Bí ẩn đằng sau vụ thu mua...phân trâu
Về việc thu gom phân trâu bò, nếu xuất hiện thức ăn lạ, nuôi giống trâu bò mới… thì người dân phải báo ngay chính quyền địa phương hoặc người có chuyên môn.
Như đã đưa tin, thời gian gần đây, tại khu vực chợ ngã ba biên giới giữa 3 nước Việt-Trung-Lào ở A Pa Chải, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên có hiện tượng tư thương Trung Quốc thu mua phân trâu bò. Theo đó, hàng sáng, bà con một số bản giáp biên ở A Pa Chải lại nối đuôi nhau, chất đầy các bao phân trâu khô mang bán. Bình quân mỗi bao phân trâu khô khoảng 15 kg được tư thương Trung Quốc trả khoảng 60.000 đồng. Số phân trâu khô này được bà con thu gom ở các đồi núi, khu chăn thả gia súc trong vùng.
Theo câu giải thích của tư thương Trung Quốc, họ mua phân trâu bò về để bón cho diện tích đất sản xuất nông nghiệp ở địa phương. Thế nhưng, sau một loạt vụ thu mua "bất thường" của thương lái Trung Quốc rồi để người dân địa phương giải quyết hậu quả như mua đỉa, dây gai, hạt chè, rễ sim… dư luận tiếp tục lo ngại về việc mua bán thứ bỏ đi này.
Cũng có người đã lo lắng, liệu rằng thương lái Trung Quốc có tác động để bán một loại thức ăn, chất kích thích để trâu bò thải ra lượng phân nhiều hơn tự nhiên, rồi làm giảm sức kéo… ảnh hưởng đến việc canh tác, chăn nuôi?
Thời gian gần đây, tỉnh Điện Biên có hiện tượng tư thương Trung Quốc thu mua phân trâu bò. Ảnh minh họa
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hội chăn nuôi Việt Nam cho biết, từng có chuyện mua bán phân trâu, bò ở các tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa vào năm 2007. Loại phân này rất tốt cho việc trồng rau, hoa nên các chủ vườn ở Đà Lạt, Lâm Đồng đã phải đi hơn 100km để thu mua. Do đó, sau khi dùng đủ cho việc trồng trọt, người dân địa phương đã gom loại phân này lại để bán cho các chủ vườn Đà Lạt.
Theo đó, ông Vang cho rằng, mục đích mua phân trâu bò của thương lái Trung Quốc ở khu vực A Pa Chải, huyện Mường Nhé, Điện Biên cũng có mục đích là để bón cho cây trồng. Nếu thương lái Trung Quốc chỉ đơn thuần thu mua phân trâu bò thì không gây thiệt hại cho người dân bởi nó không phải “mặt hàng” phải sản xuất như hạt chè, dây gai, đỉa, bèo….
Tuy nhiên, nếu người dân vì quá ham cái lợi trước mắt mà không để lại lượng phân đủ để bón cho đất, cây trồng sẽ khiến đất bị mất nguồn dinh dưỡng, khô cằn, giảm năng suất của cây trồng. Điều ông Vang cho rằng đáng lo nhất là thương lái Trung Quốc mượn cớ đi mua phân trâu bò để ngó nghiêng, thăm dò tình hình địa phương. Do đó, lực lượng an ninh và chính quyền địa phương cần phải theo dõi chặt chẽ, nắm bắt được mọi động thái của người lạ đến địa phương và ngăn chặn kịp thời khi phát hiện dấu hiệu bất thường.
Đồng quan điểm, ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục chăn nuôi cho rằng, mua phân trâu bò là hành động bình thường. Mục đích thu mua của những thương lái Trung Quốc có thể là để làm phân bón cho cây trồng như cà phê, cao su,… Những loại cây trồng này rất cần phân hữu cơ. Cũng có thể họ mua phân trâu bò về nuôi giun hoặc dùng để đun nấu. Tuy nhiên, người dân cũng nên quan sát, đề phòng việc buôn bán phân có thể làm lây lan dịch bệnh, gây ô nhiễm môi trường nếu việc thu gom thực hiện không gọn gàng, sạch sẽ.
Ông Giao cũng cho rằng, nếu do không dùng hết, người dân thu gom lượng phân trâu bò thải ra tự nhiên bán cho thương lái thì hoàn toàn không ảnh hưởng đến việc nuôi trồng của bà con địa phương. Thế nhưng, chính quyền, lãnh đạo ngành nông nghiệp địa phương nên theo dõi chặt chẽ việc mua bán, khuyến cáo người dân không vì cái lợi đồng tiền thu được trước mắt mà không chăm bón cho cây trồng, mảnh ruộng nhà mình.
Ngoài ra, nếu có sự tác động từ thương lái đến gia súc như cho ăn thức ăn lạ, nuôi giống trâu bò mới… thì người dân phải báo ngay chính quyền địa phương hoặc người có chuyên môn để kịp thời ngăn chặn.