USD.
Đến nay công ty đang đề xuất phương án cơ cấu nợ tổng thể các khoản vay trong và ngoài nước.
Cùng có mặt trong top doanh nghiệp xi măng lỗ khủng là Xi măng Hạ Long của Tổng Cty Sông Đà với 1.215 tỷ đồng. Đến hết quý I-2012, Cty đã vay 2.000 tỷ đồng để trả nợ.
Phương án cho số nợ giai đoạn 2012 - 2015 là 1.200 tỷ đồng được Xi măng Hạ Long đưa vào kế hoạch đi vay để trả nợ.
Bộ Tài chính dự báo trong thời gian 3 đến 5 năm tới đây hàng năm, Quỹ tích lũy trả nợ có thể phải bố trí từ 30-40 triệu USD/năm để trả nợ thay cho các dự án xi măng.
Trông chờ thoái vốn
Mới đây, Bộ Xây dựng có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận phương án chuyển nhượng hơn 17,114 triệu cổ phần (tương đương hơn 171,14 tỷ đồng theo mệnh giá) của Coma tại Cty cổ phần Xi măng Đồng Bành cho Cty TNHH Tập đoàn Hoàng Phát Vissai (The Vissai, Ninh Bình) cũng như cho phép The Vissai thay Coma thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho khoản vay 3,4 triệu USD từ Quỹ trả nợ của Bộ Tài chính.
Theo đánh giá của các chuyên gia, nếu đề xuất này được Chính phủ chấp thuận, thì Xi măng Đồng Bành sẽ có cơ hội được giải cứu và đây dường như cũng là lối thoát duy nhất cho các đơn vị đã đổ tiền đầu tư vào dự án.
Một dự án xi măng khác đang gặp khó khăn và trông chờ vào việc thoái vốn cho đối tác là dự án xi măng Cẩm Phả, với tổng mức đầu tư 6.089 tỷ đồng, của Vinaconex.
Đến hết quý I-2012 xi măng Cẩm Phả báo lỗ lên tới 1.259 tỷ đồng và Vinaconex phải trích lập 1.000 tỷ đồng quỹ dự phòng. Nhằm thoát khỏi gánh nặng đầu tư lỗ, Vinaconnex cho biết đã trình Chính phủ phương án thoái vốn bằng cách bán 75% cổ phần cho Tổng Cty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM).
Tuy nhiên, theo đánh giá, VICEM cũng đang phải gồng mình với những khoản nợ đầu tư khá lớn nên chưa chắc đã dám ôm thêm nhà máy này.
Theo TS Vũ Đình Ánh chuyên gia kinh tế, trong các năm tới, việc vay thông qua hình thức phát hành trái phiếu quốc tế và vay có bảo lãnh Chính phủ của các tập đoàn, tổng công ty cần được thực hiện thận trọng và có kiểm soát chặt chẽ.
Chỉ xem xét cấp bảo lãnh vay trong nước đối với các dự án cấp bách, công trình trọng điểm quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh vay trong nước.
Bản thân Bộ Tài chính cũng cho rằng, trong thời gian tới, các tập đoàn, tổng công ty phải có lộ trình thực hiện các dự án vay vốn nước ngoài có bảo lãnh Chính phủ phù hợp với năng lực tài chính để đảm bảo bố trí đủ vốn chủ sở hữu theo đúng tiến độ dự án và khả năng trả nợ đúng hạn, giảm việc đầu tư ồ ạt trong cùng một thời điểm dẫn tới thiếu hụt nguồn vốn, giảm hiệu quả đầu tư.
Chính phủ bảo lãnh 69 dự án, vay nợ 9,15 tỷ USD
Theo Bộ Tài chính, hiện có 69 dự án vay vốn nước ngoài đang trả nợ của các doanh nghiệp nhà nước, với tổng số vốn cam kết tương đương 9,15 tỷ USD được Chính phủ bảo lãnh. Trong đó có 37 dự án điện (chiếm 56,1% tổng giá trị vốn vay bảo lãnh), 6 dự án hàng không (chiếm 18,35%), 15 dự án xi măng (chiếm 13,67%), 3 dự án dầu khí (chiếm 2,73%), 3 dự án giấy (chiếm 4,42%), các dự án thuộc các lĩnh vực khác chiếm 4,76% tổng giá trị vốn vay bảo lãnh. |